Tượng "Marilyn Monroe bị gió làm tốc váy" có xúc phạm phụ nữ không?
(Dân trí) - Tượng "Forever Marilyn" đang khiến dư luận Mỹ tranh cãi, nhiều người cho rằng tác phẩm không tôn trọng phụ nữ, gợi tình hóa phụ nữ, kích động hành vi quấy rối tình dục và quay lén phụ nữ mặc váy.
Tồn tại suốt 10 năm, đến bây giờ bất ngờ gây... tranh cãi
Bức tượng "Forever Marilyn" khắc họa một hình ảnh trứ danh trong sự nghiệp của nữ diễn viên nổi tiếng ở Hollywood - Marilyn Monroe (1926 - 1962), đó là một khoảnh khắc của cô trên phim trường "The Seven Year Itch" (Bảy năm ngứa ngáy - 1955). Khi ấy, Marilyn Monroe đang đứng phía trên một đường thông gió của ga tàu điện ngầm.
Đúng lúc có tàu chạy bên dưới, gió thổi lên trên mặt đất chỗ Marilyn đang đứng và váy của cô tung bay. Cảnh này vừa xuất hiện trong phim vừa được những nhiếp ảnh gia có mặt trên phim trường lúc đó ghi lại. Đây là một khoảnh khắc vui tươi, gợi cảm và rất tự nhiên của người đẹp.
Hình ảnh tà váy trắng tung bay là một khoảnh khắc trứ danh gắn liền với hình ảnh Marilyn Monroe, đây cũng là một hình ảnh quen thuộc trong đời sống văn hóa đại chúng.
Bức tượng "Forever Marilyn" khắc họa lại hình ảnh ấy của Marilyn Monroe, tượng có chiều cao gần 8m, do nghệ sĩ người Mỹ Seward Johnson thực hiện.
Bức tượng được hoàn thành năm 2011 và đã được trưng bày ở nhiều không gian công cộng trên khắp nước Mỹ. Tượng nặng 15 tấn và được làm từ nhôm và thép không gỉ.
Bức tượng đã từng được trưng bày trong thành phố Palm Springs, bang California, Mỹ, từ năm 2012 - 2014, khi ấy, bức tượng được xem là một điểm đến hấp dẫn đối với cả người dân trong vùng và du khách đến Palm Springs, sau đó, tượng được đem đi trưng bày ở nhiều nơi trong những năm qua.
Giờ đây, khi bức tượng được đưa trở về trưng bày vĩnh viễn tại Palm Springs, một số người dân nơi đây bắt đầu có những tranh cãi xung quanh bức tượng, cho rằng tác phẩm này không tôn trọng phụ nữ và cổ vũ cho những hành động sai trái.
Trong khi đó, cũng có nhiều người đón chào bức tượng quay trở lại thành phố, họ cho rằng bức tượng có thể trở thành một nét hấp dẫn khách tham quan và người dân địa phương sẽ được hưởng lợi.
Nhóm những người phản đối bức tượng cho rằng không thể ngó lơ những vấn đề tồn tại xung quanh bức tượng này, bởi nó có thể làm ảnh hưởng tới văn hóa đời sống của người dân trong vùng.
Bức tượng hiện được đặt ở lối vào của Bảo tàng Nghệ thuật Palm Springs. Khi bước vào bảo tàng, du khách sẽ nhìn thấy bức tượng tươi cười chào đón, còn khi bước ra khỏi bảo tàng, du khách sẽ nhìn thấy... vòng ba của bức tượng.
Giám đốc của bảo tàng - ông Louis Grachos chia sẻ với truyền thông địa phương rằng việc đặt bức tượng ở đây sẽ khiến một số du khách cảm thấy không hài lòng, thậm chí khó chịu trước những gì nhìn thấy:
"Hãy thử hình dung những đứa trẻ rời khỏi viện bảo tàng và thấy vòng ba và đồ lót của bức tượng khổng lồ, điều đó sẽ tạo nên những tình huống khá nhạy cảm thậm chí phản cảm. Mỗi năm chúng tôi đều tiếp đón hàng ngàn lượt trẻ nhỏ và thiếu niên đến tham quan nơi này".
Một lá đơn kiến nghị thể hiện sự phản ứng đối với bức tượng này đã đề cập tới nhiều vấn đề xung quanh tác phẩm, bao gồm cả "thái độ thiếu tôn trọng phụ nữ", "gợi tình hóa hình ảnh phụ nữ"...
Đơn kiến nghị này hiện đã nhận được hơn 40.000 chữ ký "online", trong khi mục tiêu là cần nhận được 50.000 chữ ký để khiến nhà chức trách địa phương quan tâm xử lý vấn đề.
Bà Elizabeth Armstrong, cựu giám đốc của bảo tàng, đại diện cho nhóm thực hiện lá đơn kiến nghị nói trên chia sẻ rằng: "Bức tượng khiến viện bảo tàng rơi vào thế khó xử bởi rõ ràng tác phẩm này rất phân biệt giới tính, khiến những người đến với bảo tàng vô tình rơi vào hoàn cảnh không thể tránh khỏi của việc phải nhìn thấy vòng ba và đồ lót của bức tượng.
