Oscar 2021:
Tuổi già buồn lắm, bạn đã chuẩn bị gì cho tuổi già chưa?
(Dân trí) - Nếu chưa, "The Father" (Người cha) sẽ giúp bạn có một sự chuẩn bị thật như... cuộc sống.
"The Father" là bộ phim đầu tay của đạo diễn Florian Zeller (41 tuổi), phim được xây dựng kịch bản dựa trên vở kịch của chính vị đạo diễn trẻ - vở "Le Père" ra mắt hồi năm 2012.
Bộ phim có sự tham gia diễn xuất của hai diễn viên nổi tiếng - Anthony Hopkins và Olivia Colman. Chuyện phim xoay quanh một người đàn ông lớn tuổi đang phải đương đầu với chứng bệnh mất trí nhớ của tuổi già.
Khi ra mắt, "The Father" đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, đặc biệt là diễn xuất của nam diễn viên Anthony Hopkins trong vai người cha và Olivia Colman trong vai người con gái lớn.
Cách khắc họa căn bệnh mất trí nhớ tuổi già cũng được đánh giá cao bởi tính chân thực với đầy đủ những đau đớn, khốn cùng mà căn bệnh này gây ra đối với người già và người thân của họ.
Phim đã nhận được 6 đề cử tại giải Oscar, trong đó có đề cử cho Phim - Nam chính (Hopkins) - Nữ phụ (Colman).
Là một bộ phim chân thực như cuộc sống, "The Father" thấm thía, xót xa, là một trong những bộ phim hiếm hoi đề cập tới căn bệnh mất trí nhớ ở tuổi già thu hút sự chú ý lớn trong giới điện ảnh quốc tế.
Một khắc họa về tuổi già bệnh tật
Bộ phim sẽ khiến người xem có những phút lo sợ, có những lần ớn lạnh khi nghĩ về tuổi già, có thể là tuổi già của cha mẹ mình, hay của chính mình sau này. Tuổi già trong "The Father"... buồn lắm, đó là khi người ta bắt đầu mất đi năng lực sống độc lập, bắt đầu trở thành gánh nặng cho con cái, gánh nặng ấy càng lúc càng trĩu xuống.
Đến một thời điểm, sự tồn tại của cha mẹ già bệnh tật dai dẳng bỗng trở thành chướng ngại khổng lồ trong cuộc sống của con cái. Con cái có thể tan vỡ hôn nhân vì những áp lực như thế, không có thời gian để chăm lo cho gia đình riêng, và phải san sẻ nhiều thời gian, tâm sức để chăm sóc cho cha mẹ già bệnh tật.
Trong khi đó, người bạn đời dù thấu hiểu lúc ban đầu nhưng sau cùng vẫn trở nên bức bối, bực dọc và... không chịu đựng nổi về lâu dài. Đó chính là câu chuyện trong "The Father", một bộ phim đơn giản, rất quen thuộc, từng cảnh phim đều có thể khiến người xem những tưởng như mình đã bắt gặp cảnh này ở đâu rồi, bởi bộ phim... chân thật như cuộc sống.
Những cảnh phim xoay quanh sự suy giảm trí lực càng lúc càng nặng nề và gây đau đớn ở một người cha từng một thời rất dấu yêu trong lòng con cái. Đạo diễn Zeller đã xử lý các góc độ mà căn bệnh mất trí nhớ tuổi già gây ra đối với đời sống một gia đình, những chi tiết xót xa tới mức không người xem nào có thể giữ cho mình sự bình thản.
Những bi kịch không lời
Khi bắt gặp nam diễn viên Anthony Hopkins trong những cảnh phim đầu tiên của "The Father", người xem kỳ vọng được thấy chút gì vui vui, dí dỏm trong lối diễn xuất của ông.
Nhưng đạo diễn Zeller không có ý định tạo nên bất cứ sự ấm cúng, vui vẻ nào trong "The Father", người xem sẽ nhanh chóng được gặp cô con gái đã ở tuổi trung niên của ông cụ Anthony - cô Anne (nữ diễn viên Olivia Colman).
Cô tới để nói với người cha đã dần trở nên "nhớ nhớ, quên quên" của mình, rằng cô sẽ rời London (Anh), chuyển tới sống ở Paris (Pháp), bắt đầu một trang mới của cuộc đời, trong một mối quan hệ tình cảm mới, với người bạn trai mới. Trước đó, Anne đã ly hôn chồng, một lý do không nhỏ dẫn tới sự đổ vỡ ấy chính là áp lực đè nặng trên đời sống gia đình Anne: người cha già bệnh tật.
