Truyện tranh tài chính "Khéo khôn với tiền" trở thành hiện tượng xuất bản

Minh Nhân Hoàng Vân

(Dân trí) - Sau một tuần mở đặt trước, "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền" đã trở thành hiện tượng xuất bản trong hệ thống sách kiến thức khoa học của NXB Kim Đồng.

Hiện tượng xuất bản

Sáng 14/12, tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng tổ chức buổi ra mắt truyện tranh tài chính Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền của tác giả Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, do họa sĩ Bùi Đình Thăng (Thăng Fly) minh họa.

Đây là cuốn truyện tranh thường thức độc đáo, sáng tạo về tài chính - ngân hàng và đầu tư đầu tiên của Việt Nam dành cho gia đình Việt. 

Chương trình có sự tham gia của ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; bà Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước; ông Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong; TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia; PGS. TS Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT; ông Bùi Tuấn Nghĩa - Giám đốc NXB Kim Đồng; bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng.

Truyện tranh tài chính Khéo khôn với tiền trở thành hiện tượng xuất bản - 1

Sau một tuần mở đặt trước, "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền" đã trở thành hiện tượng xuất bản (Ảnh: Minh Nhân).

Phát biểu khai mạc, bà Vũ Thị Quỳnh Liên nhận định Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền là một trong những cuốn sách Việt Nam đầu tiên viết về tài chính, được minh họa dưới hình thức truyện tranh độc đáo. 

Theo bà Liên, đây là một trong những truyện tranh phổ biến kiến thức của tác giả Việt, có số bản in cao nhất tại NXB Kim Đồng trong năm 2023.

Sau một tuần mở đặt trước, cuốn sách đã trở thành hiện tượng xuất bản, với số lượng sách đặt trước nhiều nhất từ trước đến nay trong hệ thống sách kiến thức khoa học của NXB Kim Đồng. 

"Quá trình sáng tác, minh họa cuốn sách là nỗ lực rất lớn của nhóm tác giả, nghệ sĩ. Trong một thời gian dài, cả ê kíp đã làm việc không có ngày nghỉ, làm việc căng thẳng", bà Liên nhận định. 

Truyện tranh tài chính Khéo khôn với tiền trở thành hiện tượng xuất bản - 2

Tác giả Lê Thị Thúy Sen phát biểu tại buổi lễ ra mắt sách (Ảnh: Minh Nhân).

Trong buổi ra mắt sách, tác giả Lê Thị Thúy Sen cho biết, cuốn sách đến với độc giả là cái duyên của bà và nhóm tác giả, mang theo khát vọng lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng. 

Hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tác giả Thúy Sen đã chứng kiến nhiều người gặp sự cố, thậm chí rơi vào cảnh trắng tay do thiếu hiểu biết, kỹ năng về quản lý tài chính, ngân hàng.

"Tôi nghĩ nếu người dân được trang bị kiến thức tài chính thì sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Khát vọng đó kết nối những người xa lạ, tạo nên linh hồn của cuốn sách", bà Sen nói. 

Truyện tranh tài chính Khéo khôn với tiền trở thành hiện tượng xuất bản - 3

Họa sĩ Thăng Fly nêu những khó khăn trong ba tháng gấp rút thực hiện dự án (Ảnh: Minh Nhân).

Họa sĩ minh họa Thăng Fly cho hay Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền là cuốn sách được thực hiện trong thời gian ngắn nhất (3 tháng) nhưng khối lượng công việc đồ sộ nhất trong sự nghiệp sáng tác của anh. 

Trong nhóm họa sĩ 5 người của Thăng, có 2 người không chịu được áp lực công việc nên đã từ bỏ. Ba người còn lại theo đuổi đến cùng, trải qua những giờ phút căng thẳng nhất. 

"Chúng tôi liên tục chỉnh sửa các bản thảo do những thông tin về lạm phát hay bitcoin… thay đổi thường xuyên", anh chia sẻ. 

Truyện tranh tài chính Khéo khôn với tiền trở thành hiện tượng xuất bản - 4

PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT (Ảnh: Minh Nhân).

Từ ngày cầm trên tay bản thảo, PGS.TS Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT - nhận định cuốn sách mang đậm tính nhân văn, có ý nghĩa nâng cao dân trí quốc gia về tài chính, cho chúng ta nhiều suy nghĩ về cuộc sống và "ai đọc cũng thấy mình ở trong đó". 

Theo ông, làm ra tiền đã khó, nhưng giữ được tiền còn khó hơn. Tiền không phải để trong két sắt là an toàn, mà nằm ở trí khôn của từng người. 

"Người đọc sẽ có được kiến thức, tránh rủi ro tài chính và đầu tư, sống có khát vọng, trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội", ông Bình nói.

Truyện tranh tài chính Khéo khôn với tiền trở thành hiện tượng xuất bản - 5

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia (Ảnh: Minh Nhân).

Là người hiệu đính tác phẩm, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết cách chọn hình thức truyện tranh đã thể hiện sự "khéo khôn" của tác giả Thúy Sen. 

Truyện tranh đã biến những vấn đề phức tạp của tài chính tiền tệ thành đơn giản. Khả năng diễn đạt ngôn từ cô đọng, cảm xúc của hình ảnh, đã tạo ra một cuốn sách với hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. 

