Tượng vàng Oscar: Giấc mơ “trúng số” của điện ảnh Việt Nam

10 năm đã qua, tượng vàng Oscar là một giấc mơ “vàng” của điện ảnh Việt Nam kể từ khi được tham gia vào đấu trường nghề danh giá này năm 2006. Mỗi lần góp mặt là mang niềm vui hy vọng nho nhỏ… như niềm vui sẽ “trúng số”.

Tượng vàng Oscar: Giấc mơ “trúng số” của điện ảnh Việt Nam - 1

Gian khó hành trình phim Việt đến với Oscar

Tính đến năm 2015, điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) nói chung, tính cả phim được đạo diễn Việt kiều làm ở nước ngoài hay hợp tác về Việt Nam làm, đã 12 lần gửi phim tham dự tranh giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, nhưng chỉ 2 lần lọt vào vòng đề cử 5 phim cuối cùng của Oscar với hai phim mang quốc tịch nước ngoài là “Mùi đu đủ xanh” - 1994 của đạo diễn Trần Anh Hùng (Pháp) và phim “War Witch” (Phù thủy chiến tranh) - 2013 của đạo diễn Kim Nguyễn (Canada).

Gần nhất là phim “My home” của đạo diễn Nguyễn Phương Mai (mang 2 quốc tịch Việt- Pháp) lọt vào danh sách rút gọn tranh giải phim hoạt hình ngắn Oscar 2016, nhưng vẫn không phải phim mang “quốc tịch Việt Nam”, không phải phim truyện điện ảnh... Và giấc mơ tượng vàng Oscar của phim ĐAVN “thuần Việt”, “chính chủ” còn gian truân...

Việc chọn phim cũng là một khó khăn, không phải có sẵn nhiều để chọn. Có năm chỉ duy nhất một phim nộp hồ sơ tuyển chọn, nhưng cũng có năm được vài phim. Việc “so bó đũa chọn cột cờ” thường gây ra tranh cãi trong giới chuyên môn và công chúng khi tác phẩm được chọn đi tranh Oscar.

Phim Trúng số.
Phim Trúng số.

Ngạc nhiên là “Trúng số” được chọn đi Oscar 2016, vì từ trước đến nay, chưa có tiền lệ gửi phim hài mang tính thị trường. “Trúng số” lại chưa có một thành tích nào trong nước(chưa nói đến nước ngoài), mang đến một đấu trường đỉnh cao như Oscar. Trong khi có ứng cử viên khác gần như hội đủ các tiêu chí của AMPAS và ĐAVN là “Đập cánh giữa không trung”, một phim đã có trong tay vài thành tích nổi bật trong nước và nước ngoài cũng như “chinh chiến” nhiều liên hoan phim quốc tế khác thì không được chọn.

Bên cạnh đó, khá tiếc cho phim “Cha và con và...”, tác phẩm từng tham dự tranh giải Gấu Vàng liên hoan phim Berlin 2015, không hội đủ tiêu chí của AMPAS vì chưa được trình chiếu thương mại trong khoảng thời gian cần thiết.

Mang chuông đi đánh có đánh được chuông?

Thường khi Oscar khởi động, bắt đầu từ tháng 9 của năm, là các tạp chí hay các chuyên trang về điện ảnh của các tập đoàn truyền thông danh tiếng cũng bắt đầu điểm phim tham dự. Tác giả của các bài báo đó đều là những nhà lý luận phê bình điện ảnh có tiếng, những chuyên gia phân tích nghệ thuật danh giá và uy tín... Vì thế, khi phim được họ nhắc tới, được họ nhận xét, phê bình, đều là phim đáng xem.

Với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ngay từ khoảng 20.9.2015, các trang báo quốc tế như Variety, The Hollywood Reporter đã thông báo Thái Lan, Philippines, Campuchia đã chọn phim gửi tới Oscar. ..Nhưng phim Việt 10 năm nay tham gia Oscar chưa một lần nào được một bài viết của họ. Dù Việt Nam cũng đã từng gửi “Chuyện của Pao” (2007), “Áo lụa Hà Đông” (2008), “Đừng đốt” (2010), “Khát vọng Thăng Long” (2012), “Mùi cỏ cháy” (2013), năm nay là “Trúng số”. Vì xét về danh tiếng, những bộ phim này chỉ người Việt biết, xét về chất lượng, chưa thuyết phục được người làm nghề và đông đảo khán giả Việt thì nói gì đến thuyết phục AMPAS?

Mang chuông đi đánh mà không đánh được chuông, quả thật cũng là một nỗi buồn của ĐAVN. Nhưng phải nhìn thẳng vào thực tế, thất bại đầu tiên của phim Việt khi tham gia các liên hoan phim tầm cỡ thế giới chính là chất lượng không xứng tầm. Giám khảo chú trọng nội dung phim độc đáo, chất lượng nghệ thuật phim hàng đầu rồi sau đó mới đến kỹ thuật. Đặc biệt chú ý đến việc các tác giả làm phim như thế nào, có cái gì riêng, cái gì khác biệt...

