Trung Quốc khuyến khích học sinh tiểu học đọc "Thần điêu đại hiệp"
(Dân trí) - Tiểu thuyết “Thần điêu đại hiệp” của nhà văn người Hong Kong – Kim Dung vừa chính thức được đưa vào danh sách “những sách nên đọc” dành cho bậc tiểu học.
Vương Lâm, một chuyên gia về lĩnh vực văn học được giao trách nhiệm biên soạn danh sách này. Ông cho rằng các bé trai thường phát triển hứng thú đọc sách thông qua những truyện chưởng với nhiều pha hành động kịch tính còn các bé gái thích những truyện nhẹ nhàng, tình cảm. Đó là lý do tại sao mà “Thần điêu đại hiệp” được đưa vào danh sách này. Theo ông Vương, “Thần điêu đại hiệp” đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, tâm lý của cả các bé trai và bé gái.
Tiểu thuyết gia người Hong Kong – Kim Dung, tác giả của cuốn “Thần điêu đại hiệp”
Theo ông Vương, trong nền văn học đại chúng đương đại, những cuốn sách mà ta khuyên trẻ nên đọc phải là những cuốn mà trẻ có thể dễ dàng đọc, hiểu và cảm nhận. Cha mẹ, thầy cô không nên chọn những cuốn có giá trị nhân văn cao đẹp nhưng lại quá hàn lâm, khó hiểu.
Ông Vương cũng khuyên các bậc cha mẹ hãy cảm thấy thoải mái khi con mình chọn đọc những cuốn tiểu thuyết văn học đại chúng.
Nhiều tác phẩm văn học nước ngoài cũng được chọn lọc để đưa vào 900 đầu sách giới thiệu tới các em học sinh tiểu học. Đáng kể có bộ truyện Harry Potter của tác giả người Anh JK Rowling, cuốn “Sophie’s World” của nhà văn người Nauy - Jostein Gaarder hay cuốn “The Complete Works” của tác gia lớn trong nền văn học Anh – William Shakespeare.
Mỗi một trường tiểu học tại quận Triều Dương đều sẽ phải có đủ bộ 900 cuốn sách văn học này trong hệ thống thư viện của mình.
“Thần điêu đại hiệp” đề cập tới mối tình giữa Dương Quá và sư mẫu Tiểu Long Nữ. Họ đã sát cánh bên nhau, cùng nhau đối phó với những ân oán giang hồ.
Trước đây, trong thập niên 1970, một số tác phẩm của Kim Dung từng bị cấm tại Trung Quốc Đại lục và Đài Loan. Tuy vậy, tới thập niên 1980, tất cả những lệnh cấm này đều bị gỡ bỏ và cho tới nay, những tác phẩm của Kim Dung đã được đánh giá rất cao trên văn đàn Trung Quốc.