Truyền hình Iran khốn đốn vì... cổ động viên mặc hở hang

(Dân trí) - Khi đội tuyển bóng chuyền nam Iran ra nước ngoài thi đấu, đài truyền hình Iran liền rơi vào tình thế khó xử vì cổ động viên nước bạn ăn vận hở hang, thoáng mát. Đây lại là điều cấm kỵ với truyền hình Iran.

Truyền hình Iran khốn khổ vì giải bóng chuyền


Chiến thắng của đội bóng chuyền nam Iran tại giải Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế FIVB mới đây đã tạo ra một tình thế khó xử cho đài truyền hình quốc gia nước này. Một bên, họ vừa phải đảm bảo chiếu đầy đủ các trận đấu trong giải, một bên vừa phải cân nhắc đáp ứng những quy tắc khắt khe của đạo Hồi đối với trang phục phụ nữ.

Lần đầu tiên thi đấu tại giải này, Iran bị xem là đội yếu thế, tuy vậy, sau khi bất ngờ đánh bại hai đối thủ mạnh đến từ Châu Âu là Serbia và Ý, đội bóng chuyền nam Iran đã khiến người dân hào hứng theo dõi họ thi đấu ở sân chơi quốc tế.

Trận đấu trên sân khách với đội tuyển Ý diễn ra trong 2 ngày, 28 và 30 tháng 6 được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia Iran, thu hút hàng triệu người xem.

Trong trận đấu đầu tiên với đội tuyển Ý diễn ra vào ngày 28/6 ở đảo Sardinia, Ý, đài truyền hình Iran cho chiếu cả những cảnh ghi hình đám đông khán giả nữ mặc những chiếc áo phông bó sát, khoét cổ rộng và váy ngắn - những bộ trang phục hoàn toàn phù hợp với khí hậu vùng Địa Trung Hải.

Ngoài ra, máy quay cũng chiếu tới khu vực có những người phụ nữ và đàn ông Iran vẽ quốc kỳ lên mặt. Họ mặc những bộ quần áo không phù hợp với văn hóa nước này.

Truyền hình Iran khốn khổ vì giải bóng chuyền


Ngoài ra, máy quay còn tập trung vào cặp đôi khán giả đặc biệt - nữ ca sĩ người Colombia, Shakira mặc váy ngắn đi xem thi đấu cùng chồng là cầu thủ bóng đá người Tây Ban Nha, Gerard Pique. Trên khán đài, họ có nhiều cử chỉ thân mật.

Tất cả những điều này đã làm dấy lên làn sóng bảo thủ cùng sự giận dữ vì những hình ảnh này đã vi phạm bộ luật quy định về cách ăn vận và ứng xử tại Iran.

Phụ nữ ở Iran, bất kể mang quốc tịch hay tôn giáo nào đều phải đội khăn che tóc, mặc quần áo kín đáo, tránh trang điểm đậm hoặc sơn móng tay. Họ cũng không được phép giao tiếp thân mật với đàn ông giữa đám đông, không được tới xem những trận thi đấu thể thao của nam giới.

Dù là trang phục thi đấu thể thao cũng phải tuân theo những quy định khắt khe

Dù là trang phục thi đấu thể thao cũng phải tuân theo những quy định khắt khe

Những quy định kiểu như vậy đã chi phối rất nhiều tới hoạt động của đài truyền hình. Trong các bộ phim hay bản tin, trước khi lên sóng, nhà đài phải xóa bớt hoặc chỉnh sửa những hình ảnh không phù hợp.

Tuy vậy, việc chỉnh sửa các cảnh trong một chương trình truyền hình thể thao trực tiếp là không thể.

Trước sự chỉ trích của một số tờ báo bảo thủ và các nhà làm luật, giám đốc đài truyền hình Iran, ông Ezzatollah Zarghami cho rằng việc bỏ qua các chương trình truyền hình trực tiếp hấp dẫn chỉ khiến người xem tìm tới với các kênh truyền hình vệ tinh.

“Đối với những chương trình trực tiếp, tình thế nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Cách duy nhất để thỏa mãn các đạo luật là không chiếu chương trình đó. Nếu chúng tôi làm vậy, người xem sẽ quay lưng lại với chúng tôi”.

Để xoa dịu tình hình, trong trận đấu với đội tuyển Ý diễn ra vào ngày 30/6, nhiều cảnh đã bị cắt và được thay bằng những cảnh lặp lại. Vì vậy, trong quá trình truyền hình, trận đấu liên tục bị gián đoạn khiến khán giả bỏ lỡ mất những tình huống hấp dẫn.

Trang phục của các cầu thủ bóng đá nữ Iran

Trang phục của các cầu thủ bóng đá nữ Iran

 
Trong những trận đấu sắp tới, diễn ra giữa đội tuyển Iran và Cuba, đài truyền hình Iran đang rất lo lắng vì cổ động viên Cuba sẽ còn ăn vận táo bạo hơn.

“Khán giả đến từ những đất nước với nền văn hóa khác nhau sẽ có những phong cách ăn mặc khác nhau. Trong trận đấu với Cuba, tình hình sẽ khá nhạy cảm bởi người dân Cuba vốn ăn mặc rất thoải mái”.

Giám đốc đài truyền hình Iran thậm chí còn đùa tếu rằng: “Giá mà tôi có thể thương lượng với người phụ trách vấn đề văn hóa của Cuba để nhờ họ yêu cầu khán giả ăn mặc thật kín đáo giúp tôi. Đáng buồn là hiện nay thế hệ trẻ Iran đã bắt đầu quay lưng lại với truyền hình quốc gia bởi họ thấy chúng tôi thiếu trung thực”.

Pi Uy

Theo Naharnet