Tục lệ cầu hôn bằng nhẫn kim cương bắt nguồn từ đâu?

(Dân trí) - Cầu hôn bằng nhẫn kim cương là một tục lệ tưởng như đã có từ lâu đời, đã “ăn sâu bén rễ” vào đời sống người dân phương Tây, đến mức khi người đàn ông quyết định cầu hôn, anh ta sẽ ngay lập tức nghĩ tới việc mua nhẫn. Tục lệ này bắt đầu như thế nào?

Tục lệ cầu hôn bằng nhẫn kim cương bắt nguồn từ đâu?


Việc cầu hôn và đeo nhẫn kim cương vào tay người yêu đã trở thành một cử chỉ “kinh điển” của tình yêu, thể hiện sự giao ước gắn bó trọn đời. Tục lệ này đã có từ lâu, nhưng thực tế không phải quá lâu như nhiều người vẫn tưởng, bởi mới từ thập niên 1930, việc cầu hôn bằng nhẫn kim cương mới bắt đầu hình thành.

Tục lệ này bắt đầu từ… một chiến dịch quảng cáo của một công ty chuyên khai thác và buôn bán kim cương có tên De Beers có trụ sở đặt tại Luxembourg.

Nếu xét về mức độ thành công trong lĩnh vực quảng cáo, thì chiến dịch của De Beers có lẽ là một trong những chiến dịch thành công vang dội nhất lịch sử khi giờ đây, 3/4 cô dâu Mỹ đeo nhẫn đính hôn kim cương với giá thành trung bình 4.000 đô la/chiếc (85 triệu đồng).

Ban đầu kim cương không có giá trị lớn như hiện nay, nếu xét về ý nghĩa tinh thần, việc kim cương quý hiếm và là biểu tượng của sự tự tôn bắt đầu được sản sinh sau khi người ta phát hiện ra những mỏ kim cương khổng lồ ở Nam Phi hồi cuối thế kỷ 19. Đó là lần đầu tiên thị trường kim cương trên khắp thế giới trở nên dồi dào hơn bao giờ hết.

Những doanh nhân vận hành các mỏ khai thác kim cương ở Nam Phi nhận ra rằng nếu để thị trường biết kim cương hiện đang rất dồi dào, giá thành ngay lập tức sẽ sụt giảm chóng mặt, chỉ bằng cách nuôi dưỡng câu chuyện về sự quý hiếm của kim cương mới có thể bảo vệ giá thành cho loại đá quý này.

Tục lệ cầu hôn bằng nhẫn kim cương bắt nguồn từ đâu?


Năm 1888, tập đoàn De Beers được thành lập, nắm giữ vai trò chi phối mọi hoạt động trong thị trường buôn bán kim cương. Tập đoàn này không chỉ “cung” mà còn nghĩ ra cách để kích “cầu”.

Năm 1938, giữa lúc kinh tế suy thoái và manh nha nổ ra thế chiến, De Beers đã nghĩ ra cách để đánh bóng hình ảnh kim cương trong quan niệm người Mỹ.

Công ty này đặt ra chiến lược rằng họ phải làm sao để nam giới Mỹ tin rằng chỉ có kim cương mới là món đồ trang sức lãng mạn dành tặng nữ giới, rằng chỉ có kim cương mới có thể sánh với tình yêu của một người đàn ông, rằng kích thước viên kim cương nói lên mức độ thành công của người đàn ông, và mọi mối tình muốn bền lâu, vĩnh cửu đều phải “chung kết” bằng một viên kim cương.

Những thông điệp này cần phải thấm sâu vào đời sống văn hóa đại chúng, trở thành ý tưởng thân thuộc với mỗi người, muốn như vậy, họ cần thực hiện một chiến dịch quảng cáo không hướng đến một thương hiệu cụ thể nào, phải tỏ ra rất “vô tư”, không giống một chiến lược quảng cáo thông thường.

Tục lệ cầu hôn bằng nhẫn kim cương bắt nguồn từ đâu?


Vậy là những bộ phim tình cảm lãng mạn bắt đầu xuất hiện cảnh cầu hôn bằng nhẫn kim cương với sự nhấn mạnh của đôi tình nhân rằng tình yêu của họ sẽ bất diệt như viên kim cương hẹn ước. Những câu chuyện tình cảm, những bức ảnh khắc họa tình yêu đăng trên báo, tạp chí cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa kim cương và tình yêu.

Những nhân vật nổi tiếng bắt đầu khoe những chiếc nhẫn kim cương dành để tặng “một nửa” hoặc được “một nửa” tặng. Tin tức liên tục nhấn mạnh vẻ đẹp lấp lánh của những viên kim cương xuất hiện trên bàn tay những phụ nữ nổi tiếng. Các nhà thiết kế thời trang ra sức tán thưởng trang sức gắn kim cương…

Thậm chí, các giảng viên đại học cũng được “thuê” đeo nhẫn kim cương lên giảng đường. Những giảng viên này chính là những người sẽ tiếp xúc với hàng ngàn thanh niên trẻ tuổi đang độ tuổi yêu đương.

De Beers đã khiến người tiêu dùng tin rằng kim cương là vĩnh cửu dù thực tế kim cương hoàn toàn có thể bị đập vỡ, bị sứt mẻ, bị biến màu, hoặc bị đốt thành tro… Ý tưởng về sự vĩnh cửu của kim cương hoàn toàn là do người ta áp đặt cho kim cương, để khiến nó trở thành lời hứa vĩnh cửu của tình yêu bất tử.

Tục lệ cầu hôn bằng nhẫn kim cương bắt nguồn từ đâu?


Ngoài ra, kim cương cũng không phải món hàng dễ bán lại. Thực tế là rất khó có thể bán lại kim cương với giá bằng lúc mua, việc giá dao động lớn sẽ khiến người ta mất lòng tin vào giá trị thật của kim cương. Vì vậy, người ta lại lồng ghép thêm ý niệm kim cương là thứ để lưu giữ trọn đời, để trao truyền qua nhiều thế hệ, không phải để bán mua, đổi chác.

Trong chiến lược quảng cáo tinh vi này, De Beers đã “vớ bẫm”. Sau khi ý tưởng cầu hôn bằng nhẫn kim cương thành công rực rỡ, một chiến dịch thứ hai, nhấn mạnh vào việc trao nhẫn cưới kim cương trong ngày cử hành hôn lễ lại được thực hiện. Sau nhẫn cầu hôn, nhẫn cưới kim cương được xem là lời thề đinh ninh của đôi uyên ương sẽ gắn bó trọn đời trước ngưỡng cửa hôn nhân.

Chiến dịch thứ hai này được tiến hành khi nhẫn kim cương bắt đầu tiến vào chinh phục thị trường Châu Á hồi giữa thập niên 1960. Ở Châu Á, khi người ta quan trọng lễ cưới nhất, thì câu chuyện về nhẫn cưới kim cương vĩnh cửu nghe có vẻ “lọt tai” người Châu Á. Bằng chứng là từ đó đến nay, nhẫn cưới kim cương ngày càng phổ biến trong nghi lễ cưới hỏi ở nơi đây. Tục lệ dùng nhẫn kim cương để cầu hôn, đính ước, cưới hỏi đã ra đời như thế.


Bích Ngọc
Theo Business Insider