Đó vốn là góc nhìn của những kẻ bệnh hoạn, thực hiện những hành vi quấy rối tình dục phụ nữ mặc váy. Hành động này nếu bị phát hiện sẽ khiến kẻ phạm tội phải chịu hình phạt thích đáng theo luật định của bang California. Chúng tôi hy vọng nhà chức trách sẽ tìm ra cách phù hợp hơn để tôn vinh nữ diễn viên huyền thoại Marilyn Monroe".
Nhà thiết kế thời trang Trina Turk, người cũng đang vận động việc thay đổi vị trí trưng bày bức tượng cho rằng không có con số thực tế chứng minh được việc đặt bức tượng trong thành phố sẽ giúp gia tăng lợi ích kinh tế cho đời sống địa phương.
Trong khi đó đại diện một khách sạn và khu resort trong vùng lại khẳng định rằng các khách hàng của họ đa phần đều bày tỏ sự thích thú đối với bức tượng, các vị khách rất vui vẻ khi đề cập tới tác phẩm. Điều đó khiến họ tin rằng bức tượng thực sự có thể đưa lại lợi ích kinh tế.
Vì vậy, đại diện phía khách sạn, resort đề xuất thành phố tiến hành một cuộc nghiên cứu độc lập để đưa ra quyết định và cần nhấn mạnh vào những lợi ích kinh tế mà bức tượng có thể đưa lại cho đời sống địa phương.
Thực tế, chính một tập đoàn kinh doanh khách sạn, resort tại địa phương đã chi ra 1 triệu USD để mua bức tượng "Forever Marilyn" và lên kế hoạch để bức tượng vĩnh viễn thuộc về thành phố Palm Springs. Đương nhiên, họ hy vọng bức tượng sẽ được trưng bày trong thành phố.
Đã có những phụ nữ lên tiếng bênh vực bức tượng
Câu chuyện xảy ra tại Mỹ thậm chí hấp dẫn cả truyền hình Anh, bản tin "Good Morning Britain" đã tổ chức một cuộc đối thoại xung quanh bức tượng, họ mời nữ nhà báo Olivia Petter và cô Suzie Kennedy - một người chuyên nhập vai Marilyn Monroe để xuất hiện tại các sự kiện, giúp làm hoạt náo không khí sự kiện.
Nữ nhà báo Olivia Petter cho rằng bức tượng "Forever Marilyn" đã không còn phù hợp với quan điểm văn hóa đương đại, cô cũng đề cập tới việc khi bức tượng này được đem trưng bày ở nhiều nơi, đã có những người bước vào giữa hai chân tượng để chụp hình, đó thực sự là hình ảnh không đẹp.
Về phía cô Suzie Kennedy, cô cho rằng những tranh cãi xung quanh bức tượng là khá hài hước bởi bức tượng ấy không hề khuyến khích người ta hành động sai trái như nhiều người đã lo ngại thái quá: "Nhân vật của Marilyn trong phim 'The Seven Year Itch' là một biểu tượng gợi cảm khiến nhiều đàn ông khao khát.
Ngoài đời, bản thân nữ diễn viên cũng được xem là biểu tượng gợi cảm huyền thoại. Đối với tôi, bức tượng này thể hiện sự vui tươi, phóng khoáng và khắc họa lại một khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử điện ảnh.
Với bất cứ bức tượng nào được dựng lên ở nơi công cộng, sẽ luôn xuất hiện những người tìm đến và thực hiện những động tác kém lịch duyệt bên bức tượng, họ chụp hình từ những góc độ nhạy cảm, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải loại bỏ các bức tượng ở nơi công cộng. Bức tượng David khỏa thân của nhà điêu khắc Michelangelo vẫn luôn được ngưỡng mộ đó thôi".
Đáp lại, nữ nhà báo Olivia Petter cho rằng dù Marilyn Monroe là "biểu tượng gợi cảm" huyền thoại nhưng cuộc đời nữ minh tinh cũng có nhiều bất ổn, bi kịch, bao gồm những vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, những điều này có thể bắt nguồn từ chính việc Marilyn đã luôn được xem như "biểu tượng gợi cảm".
Cô Suzie Kennedy không đồng tình và cho rằng ngay từ nhỏ, Marilyn Monroe đã có nhiều vấn đề, cô lớn lên mà không có một người cha ở bên hai mẹ con, người mẹ về sau không đủ khả năng chăm sóc con, khiến Marilyn phải đến sống với nhiều gia đình khác nhau để được nhận sự nuôi nấng cho tới khi đủ tuổi trưởng thành. Và nếu bàn đến cả đời tư của Marilyn sẽ làm chệch hướng câu chuyện.
Suzie Kennedy cho rằng số người chụp ảnh lố lăng bên bức tượng là rất ít, nếu có người hành động thiếu văn minh bên bức tượng, chắc chắn những người xung quanh sẽ thể hiện thái độ.
Nhiều khán giả xem bản tin cũng đã bày tỏ ý kiến của họ thông qua mạng xã hội, khán giả cho rằng hiện tại có những người quá cực đoan, quá nhạy cảm xung quanh một số vấn đề, chẳng hạn như lo lắng về nụ hôn của hoàng tử dành cho Bạch Tuyết hay nụ hôn trong truyện cổ tích "Nàng công chúa ngủ trong rừng", và giờ lại có những lo ngại xung quanh bức tượng Marilyn Monroe.