Trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên Trung Kỳ sẽ được sửa chữa

(Dân trí) - Ngày 24/11, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay vừa đồng ý thực hiện thủ tục sửa chữa trụ sở của tờ báo Tiếng Dân (193 Huỳnh Thúc Kháng, TP Huế). Đây là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ và là tờ nhật báo duy nhất xuất hiện trước năm 1930.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, hiện khu nhà số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Hiện vẫn còn 6 hộ gia đình sinh sống tại đây.

Từ đây cho đến cuối năm nay, Trung tâm sẽ thực hiện di dời 6 hộ dân trên. Hiện phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình ở trong khuôn viên của tờ báo Tiếng Dân đã được hoàn thành. Sau khi di dời hộ dân, việc sửa chữa trụ sở của tờ báo Tiếng Dân sẽ được tiến hành.

Cũng theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, song song với việc sửa chữa trụ sở báo Tiếng Dân, việc lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với di tích này cũng cần nhanh chóng được triển khai. Việc này sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, cách mạng của di tích đặc biệt gắn với nhân vật lịch sử Huỳnh Thúc Kháng.

 

Trụ sở báo Tiếng Dân hiện tại
Trụ sở báo Tiếng Dân hiện tại

 

Như Dân trí thông tin, tuy ra đời trễ hơn nếu so với báo chí ở hai miền Nam, Bắc nhưng báo Tiếng Dân đóng một vai trò chính trị quan trọng trong đời sống của Nhân dân Trung Kỳ. Tờ báo hoạt động từ năm 1927 – 1943 do cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập và chủ nhiệm kiêm chủ bút. Do báo viết và đăng thông tin theo quan điểm “công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ” rất sắc sảo và đầy chính kiến yêu nước của cụ Huỳnh, năm 1943 báo Tiếng Dân bị thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa.

Trụ sở báo Tiếng Dân cũng từng là trụ sở Hội đồng châu Quảng Nam, được cụ Huỳnh Thúc Kháng làm ký túc xá cho những sinh viên Quảng Nam ra Huế học. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp đàm phán, ông được trao quyền Quyền Chủ tịch Chính phủ.

Sau năm 1975, trụ sở tờ báo được bố trí cho một số cán bộ Trường đại học Y Dược Huế để ở. Đến năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 1449/QĐ-UBND ngày 25/6/2007 về việc tiếp nhận khu tập thể 193 Huỳnh Thúc Kháng thành Quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và chuyển giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý.

 

Căn phòng trên tầng 2 được xem là nơi phát hành của tờ báo Tiếng Dân
Căn phòng trên tầng 2 được xem là nơi phát hành của tờ báo Tiếng Dân

 

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm