Truyền hình giải trí hết thời?
Khi sóng truyền hình không đủ sức giữ chân khán giả, giải trí online là thị trường mới thu hút nhà sản xuất chương trình, nhà quảng cáo và khán giả
Dù nhà sản xuất đã tìm mọi cách để duy trì sự sống cho các chương trình giải trí trên truyền hình nhưng xem ra đời sống của chúng ngày càng khó khăn và phải kết thúc ngắn ngủi.
Khán giả ngán
Cả hai chương trình truyền hình thực tế được đánh giá ăn khách của Công ty Cát Tiên Sa là "The remix - Hòa âm ánh sáng" và "The voice - Giọng hát Việt" trước đây đều không được truyền hình trực tiếp trong năm nay. Cả hai chương trình đều ghi hình phát sóng và chỉ có một buổi được truyền hình trực tiếp là chung kết chung cuộc. Điều này cho thấy cả hai cuộc thi không còn sức hút đối với công chúng. Thậm chí, giới truyền thông cũng không còn mặn mà với chúng vì biết chẳng còn thông tin "nóng sốt" đủ sức câu view (lượng người xem).
Thực tế, việc những chương trình này không còn phát sóng trực tiếp không phải để giảm chi phí cho nhà sản xuất mà cơ bản là vì chúng không còn sức hấp dẫn công chúng truyền hình như trước.
Mùa thứ 3, chương trình "Hòa âm ánh sáng", từng đoạt giải VTV, quy tụ những giọng ca gần như "lỗi thời" so với đòi hỏi của đại đa số khán giả trẻ hiện tại. Với thâm niên trên dưới 10 năm theo nghề, tư duy của lớp ca sĩ này không bắt kịp cái mới cũng như duy trì cực đoan con đường cũ của họ khiến mọi thứ của chương trình từ âm nhạc, lối trình diễn lẫn ca sĩ trở nên nhàm chán trong mắt khán giả.
"Hòa âm ánh sáng" mùa thứ 3 diễn ra nhợt nhạt
Lý do khiến cho các chương trình thi tài trên sóng truyền hình hiện nay không còn sức hấp dẫn công chúng là vì không tìm được thí sinh thật sự có tài. Dù có chương trình đã mở rộng tuyển sinh sang tận nước ngoài (dành cho thí sinh người Việt sống ở nước ngoài) nhưng vẫn không tìm ra nhân tố cần có nên sức hút không có.
Chương trình "Vietnam Idol", vốn rất được khán giả trẻ yêu thích, nay phải dừng cuộc chơi như một tất yếu vì "Thần tượng âm nhạc Việt Nam" càng ngày chỉ là cái danh hão, không thực chất.
Gồng mình giữ sóng
Từng được xem là một trong những "con cưng" của sóng truyền hình vì doanh thu quảng cáo "khủng" nhưng đến năm nay, cuộc thi "Gương mặt thân quen" không tìm được nhà tài trợ cho mùa lên sóng mới.
Bà Vũ Thị Bích Liên (Giám đốc Công ty Sóng Vàng) chia sẻ: "Chi phí sản xuất một tập phát sóng của "Gương mặt thân quen" là 1,5 tỉ đồng nhưng năm nay, chương trình không có nhà tài trợ". Lý do không có nhà tài trợ được bà Liên giải thích là vì "muốn thỏa sức sáng tạo mà không bị ảnh hưởng bởi ràng buộc của nhãn hàng tài trợ nên chúng tôi quyết định tự đầu tư chi phí sản xuất".
Hầu hết các chương trình truyền hình giải trí phát trên các kênh truyền hình quốc gia và địa phương đều do tư nhân sản xuất dưới danh nghĩa liên kết thực hiện, thực chất là mua bán sóng. Dù rơi vào tình cảnh khó khăn nhưng các nhà sản xuất vẫn cố gồng mình để giữ sóng vì buông ra là mất.
Chương trình "Giọng hát Việt" trôi qua không để lại dấu ấn gì về chuyên môn
Tài trợ khó khăn chỉ là một phần, sự sống còn của chương trình phụ thuộc vào số lượng spot quảng cáo được phát trong chương trình khi lên sóng. Không khó để thấy ở thời điểm hiện tại, các nhãn hàng không còn chi nhiều tiền cho quảng cáo trên sóng truyền hình. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi với sự phát triển vượt bậc của internet hiện nay, hình thức quảng cáo truyền thống trên truyền thông, đặc biệt là sóng truyền hình, không còn hiệu quả như trước đây, nhất là khi các chương trình giải trí trên truyền hình đang bão hòa.
Một đơn vị sản xuất chương trình truyền hình thực tế thừa nhận: "Kiếm tài trợ cho chương trình giải trí truyền hình hiện nay không dễ. Một chương trình khi được đài truyền hình đồng ý phát sóng tạm gọi là may mắn và thành công. Thế nhưng, chương trình chắc chắn lỗ khi không bán được quảng cáo nhiều như cách đây vài năm. Thậm chí không có quảng cáo là xem như mất trắng".
Thức thời và tiết kiệm
Trong khi thị trường quảng cáo trên sóng truyền hình đang rơi vào khủng hoảng thì hình thức quảng cáo trên mạng xã hội lại nở rộ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thu hút sự quan tâm của nhiều nhãn hàng. Điều đó khiến các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình giải trí phải thay đổi chiến lược cho phù hợp với thời đại.
