Trùng tu miếu Âm hồn Huế tưởng niệm đồng bào tử nạn

(Dân trí) - Ngôi miếu Âm hồn (đường Mai Thúc Loan giao Lê Thánh Tôn, TP Huế) tưởng niệm ngày “thất thủ kinh đô” 5/7/1885 (23 tháng 5 âm lịch) vừa được trùng tu và khánh thành đúng vào ngày “giỗ lớn” của toàn thể người dân Cố Đô.

Tại buổi lễ vừa diễn ra ngày 30/6 (nhằm ngày 23 tháng 5 âm lịch), hàng trăm người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã có mặt để thắp nén hương tưởng nhớ những anh linh trận vong và người vô tội chết oan trong sự kiện “thất thủ kinh đô Huế” năm 1885.

Miếu Âm hồn vừa được trùng tu xong

Miếu Âm hồn vừa được trùng tu xong

Miếu Âm hồn Huế ngày nay nằm ở trên đường Mai Thúc Loan giao đường Lê Thánh Tôn thuộc phường Thuận Lộc, TP Huế. Hàng năm vào 23/5 âm lịch, các cụ già cao niên thành phố Huế thường về đây để tổ chức cúng âm hồn, tưởng niệm những anh linh đã hi sinh vì vận nước. Người dân bình thường tổ chức cúng tại nhà. Đã từ lâu, ngày này đã trở thành ngày “giỗ lớn” của toàn thể người dân cố đô Huế.

Lịch sử bi thương

Ngày 23/5 năm Ất Dậu 1885, hai đạo quân của triều đình nhà Nguyễn do Tôn Thất Lệ và Trần Xuân Soạn từ Đại Nội Huế đồng loạt nổ súng tấn công quân Pháp ở tòa Khâm Sứ Pháp và đồn Mang Cá. Lúc đầu quân địch bất ngờ và rối loạn nhưng sau đó đã lấy lại thế trận và phản công chiếm kinh thành.

Quân địch tấn công quân ta ở đường Hàng Bè (đường Đào Duy Anh, Huỳnh Thúc Kháng) khi bị đánh chặn ở cống Thanh Long. Địch chuyển sang đường Lê Văn Hưu và tiến theo đường Âm Hồn (nay là đường Lê Thánh Tôn) đánh thẳng lên trên và tiến về của Hiển Nhơn tấn công Đại Nội Huế.

Miếu Âm hồn vừa được trùng tu xong

Đại Nội Huế - nơi quân triều Nguyễn đã nổ súng tấn công quân Pháp chống lại ách xâm lược vào ngày 23 tháng 5 năm 1885. Nhưng do thất bại, ngày đó đã trở thành ngày tàn sát của giặc đối với rất nhiều đồng bào vô tội, binh lính, các quan... tại Huế (ảnh: Ngọc Thụ)

Trên đường đi, quân thù đã tàn sát, đốt phá nhà cửa, giết người dân vô tội. Quân ta sử dụng vũ khí thô sơ không thể chống lại giặc và đã thất bại trong việc không chế tình hình. Kinh thành Huế ngập chìm trong máu lửa. Hầu như gia đình nào cũng có người bị thương vong. Các bộ sử sách không thể thống kê hết số quân nhân và người dân vô tội tử vong.

Nhân dân tưởng nhớ

Miếu Âm hồn Huế được người dân thành phố Huế dựng lên vào năm 1895. Sau hơn 118 năm, đây luôn là một địa chỉ tâm linh, văn hóa quan trọng trong tiềm thức người dân xứ Huế. Miếu được trùng tu từ cuối 2012 đến tháng 1/2013 nhờ vào kinh phí do người dân và chính quyền cùng đóng góp với 250 triệu đồng. Quá trình trùng tu đã thay thế các cột chống gỗ, mái ngói được lợp mới, các đồ trang trí cũng được thay đổi hoặc sơn lại.


Các bô lão cao niên đang làm lễ trong miếu

Các bô lão cao niên đang làm lễ trong miếu

Hàng năm vào 23/5 âm lịch, lễ cúng âm hồn được tổ chức chu đáo theo nghi thức thờ cúng tín ngưỡng cổ truyền ở Huế, với những bài văn tế thống thiết, ai oán. Tập tục cúng âm hồn là một mỹ tục thắm đượm tình nhân đạo, nghĩa đồng bào, nó có đầy đủ ý nghĩa của một lễ hội dân gian mang màu sắc dân tộc tiêu biểu cho một vùng đất ngàn năm văn vật.

Theo các nhà nghiên cứu, miếu Âm hồn của người dân Huế cùng với đàn Âm hồn của triều đình nhà Nguyễn tại Huế là hai công trình được lập ra để tưởng niệm những chiến sĩ trận vong và người dân vô tội chết trong sự kiện thất thủ kinh đô năm Ất dậu 1885. Tuy nhiên cho đến nay chỉ có miếu Âm hồn còn được người dân biết đến và hàng năm thắp hương cúng bái, riêng đàn Âm hồn đang được các nhà khoa học khảo sát tìm kiếm lại vị trí.

Ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tâm sự với người dân đến dự buổi lễ: “Người dân Huế không ai quên được ngày 23/5. Có lẽ chẳng nơi nào trên Việt Nam có một nghi lễ cúng tế quy mô, mang tính toàn dân như lễ cúng âm hồn vào ngày 23 tháng 5 âm lịch hàng năm ở Huế”

 
Anh Việt – Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm