Tục ở rể xứ Đàng Trong
Văn hóa hôn nhân ở Việt Nam ngày nay đã khác xưa khá nhiều. Tuy đâu đó tục “ở rể” vẫn còn tồn tại trong một số trường hợp, nhưng cũng không còn giống với tập tục “ở rể” của cha ông.
Thế kỷ XVI - XVII gắn liền với quá trình hình thành xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, đặc biệt là công lao tiên phong của Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh. Lối ăn ở của cư dân người Việt được mang theo, cải biến và phát triển cho phù hợp phong thổ vùng đất mới. Trong đó, tục ở rể ở Phú Yên xưa là một nét đặc biệt trong đám cưới của người xứ Đàng Trong. Bởi thời điểm ấy, Phú Yên chính là dinh Trấn Biên - biên giới phương Nam cuối cùng của lãnh thổ Đàng Trong.
Chuyện xưa tích cũ
Phủ Phú Yên được thành lập năm 1611 nhưng sự hình thành của cư dân người Việt trên vùng đất Phú Yên ngày nay được xác nhận từ sớm hơn. Khoảng năm 1578, khi thu nhận vùng đất thuộc Phú Yên ngày nay vào lãnh thổ Đàng Trong, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã lệnh cho Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh tiến hành công cuộc khẩn hoang lần thứ nhất. Nguồn gốc hình thành cư dân Phú Yên hiện đại là những lưu dân từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam được Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh đưa vào khai hoang từ những năm giữa và cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII (1648). Trong đó, có hàng ngàn tù binh bắt được từ quân đội Đàng Ngoài.
Tiếp đến, từ năm 1655 đến 1660, quân chúa Nguyễn vượt sông Gianh, chiếm 7 huyện phía nam sông Lam (Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn, Thanh Chương), đã đưa nhiều người dân đến từ các xứ Nghệ An, Hà Tĩnh vào khai khẩn Đàng Trong, đặc biệt là vùng Bình Định – Phú Yên. Dân cư tập trung khai thác nông nghiệp, lâm thổ sản và đánh bắt hải sản. Như vậy, về cư dân thì vùng đất Phú Yên là quần cư của nhiều nhóm người Việt, bao gồm cả những lính của chúa Trịnh bị bắt làm tù binh có nguồn gốc Đàng Ngoài.
Căng dây trước ngõ nhà cô dâu đòi “lệ phí” của nhà trai - tục lệ tại một vùng nông thôn xưa.
Trong suốt quá trình tụ cư và hình thành nên vùng đất này, đã có sự giao thoa về văn hóa giữa các nhóm người Việt với nhau, giữa người Việt và người Chăm bản địa, và cả sự biến đổi phong tục mang theo từ quê hương cho phù hợp với nơi ở mới. Đặc biệt, hôn nhân của người Việt ở Phú Yên xưa có những nét độc đáo riêng, trong đó có tục ở rể.
Tục ở rể trong văn hóa hôn nhân
Do ảnh hưởng của Nho giáo, nên trong hôn nhân, người Việt Nam trước đây rất trọng vấn đề môn đăng hộ đối và cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đấy. Để đi đến hôn nhân, nhà trai phải tuân thủ sáu bước, gọi là lục lễ: xem mặt, đi chơi, đi nói, đi hỏi, cầu giá và lễ cưới. Tục lệ này lần hồi đã giản lược chỉ còn hai hoặc ba lễ: lễ dạm, đi hỏi và lễ cưới.
Nếu được chấp nhận, chàng rể tương lai sau khi đi nói thì thường về nhà cha mẹ vợ để phụ giúp việc gia đình: từ cày bừa, đánh tranh, chẻ củi… chí đến những việc nhỏ nhất. Mục đích của việc ở rể là nhằm kiểm tra đức độ, sự chăm chỉ, siêng năng của chàng rể đến mức nào. Nếu xét thấy tư cách đạo đức của người con trai kém, lập tức nhà gái đi trả của. Nhưng bên cạnh sự thăm dò ban đầu này, nhiều gia đình nhà gái đã lợi dụng việc ở rể để tránh bớt chi phí thuê mướn nhân công, nên ở rể từ chỗ tốt đẹp bị chuyển sang việc lợi dụng sức lao động. Dân vùng Hòa An, Phú Yên có thơ:
“Xuống Dinh mua rổ cá cơm (1)
Đem về muối mít muối thơm để dành
Nữa mai làm rể đánh tranh
Mắm thơm, cà đĩa, cá mành bưng ra
Một chén chàng gắp đũa ba
Bới thêm chén nữa chàng và đũa năm
Ăn xong ra phảng chàng nằm
Tấm tranh cũng tuột, tấm mành cũng bung’’.
Chợ Dinh nguyên gốc là chợ Phú Hậu (Hòa An, Phú Yên), chợ lớn nhất phủ Tuy Hòa xưa, lúc đầu nằm ở bến Cây Vừng (bến Giằng Xay). Khi phủ lỵ dời về chân núi Nhạn Tháp (đường Phan Đình Phùng, TP Tuy Hòa hiện nay) thì chợ Phú Hậu đổi thành chợ Dinh.
Việc biến chất hình thức ở rể âu cũng là thường, bởi vì Phú Yên thời kỳ này dân cư thưa thớt, nên việc thuê mướn nhân công lao động trở nên đắt đỏ. Do đó, việc lợi dụng hình thức ở rể để tăng thêm sức lao động cho gia đình nhà gái âu cũng là điều dễ hiểu.
Có một điểm thú vị là việc đánh tranh tuy không khó nhưng đúng kỹ thuật thì không dễ. Tranh để lợp nhà là loại tranh tốt, được loại bỏ cỏ rối trước khi đánh thành từng tấm. Đánh tranh đúng kỹ thuật sẽ tạo nên những tấm tranh dày, chặt chẽ, khi xách đi hay quăng lên cao không bị xổ:
“Anh về làm rể đánh tranh
Cha mẹ không đành (không ưng bụng) anh tháo tranh ra
Em đố anh tháo được tranh ra
Cơm ăn tiền trả ngày ba mươi đồng”.
Thời kỳ ở rể thường kéo dài từ 1 đến 3 năm. Trong khoảng thời gian này, mỗi dịp Tết Đoan ngọ, Trung thu, Rằm tháng Bảy, Tết Nguyên đán, chàng rể phải mang quà đến biếu cho cha mẹ vợ gọi là “Tết vợ”.
Con gái khi xuất giá, phía nhà trai phải nộp cho làng phía nhà gái một số tiền nhất định gọi là “tiền cheo”. Tiền cheo thường được sử dụng vào những việc công ích của địa phương như đào giếng, làm đường, lát gạch, xây cổng làng… Ngày cưới, nhà gái và nhà trai đều tổ chức lễ đón dâu và đưa dâu. Lúc này, đôi trẻ mới chính thức trở thành vợ chồng, ăn ở với nhau một cách danh chính ngôn thuận.
Các tục lệ xưa như ở rể, nộp cheo, thách cưới không còn tồn tại trong văn hóa cưới hỏi ở Phú Yên ngày nay nữa. Các đám cưới của đôi bạn trẻ được tổ chức văn minh hơn, vẫn giữ nét đẹp truyền thống của tổ tiên nhưng không rườm rà lễ lộc, tiết kiệm hơn ngày trước nhiều.
Theo Thiện Ngộ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần