1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

“Trong tôi đang có sự tan vỡ lớn khi thầy Lê Đăng Thực mất”

(Dân trí) - Đó là những chia sẻ của NSƯT Thanh Quý khi nói về sự ra đi của NGND Lê Đăng Thực, người đã có công rất lớn trong việc đưa bà đến với nghề diễn. Ngoài ra, NSND Minh Châu, NSND Bùi Cường cũng không kìm được cảm xúc khi nói về người thầy vừa qua đời của mình.

“Trong tôi đang có sự tan vỡ lớn khi thầy Lê Đăng Thực mất” - 1

NSƯT Thanh Quý: Tôi đã vĩnh viễn mất đi một người thầy, người cha, người chú

Tôi là sinh viên khóa 2 trường Đại học Điện ảnh (hồi đó Trường Điện ảnh Việt Nam chưa sát nhập với Trường Sân khấu Việt Nam) do thầy Thực làm giáo viên chủ nhiệm. Năm 1973, khi đó tôi đã 15 tuổi nhưng vẫn còn rất nhút nhát, yếu đuối và sợ hãi. Tôi đi tuyển diễn viên lần một xong thì không dám quay lại tuyển lần hai vì sợ. Một buổi trưa hè trời rất oi bức, tôi đang nghỉ trưa thì nghe thấy tiếc cộc cộc ngoài cửa. Tôi nhìn ra thì thấy thầy Thực đang bước vào.

Phải nói rằng trước đó tôi không biết thầy Thực là ai đâu, tôi chỉ biết thầy khi đến tuyển diễn viên. Thầy đi tàu điện từ Hàng Gai lên nhà tôi ở Bưởi để thuyết phục tôi cố gắng thi vào trường Điện ảnh. Tôi liền nói với mẹ tôi là: “Mợ ơi mợ, có ông thầy tuyển điện ảnh đến thì mợ bảo con không có nhà nhé!”, nói xong tôi trốn vào trong buồng. Thầy vào nhà nói chuyện với mẹ tôi. Phải nói thêm ngày xưa mẹ tôi không thích tôi đi theo ngành này vì cho rằng “xướng ca vô loài”.

NSƯT Thanh Quý
NSƯT Thanh Quý

Thế nhưng thầy nói chuyện với mẹ tôi xong thầy gọi tôi ra đả thông tư tưởng, khuyên nhủ tôi rất nhiều, làm cho tôi thấy hứng thú. Sau đó thầy còn bảo tôi xuống nhà thầy ở Hàng Gai ăn cơm với thầy cô và Quân (con trai của NGND Lê Đăng Thực). Thầy cho tôi được sống trong một không khí gia đình rất đầm ấm, tôi rất thích. Rồi thầy còn dẫn tôi đến Hãng phim Truyện Việt Nam ở Thụy Khuê, đến đoàn kịch được gặp anh Lâm Tới, chị Trà Giang, các anh chị em diễn viên điện ảnh Khóa 1, rồi đi xem phim...

Dần dần thầy truyền cho tôi một cảm hứng rất lớn, tôi nhận ra rằng mình có thể làm được những điều như thầy khuyên nhủ. Nhờ thế mà sau đó tôi đã quyết tâm thi đỗ vào trường. Vào trường tôi không phải dạng học tốt nhưng bên cạnh tôi lúc nào cũng có thầy, ngoài tình cảm thầy trò tôi còn thấy ở thầy tình cảm của một người cha. Lúc nào tôi cũng biết ơn thầy vì nhờ có thầy mà tôi mới có ngày hôm nay.

Đạo diễn Trần Lực và diễn viên Kim Oanh tới viếng thầy Lê Đăng Thực
Đạo diễn Trần Lực và diễn viên Kim Oanh tới viếng thầy Lê Đăng Thực

Trong thời gian thầy ốm tôi có đến bệnh viện thăm thầy mấy lần. Tôi có hỏi thầy: “Thầy có thích trốn ra khỏi bệnh viện không, nếu thầy nằm trong bệnh viện mệt quá, thầy gọi em để em chở thầy đi, thầy đi uống cà phê rồi thích ăn gì thì ăn”. Có một buổi tối tôi lên, tôi hỏi: “Thầy có thích ăn gì không”, thầy bảo: “Thầy mệt lắm”. Tôi động viên mãi “Chắc thầy thích ăn bánh”. Tôi chạy ra mua bánh ngọt cho thầy nhưng thầy không ăn được bánh ngọt. Tôi lại bảo: “Em đoán ra rồi, chắc thầy thích ăn kem”, thầy bảo: “Ừ, thầy thích ăn kem”. Tôi nghĩ chắc thầy nói thế cho tôi vui thôi nhưng tôi vẫn đi mua. Thế rồi hai thầy trò ngồi ăn kem với nhau, nói chuyện vui với nhau.

