Tự truyện “hóa giải” mọi nỗi đau
(Dân trí) - Từ nỗi đau thể xác, đã có lúc muốn thà chết đi còn hơn sống nhưng cuốn tự truyện “Đứng dậy và bước đi” của người phụ nữ mất đi đôi chân Nguyễn Hướng Dương viết lại như để “hóa giải” mọi nỗi đau.
18 năm trước, sau một vụ tai nạn đường sắt, Nguyễn Hướng Dương bị cụt hai chân dưới gối và thời gian dài sau đó chị rơi vào tuyệt vọng “chỉ muốn chết đi còn hơn sống mà không có đôi chân”.
Nhưng chỉ 2 năm sau, người phụ nữ đang trong cảnh tột cùng nỗi đau đó nhận ra thiệt thòi của những khiếm thị có thể bị mù thêm lần nữa khi họ rất khó tiếp cận với sách. Chị đứng ra thành lập Thư viện sách nói dành cho người mù và từ ý tưởng này đến nay chị đã cho ra đời 270.000 băng sách nói với hơn 1.000 sách nói phục vụ người khiếm thị trong cả nước.
Những ai biết và khâm phục chị với quá trình “đứng dậy” hết sức phi thường này lại tiếp tục bất ngờ và thêm cảm xúc mới với cuốn tự truyện “Đứng dậy và bước đi” của chị vừa ra mắt sáng 4/11 tại TPHCM.
“Đứng dậy và bước đi” là hành trình vượt qua nỗi đau để tìm lại niềm vui sống, học cách chấp nhận và vượt lên hoàn cảnh. Và hơn thế là hướng đến sống tích cực, lạc quan để giúp đỡ được nhiều người.
Những trang viết được viết từ cuộc đời thực với nỗi đau cơ thể đến nay vẫn còn hiện hữu với giọng văn dung dị, chân thực, gần gũi đưa người đọc trải qua những cảm xúc đau đớn, tuyệt vọng cho đến khi “giác ngộ” để đón nhận những cơ duyên và phép màu của cuộc sống.
Điều đọng lại với người đọc không đơn thuần chỉ là vượt qua nỗi đau của thể xác mà trên hết là vượt qua được chính tâm thức của mình. Thăng trầm cuộc sống không thiếu những giọt nước mắt nhưng quan trọng hơn là gạt nước mắt đi để bước tiếp.
Ý tưởng viết truyện của chị Nguyễn Hướng Dương bắt đầu từ những câu hỏi của rất nhiều người: “Sao chị cười tươi thế? Nhìn chị không giống người khuyết tật”. Nụ cười viên mãn như hôm nay của chị là cả một quá trình mà chỉ viết ra mới kể hết được.
Dù làm việc nhiều với máy tính nhưng khi viết, chị Nguyễn Hướng Dương lại chỉ viết tay để những cảm xúc có thể chảy từng giọt vào ngòi bút. Chị tâm sự khi lật lại những ký ức bằng những dòng chữ, nhiều lúc chị lại ngưng lại “khóc với quá khứ”.
Nhưng từ tận trong đáy lòng, chị Nguyễn Hướng Dương chia sẻ: “Tôi muốn những trang viết của mình phải có ích. Tôi chờ đến hôm nay, sau mười mấy năm là để tâm thức mình phải thật sự “chín”, có sự biến chuyển trong con người, suy nghĩ và nội tâm của mình rằng mọi nỗi đau đều là cơ duyên đưa mình đến cánh cửa khác. Tôi viết tự truyện khi vết thương lòng của mình đã lành”.
Đứng dậy và bước đi không còn là chuyện của người phụ nữ mất đi đôi chân mà là chuyện của bất kỳ ai về những trắc trở về thể xác, tâm hồn. Nếu mọi người bằng lòng với sự an ủi hay đổ lỗi cho số phận sẽ tự nhấn chìm mình.
Từ trải nghiệm của mình, chị Hướng Dương tâm niệm không ai có thể xoa dịu nỗi đau của mình ngoài bản thân người đó, nhất là đau đớn về tâm hồn không có liều thuốc hay bác sĩ nào can thiệt được.
Chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn tự truyện, nhà thơ Lê Minh Quốc nói rằng cuộc đời của chị Nguyễn Hướng Dương chứa đựng những triết lý chuyển hóa con người được trả lời, giải đáp qua chính thân xác người viết.
Để rồi khi biết chị, khi cầm cuốn sách của chị, nhà thơ “chuyên trị” thơ thất tình này phải thốt lên rằng “nỗi đau tưởng như chết đi được khi cô người tình quay lưng bước đi hóa ra chỉ là chuyện tầm phào”.
Hoài Nam