Một mình cô phải quan tâm chăm sóc cha sau khi em gái qua đời. Người chồng không chịu nổi việc cuộc sống riêng liên tục bị chi phối, không chấp nhận được việc những kỳ nghỉ đi chơi xa bị hoãn hủy vô thời hạn do vợ còn phải đặt cha lên ưu tiên hàng đầu, những xô xát xảy ra, và họ chia tay.
Không hề nhớ gì về việc con gái đã trải qua ly hôn, ông Anthony bất ngờ được nghe con thông báo về việc sẽ đi xa, ông trải qua những cảm xúc: từ bối rối không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tới suy sụp, buồn khổ bởi ông lờ mờ hiểu rằng mình sẽ mất đi một điều gì quan trọng lắm.
Vừa yêu thương vừa bất lực, bệnh tật luôn là thử thách nghiệt ngã
Anne rất yêu thương, rất lo lắng cho cha, nhưng cô quyết định sẽ thực sự bước sang một trang mới của cuộc đời, sẽ sống vui tươi, sống vì mình, sau khi đã trải qua đổ vỡ hôn nhân, sau khi phải chịu đựng những áp lực kéo dài trong cuộc sống...
Ngay trước khi Anne đưa ra quyết định này, ông Anthony đã vừa khiến một nhân viên chăm sóc cho ông phải xin nghỉ việc bởi ông cáo buộc người ta ăn cắp, Anne phải tìm người mới thay thế ngay, nhưng chắc gì người này đã trụ lại được lâu dài với một ông cụ lẩm cẩm, hay nghi hoặc, không ổn định tâm lý?
Trong phim, sẽ có những lúc trình tự các sự việc bị đảo lộn, không tuân theo dòng thời gian tuyến tính, đó là cách để người xem trải nghiệm góc nhìn của những người già bị mắc chứng mất trí nhớ: những sự kiện bị đảo lộn, không tuân theo logic nào cả, nhớ nhớ, quên quên, khiến chính người già không hiểu nổi mọi sự đang ra làm sao cả... Họ bất lực trước cuộc sống.
Chính họ cũng cảm thấy rất vật vã khi mọi sự bỗng trở nên quá ư lộn xộn, quá đỗi khó hiểu. Những nhân vật trong phim đôi khi còn bất ngờ được thay thế bằng diễn viên hoàn toàn khác, tên thì vẫn thế, mà gương mặt đổi khác, lạ hoắc, đó là bởi chính người già bị mất trí nhớ cũng nhiều khi không nhận ra nổi người thân.
Có nhiều khi, người thân bỗng hóa người lạ, không còn cảm giác kết nối thân thuộc nữa, hoàn toàn lạ lẫm, xa xôi, nghi hoặc...
"The Father" có một vài phân cảnh khá đen tối, những cảnh này là sự kết hợp giữa chất ly kỳ bí ẩn và tâm lý giật gân, căn bệnh mất trí nhớ khiến người ta lần mò trong cuộc sống của chính mình với vô vàn những điều bí ẩn không hiểu nổi, hoang mang, ngơ ngác, giật thột, ngỡ ngàng...
Phim đặc tả rất sát diễn tiến của bệnh, khi dần dần từng mảnh ghép ký ức trôi tuột đi không gì ngăn lại được. Càng lúc, những con người, bối cảnh, thời gian càng trôi tuột đi và ông cụ Anthony càng trở nên bất lực.
Để níu giữ lấy chút cảm giác kiểm soát cuối cùng, ông Anthony bị ám ảnh với chiếc đồng hồ của mình, nhưng vì sao mà đồng hồ kè kè ở bên, thời gian vẫn trôi qua trước mắt ông quá đỗi lạ lùng đến vậy: vừa mới là buổi sáng, thoắt cái đã hóa chiều tà chỉ sau một bữa ăn sáng, còn chưa được... ăn trưa, ăn chiều cơ mà?
Mọi cuộc nói chuyện trong phim đều ngừng lại khi đề cập tới cô con gái thứ hai của ông cụ - cô Lucy. Ông thương yêu Lucy lắm, cô con gái họa sĩ tài hoa, nhưng sao lâu lắm rồi Lucy không tới thăm ông, ông không biết chuyện gì đã xảy ra với cô... Có những vùng ký ức trong ông đã hoàn toàn biến mất.
Trong khi người xem có thể sắp xếp lại trình tự các sự việc và nhân vật, họ hiểu rằng nhà làm phim Zeller đang chủ ý xáo trộn các sự việc và nhân vật lên để đặt chúng ta vào giữa những ký ức lộn xộn, méo mó của ông cụ Anthony tội nghiệp.