Trên bước đường đời hay trong nghệ thuật, khi thành công tôi cũng nghĩ đến thầy, khi có những bước chân sai lầm tôi cũng thấy xấu hổ với thầy. Được gặp thầy, được thầy dìu dắt là niềm sự may mắn lớn nhất đối với người làm nghệ sĩ như tôi.

Khi biết thầy thích ăn phở, tôi cũng nấu phở mang vào cho thầy nhưng chắc tôi nấu không ngon nên thầy không ăn được nhiều. Hôm sau tôi lại ra hàng phở chỗ phố Nhà Thờ mua phở mang vào cho thầy ăn nhưng thầy cũng chỉ ăn được một ít. Tôi rất tiếc, một hai tháng sau này thầy ốm nặng thì tôi phải đi làm phim. Tôi có bảo với Quân là hôm nào nghỉ sẽ vào trông thầy một ngày nhưng chưa làm được điều đó thì thầy đã đi. Đó là một điều ân hận lớn nhất trong tôi.

Ngày hôm nay, khi thầy mất đi (nghẹn ngào), trong tôi có một sự tan vỡ rất lớn. Tôi đã vĩnh viễn mất đi một người thầy, người cha, người chú.

NSND Minh Châu
NSND Minh Châu

NSND Minh Châu: Lần cuối cùng tôi đến thăm thầy, tôi tự làm bánh khúc mang đến cho thầy ăn

Thầy Lê Thăng Thực chủ nhiệm lớp diễn viên chúng tôi khóa 1974 – 1977. Lớp chúng tôi hồi đó có Bùi Cường, Diệu Thuần, Thanh Quý... Thầy là một người rất vì học trò, chăm lo từng bữa ăn đến những sinh hoạt hàng ngày. Mỗi khi ai đó trong lớp có điều gì đó xảy ra thầy luôn bên cạnh động viên, giúp đỡ. Lớp tôi có quá nhiều kỷ niệm với thầy. Bản thân thầy cũng luôn coi sinh viên lớp khóa 2 là tình yêu, gia đình nhỏ của mình.

Thầy cứ bảo là thầy dạy rất nhiều khóa nhưng 20/11 nào thầy cũng muốn phải có lớp diễn viên khóa 2 đến để chia vui với thầy. Có hôm đến với thầy chẳng có gì đâu nhưng mọi người vẫn rất vui vì được uống với thầy chén trà, nói với thầy dăm ba câu chuyện. Với bản thân tôi thì năm nào không đến được với thầy trong ngày 20/11 là cảm thấy rất áy náy.

Thầy bị ung thư tiền liệt tuyến cũng khá lâu rồi nhưng các thế hệ học trò vẫn luôn đến thăm, động viên và chia sẻ với thầy. Tôi rất buồn vì thầy đã ra đi mãi mãi nhưng cũng cảm thấy an ủi là trước khi thầy mất tôi cũng hay được đến thăm thầy. Lần cuối cùng tôi đến thăm thầy, tôi tự làm bánh khúc mang đến cho thầy ăn.

Tôi thương thầy là thầy mất đúng hôm mình được tôn vinh trong giải Cánh diều (ngẹn ngào). Trước đó chúng tôi vẫn hy vọng thầy có thể ra được Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô để nhận một sự tôn vinh của ngành dành cho thầy.

NSND Bùi Cường
NSND Bùi Cường

NSND Bùi Cường: Nghe tin thầy mất, tôi đau buồn lắm

Nghe tin thầy mất, tôi đau buồn lắm. Đối với cá nhân tôi và lớp diễn viên khóa 2 của Trường Điện ảnh Việt Nam 1974 – 1977, thầy Thực là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Thầy là một người thầy tuyệt vời. Thầy không những dạy chúng tôi về kiến thức mà còn dạy chúng tôi về đạo đức làm người. Muốn thành một người diễn viên tốt, một đạo diễn giỏi thì trước hết phải là người có đạo đức tốt.

Kỷ niệm với thầy với tôi và các bạn trong lớp thì nhiều lắm. Giờ phút này mà kể ra chắc không thể cầm được lòng mình. Tôi chỉ nói rằng, được học thầy là sự may mắn, là niềm hạnh phúc. Thầy là người có kiến thức lỗi lạc, có tác phong sư phạm nên những bài giảng của thầy về nghề, đến bây giờ chúng tôi vẫn nhớ như in.

Bài: Hà Tùng Long

Ảnh: Mạnh Thắng