Truyện tranh chạy theo thị hiếu thấp
Vì lợi nhuận, các đơn vị xuất bản đua nhau khai thác các dòng sách mà gu thẩm mỹ khá thấp nên trên thị trường chỉ tràn ngập các thể loại truyện tranh vui mà nhảm
Ưu điểm lớn nhất của truyện tranh là có phương thức truyền cảm độc đáo, kết hợp hài hòa giữa ngôn từ và hình vẽ, vì thế truyện tranh luôn bán chạy hơn so với nhiều thể loại khác.
Chất lượng giảm theo thương mại hóa
Thế nhưng, thị trường truyện tranh ở Việt Nam từ lâu đã bị truyện tranh ngoại xâm nhập, tấn công và chiếm lĩnh, ban đầu là comic phương Tây, sau đó là dòng manga Nhật Bản, manhwa Hàn Quốc, manhua Trung Quốc… Trước đây một thời, độc giả nhí của chúng ta say sưa đọc truyện tranh Nhật, Hàn…, giờ thì số lượng độc giả của truyện tranh sụt giảm rất nhiều, mất hẳn tâm lý đón đợi hằng tuần để mua được những cuốn “Doraemon”, “Conan”, “Bảy viên ngọc rồng”... vì chất lượng truyện tranh không còn như xưa.
Vì mải mê chạy theo thị hiếu, không ít đơn vị xuất bản đã tung ra hàng loạt những tác phẩm được biên tập, biên dịch quá dễ dãi. Nội dung chỉ xoay quanh những câu chuyện tình cảm, yêu đương nhảm nhí của những cô cậu mới lớn hoặc mang nặng tính bạo lực.
Các tựa sách như “Con nhà giàu”, “Lần đầu trải nghiệm”, “Ichigo - Kỷ niệm xanh”, “Nụ hôn đầu”, “Con mèo trên gác xép”, “Hoa hồng xứ khác”, “Cô bạn hàng xóm”... có quá nhiều hình ảnh phụ nữ mặc đồ lót, cảnh các đôi nam nữ mặc đồng phục học sinh ôm hôn nhau, chuyện mang yếu tố “người lớn” trong sách thiếu nhi. “Shin - Cậu bé bút chì” cũng bị nhiều ý kiến nhận xét: “Nội dung nhảm nhí cùng với những hình ảnh khêu gợi, ngôn từ nghèo nàn, nhạy cảm, hoàn toàn không phù hợp với độ tuổi thiếu nhi”.
Thế nhưng, chính những ấn bản nhảm như vậy lại bán được số lượng lớn. Còn truyện tranh Việt, lâu lắm rồi vẫn nhạt nhòa, khó định hình, không cạnh tranh nổi với sách ngoại.
Gu thẩm mỹ xuống dốc không phanh
Có lợi nhuận thì các NXB đua nhau khai thác các dòng sách mà “gu” thẩm mỹ đọc khá thấp nhưng bán chạy cũng là lẽ thường tình bởi vì các NXB định hướng mua các dòng truyện tranh sang trọng từ châu Âu như NXB Trẻ hay Công ty Nhã Nam chẳng hạn thì sau khi ấn hành, các đầu sách này cơ bản đều không thể bán được nên họ cũng nản. Thế nên, trên thị trường chỉ tràn ngập các thể loại truyện tranh vui nhưng nhảm.
“Thị trường truyện tranh Việt nhìn chung vẫn chỉ là lôm côm, bị hàng ngoại xâm lấn và đè bẹp - họa sĩ Còm (Hữu Khoa) - người từng có thời gian dài gắn bó với lĩnh vực truyện tranh và vẽ minh họa cho độc giả nhí của báo Thiếu Niên Tiền Phong - khẳng định. Ông cho rằng cái gọi là “tranh truyện thuần Việt” quá mờ nhạt, không khẳng định được bản sắc của mình. Truyện tranh thuần Việt còn quá nặng về tính giáo dục theo kiểu giáo điều, nhồi nhét, khô khan, hình vẽ chưa sinh động, hấp dẫn.
Độc giả Việt Nam biết tới một vài bộ truyện tranh tốt như “Thần đồng đất Việt” và đó là: “Một thành tựu mà Công ty Phan Thị đã gây dựng được nhưng về mặt chuyên môn thì bộ truyện đó chỉ phù hợp với đối tượng độc giả thiếu nhi thôi, còn đối với các độc giả muốn đi vào tìm hiểu văn hóa chiều sâu thì không đủ” - họa sĩ Nguyễn Thành Phong đánh giá.
“Thực trạng thị trường truyện tranh ở Việt Nam ảnh hưởng sâu sắc tới thị hiếu thẩm mỹ của rất nhiều thế hệ người đọc trẻ Việt Nam” - họa sĩ Còm khẳng định và nói thêm rằng chính vì đã quá lâu rồi xã hội chúng ta thờ ơ với việc con em mình đọc gì, xem gì và giới chuyên môn thì bị o ép tứ phía bởi sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai nên đã khiến con mắt nhìn nhận về cái đẹp của giới trẻ Việt hiện nay bị méo mó, xuống dốc không phanh.
Theo Hòa Bình
Người lao động