Đi kèm với đó là những thao túng về sắp đặt bối cảnh phim, đủ để đôi lúc chính người xem tự hỏi họ đang ở đâu, đang ở vào thời điểm nào, đó là những trải nghiệm dành cho người xem, để họ hiểu phần nào về bệnh mất trí nhớ tuổi già.
Tài năng diễn xuất nằm ở việc... không diễn gì
Tài năng diễn xuất của nam diễn viên gạo cội Anthony Hopkins vốn không phải ở hình thể, sự hấp dẫn trong lối diễn xuất của ông nằm ở biểu cảm gương mặt, nhưng trong vai diễn ông cụ Anthony của "The Father", nam diễn viên đã thể hiện năng lực diễn xuất của mình ở sự bó hẹp từ cơ thể cho tới gương mặt.
Những cử động rất nhỏ và khô cứng, gương mặt vô hồn, ít biểu cảm, những điều ấy cho thấy giới hạn sau cuối của sự suy sụp, khủng hoảng.
Căn bệnh mất trí nhớ tuổi già không phải như một cú "knock-out" đốn ngã người ta ngay tức khắc, nó nhẹ nhàng thấm dần, ngấm dần và dần dần đóng băng mọi xúc cảm, biểu đạt, ngôn từ, ý thức, cử động của người già.
Và những khi căn bệnh tạm đỡ trong một khoảng thời gian ngắn, ông cụ Anthony lấy lại chút ý thức tỉnh táo về cuộc sống xung quanh, ông lại rơi ngay vào những ngơ ngác trước thực tế mới, lúc này, ông trải qua hàng loạt biến đổi xúc cảm, từ vui vui bỗng quay sang giận dữ, từ hiền từ chuyển sang tàn nhẫn ngay được. Đó cũng là hệ lụy của bệnh tật mà thôi...
Diễn xuất của tài tử Hopkins quá chân thực, người xem hẳn có lúc cảm thấy mình đồng cảm với người nhân viên chăm sóc ông cụ Anthony, vì công việc mà đến, vì thu nhập mà làm, nhưng sợ "chết khiếp" ông cụ quái quỷ này.
Sau mọi khắc nghiệt, vẫn còn đó... yêu thương
"The Father" sau cùng vẫn tỏa ra hơi ấm của tình yêu thương, đặc biệt là từ người con gái lớn - Anne (nữ diễn viên Colman).
Phim không hề cố bọc đường những thực tế đắng ngắt: dù yêu thương nhưng sau cùng vẫn bất lực, cô con gái mệt nhoài và buộc phải tìm một lối thoát ra khỏi những bức bối, ngột ngạt nặng nề như muốn bóp nghẹt cả sự sống và niềm vui của cô. Xem xong bộ phim, người xem sẽ thoáng chút sợ hãi trước tuổi già, trước căn bệnh mất trí nhớ.
"Cha định hủy hoại cuộc sống con gái mình tới bao giờ?", lời của người con rể (cũ) buột ra trong cơn giận dữ cực độ là một nỗi ám ảnh đau đớn đối với từng nhân vật và cả đối với người xem. Dù ban đầu không xấu xa, ích kỷ, nhưng hoàn cảnh có thể đưa đẩy tới những cơn bột phát khủng khiếp như thế, từ yêu thương, cảm thông chuyển sang chán ghét, giận dữ hóa ra... cũng nhanh.
Cuộc hôn nhân của Anne và chồng cũ đổ vỡ vì họ không thể tiếp tục cùng nhau chịu đựng áp lực mệt mỏi được nữa. Những căng thẳng đã dẫn tới những cảnh phim gây sốc nhất. Những cảnh phim ấy khiến người xem cảm thấy bất bình, giận dữ, khó chấp nhận, nhưng... cuộc sống đôi khi lại diễn ra như vậy đấy.
Trong một cuộc phỏng vấn chia sẻ về vai diễn trong phim, nam chính Anthony Hopkins đã thừa nhận rằng khi đóng "The Father", đã có những lúc ông bị ngập chìm trong xúc cảm tiêu cực, sợ hãi, bởi ông... đã 83 tuổi, nên rất đồng cảm với nhân vật trong phim.
Nhưng tài tử Hopkins chắc chắn không phải người duy nhất có những xúc cảm sợ hãi, lo lắng trước tương lai, bởi người xem nào cũng sẽ phải bận lòng nghĩ suy ít nhiều sau những gì mà "The Father" (Người cha) khắc họa.