Trùm tình báo Tư Chung “Biệt động Sài Gòn” qua đời ở tuổi 83
(Dân trí) - Ông trùm biệt động Sài Gòn, Tư Chung là nhân vật gắn liền với tên tuổi của cố nghệ sĩ Quang Thái. Ông vừa qua đời ngày 17/6 vì bệnh tai biến, hưởng thọ 83 tuổi.
Anh Bùi Quang Ngọc, con trai của nghệ sĩ Bùi Quang Thái cho biết, người cha kính yêu của mình đã qua đời vào lúc 21h30' ngày 17/6, hưởng thọ 83 tuổi. Cố nghệ sĩ đã bị tai biến cách đây 3 năm và khoảng 1 tháng gần đây sức khỏe yếu dần.
Lễ tang sẽ được tổ chức vào ngày 21/6 tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 13giờ 30 phút đến 15 giờ ngày 21/6, sau đó cố nghệ sĩ sẽ được hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ và an táng tại thị trấn Trôi, Hoài Đức, Hà Nội.
Cố nghệ sĩ khiến các khán giả nữ thời đó chết mê với vai trùm tình báo Tư Chung.
Nghệ sĩ Quang Thái sinh năm 1937, ông vốn là nghệ sĩ kịch nói nổi tiếng ở Hà Nội trong thập niên 1970-1980, rẽ ngang sang đóng phim truyện. Tên tuổi của nghệ sĩ Quang Thái gắn liền với vai trùm tình báo Tư Chung trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn” sản xuất năm 1986.
Đây là bộ phim đầu tiên và gần như duy nhất làm về “biệt động thành”, một lực lượng đấu tranh rất đặc thù, gần như chỉ có ở đô thị Sài Gòn từ sau những năm 1961 cho đến thời điểm 30/4/1975.
Khi vào vai trùm tình báo Tư Chung, ông đã 45 tuổi nhưng được chọn nhờ gương mặt lai Tây, vẻ ngoài vừa hào hoa vừa dễ gần. Vai diễn trùm tình báo Tư Chung được ông lột tả ấn tượng trên màn ảnh, chinh phục được khán giả.
Cho đến mãi sau này, cảnh diễn với nghệ sĩ Thanh Loan vẫn khiến ông xúc động, nhớ mãi.
Cố nghệ sĩ từng chia sẻ rằng, khi đó, đạo diễn Long Vân đã tìm đến nhà ông ở phố Hàng Ngang nói về bộ phim và muốn mời ông tham gia vai chính. Trước đó, vai Tư Chung dự định dành cho nghệ sĩ Chánh Tín nhưng vì Chánh Tín đã quá nổi tiếng với bộ phim “Ván bài lật ngửa” nên đạo diễn Long Vân muốn tìm một gương mặt mới thể hiện vai diễn này.
Hình ảnh cố nghệ sĩ ở tuổi xế chiều....
Với ông, ông không bao giờ quên cảnh Tư Chung bế xác ni cô Huyền Trang (nghệ sĩ Thanh Loan thủ vai) trên tay. “Lúc đó, tôi như chìm đắm vào nhân vật, tự nhiên nước mắt trào ra, thương vô cùng. Cảnh đó chủ yếu diễn bằng mắt là chính. Đôi mắt không gào khóc được, vừa căm hờn, vừa tiếc thương vừa phải ánh lên sự tin tưởng vào ngày mai chiến thắng để xương máu của những người đồng đội mình không uổng phí”, ông kể lại...
Nguyễn Hằng