Truyện thiếu nhi bị lạm dụng yếu tố “sex” và bạo lực”?
(Dân trí) - Dư luận từng lên án truyện thiếu nhi có chi tiết cổ súy loạn luân “cha muốn cưới con gái”, yếu tố bạo lực “chém Trăn tinh vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”; giờ lại hoang mang trước những hình ảnh khỏa thân, nội dung nhạy cảm trong cuốn truyện “Anh hùng Héc- quyn”…
Nhan nhản truyện thiếu nhi có yếu tố bạo lực và 18+
Cuốn truyện “Anh hùng Héc- quyn” thuộc bộ sách “Thần thoại Hy Lạp” do NXB Kim Đồng phát hành đang vấp phải sự phản ứng của độc giả vì tái bản nhiều lần mà vẫn để “lọt” tranh vẽ khỏa thân, những chi tiết phản cảm. Ngoài ra, tập truyện còn có những lời thoại về chuyện ân ái, tình một đêm… giữa các nhân vật, hoàn toàn không phù hợp với trẻ nhỏ.
Trước đó, nhiều phụ huynh cũng hoang mang với chi tiết“cha muốn cưới con gái” trong cuốn truyện cổ tích “Những nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm” do Nhà xuất bản Văn học liên kết với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ văn hóa Đinh Tị xuất bản, phát hành.
Trong đó, nội dung truyện “Công chúa Tóc Vàng” có đoạn: “Năm tháng trôi đi, công chúa dần dần lớn lên, nàng có vẻ đẹp giống y như hoàng hậu, đặc biệt là mái tóc vàng của nàng trông còn rực rỡ hơn mẹ nhiều. Mọi người gọi nàng là công chúa Tóc Vàng. Quốc vương nhìn thấy con gái mình, thường nghĩ đến bóng dáng của vợ, vì thế sau đó, ngài tuyên bố sẽ lấy con gái của mình làm vợ…”
Chính chi tiết “cha muốn cưới con gái” của truyện cổ tích này đã khiến các phụ huynh bức xúc cho rằng cuốn sách “cổ súy loạn luân”.
Ngoài “Anh hùng Héc- quyn”, “Những nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm”; năm 2014 cuốn “Truyện Cổ tích về các loài chim& muông thú” do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành bị gắn mác “truyện cổ tích 18+” khi nội dung câu chuyện “Leda và con thiên nga” có đoạn miêu tả ân ái rõ nét giữa nàng Leda và con thiên nga.
Không lạm dụng yếu tố “người lớn” nhưng truyện cổ tích Thạch Sanh nằm trong cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” do NXB Kim Đồng tái bản tháng 10/2014 cũng khiến các bậc phụ huynh hoảng hốt vì yếu tố bạo lực. Trong đó có các chi tiết lạ như Thạch Sanh được mẹ nhường chiếc khố duy nhất và “chém Trăn tinh vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”…
Hầu hết các cuốn truyện thiếu nhi chứa nội dung nhạy cảm, không phù hợp với trẻ nhỏ như các cuốn kể trên đều đã được các cơ quan chức năng xử phạt, thu hồi. Tuy nhiên, trước tình trạng thị trường sách thiếu nhi ồ ạt, nội dung kém chất lượng, yếu tố “người lớn” và bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng.
“Làm sách cho trẻ cần sự cẩn trọng và cái tâm”
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng cần phải cấm những hình ảnh khỏa thân, nội dung nhạy cảm, bạo lực như trong cuốn truyện thiếu nhi “Anh hùng Héc- quyn”. Theo ông, nên đẩy mạnh tính nhân văn nhân ái thay vì những nội dung cổ súy bạo lực. “Thời đại chiến tranh đã qua rồi, truyện tranh thiếu nhi dành cho thiếu nhi có nhất thiết cứ phải… đánh nhau”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.
Theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ, truyện tranh thiếu nhi đang ở giai đoạn “thừa mà thiếu”. Thiếu những tác phẩm văn học có giá trị, những tác phẩm xây đắp tâm hồn, nhân văn nhân ái. Ông cho rằng ở Việt Nam rất hiếm những cây bút như Nguyễn Nhật Ánh. Còn thừa là sự tràn lan của những đầu sách kém chất lượng, quá lạm dụng các yếu tố bạo lực.
“Để lọt những cuốn sách còn nhiều sạn thể hiện sự cẩu thả trong công tác biên tập. Sách dành cho thiếu nhi càng cần phải cẩn trọng, bởi trẻ em cần được nâng niu từ những trang sách”, tác giả tiểu thuyết “Quyên” bộc bạch.
Đồng quan điểm với nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang cũng cho rằng làm sách cho thiếu nhi cần lắm sự trách nhiệm và cái tâm của người làm công tác biên tập, các nhà xuất bản. “Những người làm công tác biên tập cũng đã đang và sẽ là những bậc cha mẹ. Nếu họ làm sách với suy nghĩ làm sao để cho chính con cái của mình đọc, nâng niu những cuốn sách này thì sẽ không xảy ra tình trạng sách truyện thiếu nhi nhiều sạn, để lọt những chi tiết nhạy cảm, bạo lực”, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang nói.
Ở góc độ một phụ huynh, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang cho rằng trước sự bát nháo của thị trường sách thiếu nhi như hiện nay thì biện pháp cụ thể, trước mắt nhất vẫn là sự kiểm soát, đồng hành của các bậc cha mẹ với con cái của mình: “Các bậc phụ huynh hãy lựa chọn các đầu sách đã được bản thân kiểm duyệt, những đầu sách của các NXB uy tín cũng như hướng con cái đọc những cuốn sách có nội dung nhân văn nhân ái, giàu ngôn ngữ văn học. Đó là cách hiệu quả để trẻ em không bị đầu đọc bởi những cuốn sách kém chất lượng. Và đó cũng là cách quay lưng, tẩy chay những đơn vị làm sách thiếu cẩn trọng.”
Nguyễn Hằng