Trưng bày nhiều hiện vật quý về những ngày Thủ đô giải phóng

(Dân trí) - “Hà Nội - Ngày trở về” như một hồi ức lịch sử để công chúng hiểu hơn những chặng đường gian nan của quân và dân Việt Nam từ 60 ngày đêm toàn quốc kháng chiến, đến 9 năm kháng chiến trường kỳ để viết nên khúc khải hoàn giải phóng Thủ đô vào mùa thu lịch sử năm 1954.

Kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2018), Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” vào ngày 5/10.

Triển lãm gồm 2 nội dung: “Ra đi… Hẹn một ngày về” và “Hà Nội ngày trở về”.

Ở phần 1, công chúng sẽ hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh gian khổ nhưng luôn vững một niềm tin sắt đá của quân và dân Thủ đô qua phần trưng bày “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”...

Trong phần này, những câu chuyện lịch sử bi tráng được khắc họa. Đó là cuộc sống của những chiến sĩ trung đoàn Thủ đô trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội; tinh thần quả cảm, khí thế sôi sục của nhân dân Hà Nội; những lá đơn tình nguyện xin được ôm bom ba càng sẵn sàng lao vào xe tăng địch của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô…

Nhiều tư liệu quý về thời kỳ lịch sử giải phóng Thủ đô sẽ được trưng bày tại triển lãm chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (nh minh họa)
Nhiều tư liệu quý về thời kỳ lịch sử giải phóng Thủ đô sẽ được trưng bày tại triển lãm chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (nh minh họa)

Nội dung trưng bày thứ hai “Hà Nội ngày trở về” là những câu chuyện của 64 năm về trước, khi Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Những câu chuyện, hình ảnh về cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca thuộc Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội tham gia tiếp quản 35 địa điểm trọng yếu như: Phủ Thủ hiến Bắc Việt, Dinh Quốc trưởng, Nha Công an Bắc Việt, Nha Bưu điện Bắc Việt, Ty Cảnh sát thành phố, Thư viện Trung ương Đông Dương, Bệnh viện Bạch Mai, Nhà tù Hỏa Lò… sẽ được giới thiệu một cách chân thực và xúc động.

Sau ngày giải phóng, Hà Nội lại tiếp tục xây dựng, phát triển và có những đổi thay mạnh mẽ cả về tầm vóc, diện mạo để làm nên một Hà Nội thanh bình, văn minh và ngày càng hiện đại hôm nay.

Trong trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về”, lần đầu tiên, nhiều hiện vật gắn liền với sự kiện giải phóng Thủ đô cũng được giới thiệu tới công chúng như: Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho các chiến sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954; Chứng minh thư do Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội cấp cho cán bộ sử dụng khi đi liên hệ công tác trong thời kỳ tiếp quản Thủ đô từ ngày 9/10/1954 đến ngày 31/12/1954…

Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh và phỏng vấn được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về” sẽ giúp người xem hiểu hơn về ký ức một thời hào hùng của quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo để đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng Thủ đô. Đạn bom, chia cắt và đau thương đã lùi về quá khứ, cuộc sống mới ở Thủ đô tiếp tục được dựng xây và phát triển. Những công trình kiến trúc được tiếp quản ngày nào, giờ trở thành Di sản văn hóa “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”...

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” diễn ra tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò từ ngày 5/10/2018 đến 30/1/2019.

Nguyễn Hằng