Ông dẫn chứng câu chuyện một người bạn là tiến sĩ lừng danh công tác nhiều năm trong ngành ngân hàng từng bị lừa mất 470 triệu đồng. Đây là minh chứng cho việc bất kể ai cũng có thể là nạn nhân của lừa đảo tài chính do thiếu kiến thức phổ thông. 

"Tôi nghĩ đây là một cuốn sách của gia đình và có thể đưa một phần hoặc toàn bộ nội dung vào chương trình giảng dạy, để giáo dục trẻ em tôn trọng, có cách ứng xử văn minh với đồng tiền vì đó là giá trị lao động của bố mẹ", ông Nghĩa nói. 

Truyện tranh có nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ nhất Việt Nam

Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền với gần 30 câu chuyện xoay quanh kiến thức cơ bản về tiền (lịch sử của tiền, giá trị kinh tế - xã hội của đồng tiền, tiền điện tử, lạm phát, giảm phát, lãi suất, tỷ giá… tác động ra sao đến cuộc sống, ứng xử trong giao dịch tiền tệ, nội tệ, ngoại tệ…); đầu tư tài chính (chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm, chứng chỉ quỹ…); ngân hàng (lịch sử, lưu ý khi gửi tiết kiệm, vay vốn, thanh toán…). 

Đây cũng là những nội dung được người dân quan tâm hiện nay, với nhiều khái niệm và thông tin hữu ích được giải thích dễ hiểu, phù hợp với nhiều lứa tuổi.

Cụ thể: Lạm phát, giảm phát khác nhau thế nào? Tỷ giá và lãi suất liên quan gì đến nhau? Đi nước ngoài được mang bao nhiêu ngoại tệ tiền mặt? Tiền cũ nát đổi ở đâu? Những kinh nghiệm trong đầu tư: Phân biệt trái phiếu, cổ phiếu và tiền gửi tiết kiệm; Lưu ý khi mua bảo hiểm? Lưu ý khi gửi tiết kiệm, vay vốn; Lời khuyên trong các giao dịch ngân hàng trên môi trường điện tử; bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng thế nào để tránh rủi ro?...

Mỗi câu chuyện là bài học về tài chính và cuộc sống. Không chỉ nhằm bổ sung kiến thức, nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người, tình cảm gia đình, đồng đội, bạn bè, thầy cô... đã chạm đến những tầng cảm xúc sâu lắng của người đọc. 

Trên tất cả, tình cảm gia đình, trách nhiệm, tình yêu thương giữa người với người chính là sợi dây kết nối giúp các thành viên vượt qua mọi khó khăn, hướng đến an lành và hạnh phúc.

Truyện tranh tài chính Khéo khôn với tiền trở thành hiện tượng xuất bản - 6

Tác giả Thúy Sen ký tặng độc giả (Ảnh: Minh Nhân).

Tác giả Thúy Sen nói khó khăn nhất khi viết sách là truyền đạt kiến thức về tài chính, ngân hàng mà ai đọc cũng gặp hình ảnh của mình ở đó, dễ hiểu, dễ áp dụng và giàu tính nhân văn, giáo dục để hướng đến những điều tốt đẹp. 

Các kiến thức tài chính, ngân hàng vốn khô khan, chuyên sâu đã được tác giả thể hiện thông qua hình thức truyện tranh rất thú vị và hấp dẫn, phù hợp với nhiều lứa tuổi, biến việc "phải đọc, nên đọc" trở thành "thích đọc".

Đây cũng là cuốn truyện tranh lần đầu tiên có nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ nhất tại Việt Nam đến thời điểm này (với hơn 80 câu), đã truyền cảm hứng về tình yêu thương, nhân ái, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lao động, như: 

"Thế gian giàu bởi chữ cần/Có mà lười biếng thì thân chẳng còn"; "Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần"; "Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi"...

Về lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, thầy cô: "Lặng nhìn sợi tóc như sương/Vương trên đầu lược mà thương mẹ già"; "Làm người trước liệu hiếu thân/Cảm ơn cha mẹ ân cần nuôi con"; "Con ơi ghi nhớ lời này/Công cha nghĩa mẹ ơn thầy chớ quên"...

Về những kinh nghiệm quý báu mà cha ông đúc kết: "Muốn may thì phải có kim/ Muốn hay thì ắt phải tìm người xưa"...

Về tiền bạc: "Đồng tiền liền khúc ruột"; "Tiền nào của nấy"...

Về tiết kiệm: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm"...

Về bảo hiểm: "Làm khi lành, để dành khi đau"...

Về đầu tư: "Trông giỏ bỏ thóc"; "Chọn mặt gửi vàng"; "Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi"; "Tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ"…

"Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyền thống, văn hóa, lịch sử dân tộc đã giúp tôi dẫn dắt kiến thức tài chính, ngân hàng một cách mộc mạc, dễ hiểu đến bạn đọc", bà Sen nói. 

ThS Lê Thị Thúy Sen là Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bà có hơn 20 năm công tác liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, truyền thông, bảo hiểm tiền gửi, cố vấn các chương trình truyền hình Tiền khéo Tiền khôn - Kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam, Tay hòm chìa khóa - Kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

Họa sĩ Thăng Fly (Bùi Đình Thăng) là tác giả của một số cuốn sách như: Vạn sự khởi đầu nan, gian nan đừng có nản, Cả nhà thương nhau