Tục thờ cúng cá voi của ngư dân Việt trong mắt báo chí phương Tây

(Dân trí) – Mới đây, hãng thông tấn AFP của Pháp đã có bài viết giới thiệu về tục thờ cúng cá voi của ngư dân đảo Lý Sơn. Tục lệ này được đánh giá là một nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của cư dân miền biển Việt Nam.

Tại một ngôi đền ở gần vùng biển sóng nước màu ngọc lam của đảo Lý Sơn, những người dân chài làn da sạm nắng thắp hương cầu khấn một vị thần kỳ lạ mang tên Cá Ông.

Trước khi lên thuyền để tham gia vào những chuyến đánh bắt kéo dài cả tháng trời, những người ngư dân này đều thực hiện một nghi lễ quan trọng. Họ đi tới ngôi đền Tân, nơi có thờ những bộ xương khổng lồ của hai chú cá voi thần thánh.

Tục thờ cúng cá voi là một tín ngưỡng đặc biệt của ngư dân miền biển Việt Nam


Tục thờ cúng cá voi là một tín ngưỡng đặc biệt của ngư dân miền biển Việt Nam

Một người dân chài trung niên chia sẻ: “Thờ cúng cá voi sẽ giúp chúng tôi tai qua nạn khỏi khi đi ra biển”. Anh và những ngư dân khác chuẩn bị rời xa Lý Sơn để thực hiện một cuộc đánh bắt xa bờ. Lý Sơn có số dân vào khoảng 21.500 người. Hòn đảo thuộc miền Trung Việt Nam.

Dọc vùng duyên hải Việt Nam với đường bờ biển chạy dài hơn 3.200 km, những người dân chài nơi đây đều thực hiện nghi lễ thờ cúng cá voi. Họ coi đây là những vị thần bảo vệ sinh mệnh và ngư nghiệp – một hiện tượng văn hóa tín ngưỡng khá độc đáo ở quốc gia này.

Một người giữ đền ở trên đảo cho hay: “Nếu ngư dân gặp phải bão trên biển và không biết nương náu vào đâu, ngay lập tức họ sẽ cầu khấn thần cá voi giúp đỡ. Thần cá voi sẽ có thể xuất hiện bên thuyền của họ, cho thuyền họ nép vào và vượt qua cơn nguy khốn”.

Tục thờ cúng cá voi là một tín ngưỡng đặc biệt của ngư dân miền biển Việt Nam


Xương cá voi được cải táng và lưu giữ để thờ cúng trong đền. Mỗi năm xương được lau chùi một lần bằng mỡ của chính Cá Ông.

Sau khi cẩn thận thực hiện những nghi lễ cầu khấn trước linh hồn của thần cá voi, người giữ đền đưa chúng tôi vào hai căn phòng được thắp sáng lờ mờ phía sau gian đền chính có đặt bàn thờ. Ở hai phòng này người ta chứa bộ xương của hai chú cá voi khổng lồ.

Những chú cá voi này khi còn sống chắc chắn phải nặng từ 50-70 tấn và chiều dài phải hơn 20 m. Chúng đã cập vào bờ biển Lý Sơn khoảng hơn 100 năm trước.

Theo người giữ đền kể lại, do Cá Ông quá lớn nên hàng trăm thanh niên trong làng đã phải lấy hết sức kéo Cá Ông vào nhưng không được, người dân ra khấn bái, thực hiện các nghi lễ với Cá Ông rồi sau đó chỉ cần mười mấy người thanh niên đã có thể kéo ngài vào bờ với sự giúp sức của thủy triều lên.

Những xác cá voi cập bờ như vậy đều được tiến hành “tang lễ” trang trọng, cá sẽ được chôn cất trong 5-10 năm để đến khi chỉ còn lại bộ xương khô thì người dân sẽ lấy xương lên và đem thờ cúng trong đền.

Trước khi đem chôn, mỡ cá voi đã được tách ra và lưu giữ trong những bình gốm lớn để dùng dần mỗi khi người giữ đền thực hiện nghi lễ lau chùi bộ xương cá trong ngày giỗ của Cá Ông được thực hiện một năm một lần.

Báo chí và các hãng thông tấn của Việt Nam cũng thường kể lại những câu chuyện kỳ diệu khi ngư dân được cá voi hỗ trợ giúp thoát hiểm trên biển khi gặp gió bão bất ngờ.

Ngôi đền trên đảo Lý Sơn


Ngôi đền trên đảo Lý Sơn

Theo đó, hãng tin AFP đã dẫn lại trường hợp của ngư dân Đặng Châu từng được báo chí đưa tin khi thuyền của anh được Cá Ông cứu giúp khi gặp bão. Khoang thuyền lúc đó đầy cá nên tàu ì ạch, rất khó chạy nhanh cho thoát khỏi cơn bão nhưng nhờ có Cá Ông mà họ đã thoát nạn.

“Một Cá Ông khổng lồ đã xuất hiện, bơi ngay phía trước con thuyền của chúng tôi để chắn gió bão và nhờ thế chúng tôi có thể lái thuyền cập bờ an toàn. Cá Ông chỉ bơi trở lại biển khi chúng tôi đã được an toàn. Khi ngài quẫy đuôi bơi đi, tất cả chúng tôi đều chắp tay lạy ngài”, một ngư dân đã kể lại câu chuyện của mình như vậy.

Theo chuyên gia nghiên cứu nghi lễ tôn giáo Sandra Lantz, người từng viết một loạt bài về tục thờ cúng cá voi trên chuyên trang khoa học của Thụy Điển hồi năm 2009, “người Việt Nam thờ cúng cá voi không vì một niềm tin mơ hồ nào như người dân ở một số nước lân cận. Họ thờ cúng vì đã được chứng kiến những sự việc có thật và rất cụ thể khi cá voi giúp đỡ ngư dân trên biển”.

 
Pi Uy
Theo AFP