Còn phim Việt Nam quan niệm cho rằng áp dụng các kỹ thuật mới nhất là mang thành công cho phim, mà quên đi điều quan trọng là chất lượng nội dung, nghệ thuật của phim. Phim Việt thường kể câu chuyện hời hợt, ít sâu sắc, ít mang tính khái quát điển hình, nghệ thuật lại ít sáng tạo, lặp lại những gì xưa nay người ta đã làm quá nhiều... Chỉ cần lấy ví dụ về điện ảnh khu vực, phim của Iran nhiều lần “gióng chuông” ở các LHP quốc tế và ở Oscar gần nhất 2012, phim “A Separation” đoạt tượng vàng cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Một câu chuyện phim giản dị, không bom đạn, chết chóc, không giết người, kỹ thuật quay, dựng phim không có gì quá đặc sắc, nhưng bộ phim lại khiến người ta rung động về câu chuyện của ông chủ và cô giúp việc, về tính nhân văn của tác phẩm…

Một cảnh trong Những đứa con của làng.
Một cảnh trong "Những đứa con của làng".

Nhìn ngược lại, vì sao phim của Trần Anh Hùng lọt vào Top 5 tranh tượng vàng Oscar phim nói tiếng nước ngoài, bởi vì thời điểm đó, thế giới nhiều biến động, gần như cả xã hội loài người sống “tốc độ”, thì “Mùi đu đủ xanh” mang đến sự tinh tế, chậm rãi đầy nhân văn với những khuôn hình như ảo như mộng của sự bình yên... Hay Kim Nguyễn, một đề tài gai góc “War witch”- Phù thủy chiến tranh, nói về lính trẻ em ở Congo, đề tài không mới, nhưng cách kể câu chuyện và quá trình làm phim công phu, đi sâu vào nhân vật, giải mã sự việc…

Giấc mơ “trúng số”

Thị trường phim ĐAVN đang phát triển theo đà tăng trưởng mỗi năm mỗi hơn. Năm 2015, với phim chiếu rạp (nếu tính luôn những phim chưa được duyệt chiếu), khoảng 45 phim, nhiều gấp 2-3 lần so với 3- 5 năm trước, so với phim nhập chiếm gần bằng 1/3 của năm 2014. Và theo dự kiến, đến cuối 2017, Việt Nam có thể làm được 60 phim chiếu rạp/năm.

Trong 3 năm trở lại đây, xu hướng các bạn trẻ làm phim ở nhiều thể loại khác nhau, và trong số đó có nhiều tác phẩm được đánh giá chất lượng cao, có thể so vai với điện ảnh quốc tế. Nổi bật nhất trong năm 2015 là khi ĐAVN có đại diện chính thức lọt vào tranh giải Gấu Vàng liên hoan phim Berlin, một liên hoan phim quốc tế hạng A danh giá. Trong 2 năm 2014-2015, liên tiếp những thông tin phim Việt Nam được tham dự và đạt một số thành tích ở các liên hoan phim quốc tế. Đó chính là chất xúc tác mạnh, để có hy vọng nhiều hơn với phim ĐAVN trong tương lai. Nhưng các giải thưởng quốc tế phim ĐAVN giành được chỉ là vòng ngoài, vòng phụ, và vẫn là do sự nỗ lực cá nhân chứ chưa phải là kết quả của sự đổi mới ngành ĐAVN mang lại.

Phim Quyên
Phim "Quyên"

Muốn có “bột” để “gột nên hồ”, ngành ĐAVN không chỉ lấy số lượng đầu phim làm thước đo, mà cần lắm những dự án chiến lược đào tạo nhân lực toàn diện cho ĐAVN. Trước mắt, có cơ chế đào tạo nguồn nhân lực rõ ràng, theo từng hạng mục, cần phát huy năng động và hiệu quả quỹ phát triển điện ảnh, từ các trại sáng tác của Hội, ngành, và nên lắm nhân rộng mô hình trại sáng tác Haniff của liên hoan phim quốc tế Hà Nội.

ĐAVN cũng nên xây dựng dự án chiến lược, có tiêu chí cụ thể, để có những tác phẩm chất lượng cao, đại diện cho ĐAVN, đại diện cho quốc gia Việt Nam đưa phim tham dự các liên hoan phim quốc tế danh giá hạng A, của châu lục, khu vực và các quốc gia bạn bè... ..

“ĐAVN - dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập”, slogan của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, và mục tiêu xây dựng thương hiệu, vị thế của phim Việt Nam như một lần nữa khẳng định ước mơ khát khao chinh phục tượng vàng Oscar cũng như những biểu tượng đỉnh cao của điện ảnh thế giới như Sư tử Vàng, Cành cọ Vàng, Gấu Vàng... của ĐAVN trong chiến lược phát triển ngành từ 2015-2020 tầm nhìn 2030.

Có một sự vô tình mà hữu ý, khi ĐAVN chọn phim tham dự Oscar 2016 mang tên “Trúng số”. Ở Việt Nam, trúng số là một sự may mắn trời cho, nhưng cũng có khi là một cuộc chơi công phu mà cả đời chưa chắc đã được một lần “trúng số”. Nhưng ai cũng có quyền ước mơ, dù biết xa vời, dù có khi viển vông, cho dù có đạt hay không thì đó cũng là niềm vui, là một mục tiêu để phấn đấu.

Theo Việt Trần
Lao Động