Không chỉ có BHD mà rất nhiều công ty truyền thông và quảng cáo tham gia thị trường sản xuất chương trình truyền hình giải trí đang chuyển hướng sang khai thác thị trường online thay vì sóng truyền hình như lâu nay. Lý giải cho điều này, đại diện một đơn vị chia sẻ: "Phát sóng chương trình trên YouTube và hệ thống kỹ thuật số (digital) là xu hướng tất yếu. Thực tế, nhiều đơn vị đã thực hiện một vài thử nghiệm trên YouTube trước khi đi đến quyết định sẽ sản xuất chương trình phát sóng trên YouTube và nhiều kênh online khác thay vì các kênh truyền hình như trước đây. Đây là sự thay đổi của thị trường, bắt buộc các đơn vị sản xuất phải theo để tồn tại".
Điều này dễ lý giải bởi hệ thống online không chỉ là xu hướng mà còn giúp các đơn vị sản xuất tiết kiệm chi phí. Thực tế BHD đã dành một khoảng thời gian khá dài để xây dựng website Danet, dịch vụ xem phim trực tuyến theo yêu cầu. Ở đó, khán giả có thể xem mọi bộ phim (có bản quyền) như ý thích với hai hình thức: xem phim miễn phí và xem phải trả phí. Ở hình thức xem miễn phí, khán giả sẽ phải xem phim hoặc chương trình chung với các mẩu quảng cáo còn ngược lại, nếu không muốn mạch cảm xúc bị cắt bởi quảng cáo thì người tiêu dùng sẽ phải trả phí, một dạng phí như thuê bao truyền hình cáp hiện nay. Ngoài phim, hệ thống này sẽ sớm ra mắt hệ thống Video theo yêu cầu; ở đó, công chúng có thể xem các chương trình do đơn vị này sản xuất. Nếu trước đây, các chương trình đều được phát trên sóng truyền hình thì nay sẽ dần được đưa về các website trực tuyến để phục vụ công chúng. Với hình thức chuyển đổi này, nhà sản xuất không phải trả phí mua sóng (khá đắt đỏ, đặc biệt sóng giờ vàng) mà vẫn thu được quảng cáo.
Nếu BHD có Danet thì Cát Tiên Sa đang xây dựng cả hệ thống YouTube của riêng mình để kinh doanh, ít nhất là các chương trình do công ty sản xuất cùng với các sản phẩm của các nghệ sĩ do công ty quản lý. Bên cạnh đó, hệ thống online của Zing, FPT, Viettel… cũng đang được khai thác hết công suất để phục vụ nhu cầu khán giả.
Xu hướng công chúng trẻ ngày nay gắn liền với phương tiện giải trí là chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng sẽ là thị trường tốt nhất cho chương trình giải trí online. Tất nhiên, để có thể thu hút khán giả, đòi hỏi chương trình cũng phải đạt chất lượng tốt hơn. Khi tiết kiệm được khoản chi phí nuôi sóng truyền hình, các đơn vị sản xuất sẽ rộng rãi hơn trong việc đầu tư vào chất lượng.
Điểm yếu chết người
Theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu thị trường TNS, Việt Nam nằm trong tốp đầu quốc gia có số lượng chương trình truyền hình thực tế nhiều nhất thế giới. Điều đó cũng chẳng hề gì nếu danh nghĩa tìm kiếm tài năng không phải là nội dung chính của hầu hết các chương trình truyền hình giải trí, đặc biệt là chương trình ca hát. Không thể kể hết những chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát được mua format (định dạng) từ nước ngoài đến các phiên bản nhái, kể cả chương trình thuần Việt na ná nhau xuất hiện nhẵn mắt công chúng trên sóng truyền hình thời gian qua, từ đài trung ương đến địa phương. Thời gian gần đây, khi các chương trình gọi là tìm kiếm tài năng không còn sức hấp dẫn, cùng với phong trào lên ngôi của dòng nhạc bolero, hàng loạt chương trình thi hát bolero thi nhau ra đời: "Tình ca bolero", "Tình bolero hoan ca", " Người hát tình ca", "Thần tượng bolero", "Solo cùng bolero", "Tình bolero", " Khán giả cùng bolero"… Chưa kể, hàng loạt chương trình ca nhạc quen thuộc định kỳ trên sóng truyền hình hiện nay như: "Sol vàng", "Tình khúc vượt thời gian", "Thay lời muốn nói", "Hãy nghe tôi hát", " Hát vui - vui hát", "Ngôi sao phương Nam"... đều có xen lẫn ca khúc bolero.
Song song với chương trình bolero là các chương trình khai thác thí sinh thiếu nhi ra mắt hàng loạt: "Vietnam Idol kids", "Giọng hát Việt nhí", "Biệt đội tí hon", "Gương mặt thân quen nhí", "Nhí tài năng", "Tuyệt đỉnh song ca nhí", "Người hùng tí hon", "Siêu nhí tranh tài"…
Khán giả không khó nhận ra sự giống nhau của các chương trình giải trí này. Vì vậy, các nhà sản xuất phải dùng chiêu trò để lôi kéo khán giả, dùng chuyện đời éo le đầy thương cảm của thí sinh… để câu lượng người xem. Thế nhưng, chiêu trò nào rồi cũng nhàm chán, câu chuyện nào rồi cũng tụt mất cảm xúc khi nó cứ lặp đi lặp lại trong khi yếu tố chính của cuộc thi là tài năng của thí sinh thì ngày càng giảm sút. Đây chính là tử huyệt của truyền hình giải trí hiện nay.
Theo Thùy Trang
Người Lao Động