Truyền hình thực tế, cứ “hot” là có thể làm giám khảo
Nhiều nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế (THTT) đang cố tình đưa các giám khảo “không liên quan” ngồi vào “ghế nóng”, khiến chương trình dù được đầu tư hoành tráng nhưng bị khán giả “ném đá”, “quay lưng”, và giám khảo THTT cũng trở nên bát nháo...
Tăng Thanh Hà (trái) từng bị phản ứng dữ dội khi làm giám khảo “Vua đầu bếp”. Ảnh: TL
Bát nháo
Trong suy nghĩ của số đông, giám khảo của một chương trình THTT hay bất kỳ một cuộc chơi nào cũng tựa như một “quan tòa”, có trách nhiệm “cầm cân nảy mực” để mang đến sự công bằng cho mỗi cuộc chơi. Vì thế, những người được ngồi vào “ghế nóng” phải là những người có “tầm” và “tâm” mới khiến người xem lẫn người chơi nể phục.
Bởi lẽ đó, khi Tăng Thanh Hà xuất hiện trong “Vua đầu bếp” mùa giải thứ 2 với vai trò giám khảo, ngay lập tức đã xuất hiện không ít những cuộc bàn luận xôn xao trên nhiều diễn đàn. Phần lớn cho rằng, Tăng Thanh Hà không đủ tầm để ngồi vào vị trí giám khảo của một cuộc thi nấu ăn bởi cô ngoài vai trò là một diễn viên thì không phải là một chuyên gia ẩm thực. Việc lợi dụng độ “hot” của cô để câu view là không thể chấp nhận được. Trước áp lực của dư luận, cộng với sự cố “vạ miệng” chê thí sinh “thực dụng” khiến Tăng Thanh Hà phải lặng lẽ rời ghế giám khảo của “Vua đầu bếp”.
Tương tự, khi thông tin cô bé Phương Mỹ Chi được mời làm giám khảo của gameshow “Cùng nhau tỏa sáng” cũng đã gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa. Rõ ràng, xét về tuổi đời và tuổi nghề, Phương Mỹ Chi chưa đủ tư cách để có thể ngồi cùng ghế giám khảo với đạo diễn Việt Trinh, ca sĩ Phương Thanh, nhạc sĩ Đức Huy và danh hài Tấn Beo. Hơn thế nữa, Phương Mỹ Chi cũng chưa thể đủ kiến thức âm nhạc để đưa ra những lời nhận xét hoặc chấm điểm cho phần trình diễn của các nghệ sỹ đàn anh, đàn chị dù đó là những tiết mục thiếu nhi. Và không cần nói ra, ai cũng hiểu nhà sản xuất đã đưa Phương Mỹ Chi vào gameshow chủ yếu là để biến cô bé thành một “phương tiện” câu rating, bởi cô bé đang sở hữu một lượng fan đông đảo. Tuy nhiên, chính điều này lại tạo nên một hiệu ứng ngược khiến Phương Mỹ Chi đang từ một “cô bé dân ca” đáng yêu trở thành “thảm họa giám khảo”.
Mới đây, dù chưa kết hôn nhưng cặp đôi Đông Nhi - Ông Cao Thắng vẫn được chọn làm giám khảo chương trình “Vợ chồng hát”, chỗ ngồi ngồi vốn dành cho các cặp vợ chồng của showbiz. Sự việc này đã gây không ít ngạc nhiên cho khán giả bởi tiêu chí về giám khảo quá khác biệt so với 2 cặp giám khảo còn lại là: Cẩm Vân - Khắc Triệu, Cẩm Ly - Minh Vy.
Thực tế, trong làng nghệ thuật không thiếu những “cây đa cây đề” đủ sức để làm tròn vai giám khảo trong nhiều chương trình THTT về ca nhạc, khiêu vũ, thời trang, ẩm thực... Thế nhưng, vì không còn đủ độ “hot” nên họ đã bị các nhà sản xuất bỏ qua. Bởi lý do đó mà các nhà sản xuất luôn mời cho bằng được những gương mặt “hot” ngồi “ghế nóng”. Chỉ tiếc, độ “hot” đôi khi lại tỷ lệ nghịch với trình độ chuyên môn, vốn sống và khả năng giao tiếp trước đám đông của những giám khảo này.
Giám khảo bị “ném đá”, lỗi do ai?
Từ chỗ chỉ cần “hot” và biết “hót” là có thể làm giám khảo nên khi xuất hiện trên truyền hình, không ít giám khảo đã dính phải những “vạ miệng” để đời do bị đặt nhầm chỗ như: Tăng Thanh Hà trong “Vua đầu bếp”; Nam Trung trong “Vietnam Next Top Model”... Và ngay cả những giám khảo “chém” rất “trơn” và rất “ngọt” nhưng vẫn bị dư luận chê là nhạt, là thảm họa như: đạo diễn Việt Tú trong “Cặp đôi hoàn hảo”; đạo diễn Lê Hoàng trong “Bước nhảy hoàn vũ”... Khán giả truyền hình cũng từng chứng kiến cảnh nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc sĩ Quốc Bảo vừa “chân ướt chân ráo” ngồi vào “ghế nóng” đã xin rút khỏi cuộc chơi vì không chịu được búa rìu của dư luận.
Rõ ràng, lỗi trước tiên thuộc về cá nhân của từng giám khảo. Bản thân họ nhận lời “cầm cân nảy mực” cho một cuộc chơi nhưng lại không biết mình đang đứng ở đâu, không biết mình có đủ “trình” để nhìn nhận về cuộc chơi hay không, có đủ vốn sống để và kỹ năng để ứng xử tình huống trước ống kính truyền hình hay không... Cũng không hiếm có những người nhắm mắt, gật đầu làm giám khảo đơn giản chỉ vì cát-sê cao và vì được lên truyền hình.
Còn nhớ, cách đây không lâu, trong chương trình “Tôi là người chiến thắng”, nhạc sĩ Đức Huy với tư cách là giám khảo chính đã bức xúc tới mức đứng dậy ra lời kêu gọi mang tính “dằn mặt” 100 giám khảo phụ khi họ không làm tròn vai giám khảo: “Tôi xin có một đôi lời gửi đến quý đồng nghiệp ngồi trên “ghế nóng” của tôi. Các bạn ơi, các bạn giám khảo ơi, chúng ta hãy làm việc kỹ càng thêm một chút nhé. Mặc dù chỉ có hai cái nút nhưng mà nhìn cho kỹ và ấn cho đúng, chúng ta phải làm việc công tâm để chọn ra được người chiến thắng đêm nay. Các bạn đồng ý không ạ?”.
Bên cạnh đó, lỗi đáng trách hơn cả là sự bất chấp của nhà sản xuất khi bằng mọi cách biến những gương mặt “hot” thành “phương tiện” để câu rating. Ca sĩ Phương Thanh sau khi tham gia “Bước nhảy hoàn vũ” mùa thứ 3 đã chua chát thừa nhận mình chỉ là “con rối” trong cuộc chơi sắp đặt và người chơi chỉ là những quân cờ trên một bàn cờ khổng lồ. Thế nên, đôi khi họ không đủ sức làm chủ tình hình từ đó mới dẫn tới những chuyện ì xèo như dàn xếp kết quả hoặc thiệt thân hại danh. Bản thân nhạc sỹ Trần Tiến cũng phải xót xa thốt lên: “Có lẽ người ngu nhất chính là “người” chọn nghề giám khảo. Có phải mình chấm thí sinh đâu, khán giả đang chấm mình đấy chứ...”.
Thế mới thấy rằng, không phải cứ nhà sản xuất “bày ra món gì” thì khán giả truyền hình sẽ “xơi” món đấy. Cũng không phải cứ “hot” và biết “hót” là có thể làm giám khảo. Sự lộn xộn và bát nháo của THTT nói chung và tình trạng “thảm họa giám khảo” đang ngày càng phố biến nói riêng đang khiến các chương trình THTT bị giảm nhiệt đi rất nhiều. Sự giảm nhiệt này cũng đồng nghĩa với việc tạo ra một sự đào thải khắc nghiệt trong thời gian tới. Đã đến lúc, sự dễ dãi và tùy tiện sẽ dần bị loại bỏ để nhường chỗ cho sự nghiêm túc và chất lượng.
Theo Hà Tùng Long
Gia đình & Xã hội