1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Trùng tu di tích Phu Văn Lâu từng bị sập

(Dân trí) - Ngày 13/5, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm triển khai công nghệ xây dựng miền Trung (thuộc Viện Khoa học Công nghệ xây dựng) đã tiến hành khởi công dự án Tu bổ, phục hồi di tích Phu Văn Lâu.

Sau khi bị bất ngờ đổ sập một góc mái vào ngày 15/5/2014, các cơ quan chức năng đã chú tâm vào việc thực hiện dự án trùng tu Phu Văn Lâu – được xem là một trong những biểu tượng quan trọng thuộc hệ thống Kinh thành Huế.

Đơn vị thi công dự án này là Trung tâm Triển khai Công nghệ xây dựng miền Trung (Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng) tiến hành từ 13/5/2015 trong vòng 720 ngày với tổng mức đầu tư 11,9 tỷ đồng.

Phu Văn Lâu hiện tại

Phu Văn Lâu hiện tại

Qua các kết quả tư liệu lịch sử, tư liệu ảnh, kết hợp với kết quả tổng hợp, phân tích và đánh giá bằng các phương pháp tiếp cận hiện đại, phương án trùng tu Phu Văn Lâu sẽ được tiến hành theo hình thức kiến trúc và trang trí thời Khải Định, là giai đoạn lịch sử gần nhất dưới triều Nguyễn mà trước đó công trình này đã tồn tại.

Nền móng sẽ được bảo tồn nguyên trạng và làm vệ sinh khoa học, gia cường khớp nối và chân tán. Hệ khung gỗ được phục hồi lại toàn bộ hệ khung gỗ kiền, chỉ giữ lại một vài cấu kiến gốc làm tiêu bản đối chứng; phục hồi réo mái (kiểu mái cong), phục hồi bức hoành phi; tu bổ phục hồi cầu thang.

Hệ thống liên ba, đố bản, lan can được phục hồi theo hình thức có từ thời Khải Định; phục hồi sơn son hệ khung gỗ và giàn mái. Các vách đố bản sơn vàng, các họa tiết chạm khắc trang trí thếp bạc phủ hoàn kim. Riêng hệ mái lợp và phần trang trí mái: sẽ phục hồi mái lợp ngói âm dương men vàng và trang trí đầu các hàng ngói.

Phu Văn Lâu hiện tại

Góc mái phía Đông Bắc của Phu Văn Lâu từng bị sập vào năm ngoái - nay đã được chống đỡ lại rất nguy hiểm

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Phu Văn Lâu là một công trình kiến trúc bằng gỗ 2 tầng, được xây dựng vào năm Gia Long thứ 17 (1818) có chức năng là nơi niêm yết những chiếu thư, chỉ dụ quan trọng của Hoàng đế và triều đình nhà Nguyễn, cũng là nơi công bố kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức. Ngoài ra, dưới các thời nhà vua đều chọn địa điểm này để tổ chức các cuộc vui chơi, yến tiệc trong dịp khánh thọ của mình.

Nằm trên trục Dũng đạo, ngay phía trước Kỳ Đài, Phu Văn Lâu chiếm một vị trí quan trọng trong tổng thể kiến trúc của Kinh Thành Huế. Cùng với quần thể di tích Cố đô Huế, Phu Văn Lâu với những giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật kiến trúc đã được UNESCO (Tổ chức Văn hóa – Giáo dục Liên hợp quốc) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1993.

Sau gần 2 thế kỷ tồn tại, Phu Văn Lâu đã trở thành là một chứng nhân, chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử dân tộc. Phu Văn Lâu là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu mang đậm chất cung đình: cân đối và hài hòa trong tổng thể kiến trúc của Kinh thành Huế, không những mang trên mình những vẻ đẹp tự thân mà còn là điểm nhấn cho quần thể kiến trúc cung đình ở khu vực Kinh thành. Công trình là một trong những điểm tham quan được nhiều nhà nghiên cứu và khách du lịch quan tâm, đây là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội, Festival quốc tế, chợ hoa xuân hàng năm. Công trình đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Cố đô Huế.

Khởi công dự án tu bổ, phục hồi Phu Văn Lâu

Khởi công dự án tu bổ, phục hồi Phu Văn Lâu

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử nhất là giai đoạn từ 1945 đến nay, Phu Văn Lâu đã xuống cấp đến mức nguy hiểm, các kết cấu chính của công trình chủ yếu làm bằng gỗ, mái ngói nặng, trải qua năm tháng đã bị tiêu tâm cùng với điều kiện bất lợi như nằm ở khu vực thoáng trống trải cộng với thời tiết khắc nghiệt như mưa, nắng, bão lốc. Đặc biệt trong ngày 15/5/2014, một góc mái phía Đông Bắc bị sụp đổ.

Nhằm ngăn chặn khả năng tiếp tục sụp đổ trong mùa mưa bão, hệ khung gỗ của công trình đã được chống đỡ tạm thời bằng hệ thống trụ sắt và giàn giáo. Tuy nhiên, nguy cơ sụp đổ công trình vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.Vì vậy, Phu Văn Lâu rất cần thiết và cấp thiết phải được đầu tư bảo tồn, tu bổ một cách tổng thể để gìn giữ và phát huy giá trị góp phần từng bước phục hồi quần thể di tích Cố đô Huế.

Phối cảnh Phu Văn Lâu sau khi được tu bổ, phục hồi theo

Phối cảnh Phu Văn Lâu sau khi được tu bổ, phục hồi theo hình thức kiến trúc và trang trí thời Khải Định

Đại Dương