Tục lệ làm vía tạ lỗi từ những vụ ngoại tình của người H'Mông

(Dân trí) - Người H’Mông coi việc phụ nữ ngoại tình là một tội vô cùng to lớn, tội này thường bị phạt rất nặng...

Người H’Mông tại Thanh Hóa vẫn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa, tục lệ riêng mà ít dân tộc nào có được, tiêu biểu như cướp vợ, cưới hỏi, ma chay, làm vía… Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều phong tục đang dần bị biến tướng cũng bởi “phép vua thua lệ làng”.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 15.000 người H’Mông cư trú, sinh sống chủ yếu ở các huyện như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát... Đồng bào H'Mông là một trong những đồng bào còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán độc đáo từ xưa cho đến nay. Tục làm vía tạ lỗi của đồng bào H'Mông cũng là một trong những tục độc đáo, thể hiện nét văn hóa riêng của dân tộc. Thế nhưng những năm gần đây, tục lệ này đang dần bị biến tướng, nhiều câu chuyện đau lòng cũng xuất phát từ tục lệ này.

Theo những vị cao niên người H’Mông kể lại thì họ không biết tục làm vía tạ lỗi có từ khi nào bởi ngay từ khi lớn lên họ cũng đã biết đến tục lệ này. Cứ thế hệ này sang thế hệ khác truyền lại cho nhau. Những người phạm lỗi như trộm cắp, hiếp dâm, ngoại tình… khi bị phát hiện đều phải làm vía để tạ lỗi đối với phía bên kia. Đặc biệt, người H’Mông coi việc phụ nữ ngoại tình là một tội vô cùng to lớn, tội này thường bị phạt rất nặng.

Một góc bản đồng bào H'Mông sinh sống
Một góc bản đồng bào H'Mông sinh sống

Cái hay của tục lệ này mặc dù không có luật nào quy định nhưng đối tượng khi bị phát hiện thì tự giác mang lễ vật đến nhà người mình phạm lỗi để cúng làm vía xin tha tội.  Lễ làm vía tạ lỗi thường là xôi, gà, heo… và một vài trăm nghìn tiền phí. Lễ được diễn ra dưới sự chứng kiến của già làng, trưởng bản. Tuy nhiên có vụ các gia đình tự thỏa thuận với nhau không cần đến chính quyền địa phương.

Đó là lễ nghi trong tục làm vía vốn có từ xa xưa. Thế nhưng, hiện nay, tục này đã không còn giữ được nguyên bản của nó. Những vụ việc được dựng lên vì ghen ghét, mâu thuẫn lẫn nhau. Những mâm lễ làm vía được phía bên kia đòi hỏi, bắt ép bồi thường lên đến số tiền hàng triệu rồi sau đó lên đến hàng chục triệu. Nhiều vụ việc, chính quyền địa phương, công an phải vào cuộc để giải thoát cho kẻ bị coi là phạm tội.

Theo lời kể của ông Thào A Thái, Trưởng bản Tà Cóm (xã Trung Lý, huyện Mường Lát) thì đúng là tục làm vía của đồng bào ông đang bị biến tướng. “Tôi buồn lắm, trước đây, tục này được xem phong tục đẹp của đồng bào. Không có luật nào quy định nhưng người phạm tội luôn biết mình phải làm vía tạ lỗi xin phía bị hại tha thứ. Họ tự giác làm vì trong thâm tâm họ đó là luật bất thành văn rồi. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, tục đã không còn như xưa. Không riêng gì bản Tà Cóm mà nhiều bản khác của Mường Lát đều xảy ra những vụ việc lợi dụng vào tục làm vía để trả thù nhau do ghen ghét hay mâu thuẫn từ trước rồi bắt ép đòi tiền”.

Một vài câu chuyện cụ thể xảy ra tại bản được ông Thái kể lại như vào năm 2008, anh Sùng A Nênh (SN 1988) tán vợ của người khác, chị này tên là Hơ Thị Sáng (SN 1990). Khi bị chồng và bố cô này phát hiện thì anh Nênh cũng phải làm một mâm lễ tạ lỗi. Thế nhưng, bình thường thì số tiền đặt lên mâm lễ chỉ một vài trăm thì người nhà cô này đòi lên 2 triệu. Cuối cùng anh Nênh cũng phải chấp nhận trả 2 triệu tiền phạt.

Đàn ông gặp phụ nữ H'Mông đi đường không dám cho ngồi nhờ xe vì sợ bị phạt vạ
Đàn ông gặp phụ nữ H'Mông đi đường không dám cho ngồi nhờ xe vì sợ bị phạt vạ

Gần đây nhất là vụ của chị H.T.L. có chồng đi tù, do có tình cảm với một người ở tỉnh Sơn La và được người này rủ đi nước ngoài. Khi chị L đi xuống  huyện Quan Hóa cùng người đàn ông kia thì người nhà chồng chị L điện cho công an bắt giữ cả hai.

Người đàn ông ở Sơn La bị gia đình chồng chị L đòi tạ lỗi với số tiền “khổng lồ” 70 triệu đồng. Vụ việc giữa hai bên không thỏa thuận được cuối cùng phải nhờ đến Công an xã, Bộ đội biên phòng vào cuộc can thiệp. Chị L cùng người đàn ông kia sau đó chỉ bị phạt số tiền nhỏ, tuy nhiên đau lòng nhất là do chị L xấu hổ nên ít ngày sau đó chị này đã uống thuốc sâu tự tử.

Ông Lâu Thanh Va, Trưởng Ban Dân vận huyện Mường Lát, thừa nhận chính tục lệ này khiến con gái H’Mông luôn sống khép mình, người có chồng con không dám gần ai. Ông Va cho biết: “Nhiều hôm tôi về bản, thấy người dọc đường nhưng không dám cho họ đi nhờ vì sợ bị vạ. Ở xã Pù Nhi chúng tôi cũng có vài trường hợp bị bắt vạ vô cớ. Ví dụ như cho cô gái đi nhờ xe mà chồng cô ta phát hiện thấy lại cho rằng có tình ý với nhau thì lại bị phạt. Ở Pù Nhi trước cũng có trường hợp hai nhà có mâu thuẫn với nhau từ trước. Một hôm, người chồng vờ đi ra ngoài, người vợ ở nhà gọi người đàn ông trong gia đình có mâu thuẫn với mình đến cho trứng. Khi đang đưa trứng cho ông này thì bà ta la lên nói ông ấy không cầm trứng mà cầm tay mình. Rồi bắt phải đòi phạt 5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó chính quyền địa phương vào cuộc cho rằng vụ việc không có cơ sở nên người đàn ông kia không bị phạt”.

Phụ nữ H'Mông khi có chồng con thường phải sống khép mình
Phụ nữ H'Mông khi có chồng con thường phải sống khép mình

“Hay như, ở bản Pom Khuông, cách đây không lâu cũng xảy ra vụ việc mà theo nhiều người cho rằng có sự giàn dựng vì bỗng dưng cô gái gọi người một người đàn ông là hàng xóm đến rồi cũng có những cử chỉ tình cảm nhau. Hai người bị bắt quả tang và gia đình cô gái này đòi phạt 60 triệu. Sự việc cũng phải nhờ đến chính quyền, người đàn ông kia không phải đền 60 triệu nhưng cũng  phải mất vài triệu cho yên chuyện” – ông Va kể.

“Trước đây, phong tục làm vía rất hay, nhưng bây giờ đồng tiền làm cho phong tục bị biến tướng đi khá nhiều. Ngoài ra, còn có chuyện vì ghét nhau trong cuộc sống nên “gài bẫy” để bắt phạt. Chúng tôi cũng cho tuyên truyền để bà con hiểu và cần xóa bỏ những cái xấu. Tuy nhiên, với đồng bào H’Mông không phải ngày một ngày hai mà phải có thời gian mới có thể thay đổi được” – ông Lâu Văn Li- Chuyên viên Phòng Văn hóa huyện Mường Lát cho hay.

Nguyễn Thùy


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm