Trọng Tấn: “Hát trong đêm Nhân tài Đất Việt, tôi thấy cảm xúc mạnh mẽ hơn”

(Dân trí) - “Nếu xét về hình thức thì đây cũng là một đêm trao giải như nhiều đêm trao giải khác. Tuy nhiên, cái khác biệt lớn nhất đó là hát cho một giải thưởng mà mình rất lấy làm tự hào nên cảm xúc mạnh mẽ hơn”, ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ.

Từng hát trên sân khấu trong nhiều đêm trao giải khác, vậy cảm xúc của anh thế nào khi hát trong đêm trao giải Nhân tài đất Việt?

Thực ra, nếu xét về hình thức thì đây cũng là một đêm trao giải như nhiều đêm trao giải khác. Tuy nhiên, cái khác biệt lớn nhất đó là hát cho một giải thưởng mà mình rất lấy làm tự hào nên cảm xúc mạnh mẽ hơn. Tôi cũng cảm thấy vinh dự khi đại diện cho nghệ sĩ tham gia hát trong đêm trao giải thưởng lớn, trong đó có ý nghĩa về chính trị, nhân văn và xã hội. Ngoài nghệ thuật, tôi cũng thấy trách nhiệm của nghệ sĩ trong việc truyền tải nội dung, thông điệp khác nữa với cuộc sống.

Tôi cũng cố gắng thể hiện làm sao khơi dậy niềm tự hào với lớp trẻ, những người nhận giải thưởng khi bài hát của mình chạm tới trái tim của họ.

Với giải thưởng Nhân tài đất Việt, tôi cũng xin chúc mừng báo Dân trí đã phối hợp tổ chức giải thưởng thành công bước sang năm thứ 12, trở thành giải thưởng uy tín mang tầm vóc quốc gia trong lĩnh vực CNTT và là bệ phóng vững chắc cho các tài năng Việt.

Ca sĩ Trọng Tấn hát trong đêm trao giải Nhân tài đất Việt 2013. (Ảnh: Lê Trường)
Ca sĩ Trọng Tấn hát trong đêm trao giải Nhân tài đất Việt 2013. (Ảnh: Lê Trường)

Mỹ Linh là ca sĩ đầu tiên được nhạc sĩ Nguyễn Cường tin tưởng chọn thu âm ca khúc được viết riêng cho chương trình Nhân tài đất Việt “Thắp sáng ngọn lửa Lạc Hồng”. Vậy khi hát ca khúc này, anh thể hiện ra sao để tránh sự trùng lặp?

Khi được Ban tổ chức mời, tôi đã tìm hiểu bài hát, nghe qua phần trình bày của Mỹ Linh để tìm ra cách hát riêng không bị trùng lặp với người hát trước. Tôi biết Mỹ Linh là ca sĩ đầu tiên hát bài hát này với giọng hát nữ trong trẻo. Còn tôi tập trung hơn vào sự hào sảng, đi sâu vào chi tiết trong âm nhạc.

Bài hát có những từ thể hiện sự hào sảng, khẳng định niềm tự hào, của khí phách Lạc Hồng. Ngay từ câu đầu tiên của bài hát đã mang thông điệp rất lớn: “Không chịu để quê hương đói nghèo/ Không chịu để Tổ quốc chậm sau. Nhân tài đất Việt/ Nguyên khí non sông/ Sánh với năm châu bước lên đài vinh quang…”

Phải nói rằng đây là bài hát rất hay của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Người nhạc sĩ tài hoa đã rất giỏi khi chắt lọc những ca từ ngắn gọn nhưng gần gũi, dễ đi vào lòng người và có sức hiệu triệu lớn. Những lời hát như sự hiệu triệu các trí thức trẻ của Việt Nam hãy luôn tận hiến sức trẻ và tài năng, trí tuệ của mình để cống hiến cho đất nước.

Trong Lễ trao giài Nhân tài đất Việt 2016 diễn ra ngày 19/11 tới tại Hà Nội, sẽ là lần thứ hai anh thể hiện ca khúc “Thắp sáng lên ngọn lửa Lạc Hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Trong không khí của ngày tôn vinh người Thầy Việt Nam, cảm nhận của anh về nội dung ca khúc có sự khác biệt?

Trong bài hát có lời: “Xây nên từ khát khao vun trồng người thầy Việt Nam”. Để có được những nhân tài đất Việt, thì không thể không nhắc đến công lao của người thầy.

Rõ ràng Lễ trao giải Nhân tài đất Việt được tổ chức vào đúng dịp tôn vinh Ngày nhà giáo Việt Nam hết sức có ý nghĩa. Giải thưởng này cũng gắn liền với sự nghiệp giáo dục, có nhân tài, đương nhiên để phát triển người tài cần có bàn tay đào tạo, giáo dục của người thầy. Có những người có năng khiếu này, tài năng kia nhưng để phát triển một cách “hoang dã” thì đến một lúc nào đó sẽ chững lại.

Vì thế ngoài ý nghĩa đêm trao giải, ý nghĩa sâu sắc của chương trình cũng là để tôn vinh những người thầy. Đây có thể nói là “hai trong một”, gốc rễ của sự thành công vẫn là từ giáo dục. Được thể hiện ca khúc đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - ngày tôn vinh những người thầy, tôi càng thêm xúc động và tự hào.

Theo Trọng Tấn, lễ trao giải Nhân tài đất Việt được tổ chức vào đúng dịp tôn vinh Ngày nhà giáo Việt Nam hết sức có ý nghĩa.
Theo Trọng Tấn, lễ trao giải Nhân tài đất Việt được tổ chức vào đúng dịp tôn vinh Ngày nhà giáo Việt Nam hết sức có ý nghĩa.

Từng có 10 năm gắn bó với công việc giảng dạy ở Học viện âm nhạc Quốc gia, giờ nhìn lại có khi nào anh cảm thấy nuối tiếc vì mình đã ngừng công việc giảng dạy ở trường?

Cho đến thời điểm này, tôi vẫn chưa rời công việc giảng dạy, chỉ khác là không giảng dạy trong môi trường chính quy thôi. Tôi vẫn có học sinh, vẫn chia sẻ kinh nghiệm, dàn dựng bài vở cho các em tham dự các cuộc thi hát.

Tôi chưa bao giờ ngừng lại với sự nghiệp giáo dục cả. Tôi dành nhiều thời gian cho ca hát nhưng vẫn dành khoảng thời gian nhất định cho công việc giảng dạy. Ở nhà, tôi mở lớp dạy học cho các học sinh cũ, cũng như giúp các bạn thi Sao Mai, Giọng hát hay Hà Nội…

Trong những năm tháng đèn sách, anh có ấn tượng, kỷ niệm đặc biệt về người thầy nào của mình?

Ở mỗi một giai đoạn tôi đều có những người thầy gắn bó với mình. Thời đi học phổ thông, tôi có cô chủ nhiệm rất quan tâm, giúp đỡ mình những năm tháng khó khăn. Tôi còn nhớ hoàn cảnh gia đình mình khi đó rất khó khăn, cô đã xin thầy hiệu trưởng cho tôi không phải đóng tiền học phí. Đúng là chỉ có tấm lòng người thầy và tôi không bao giờ quên, luôn nhắc lại những kỷ niệm ấy. Tôi luôn trân trọng người thầy của mình, mỗi dịp lễ tết có điều kiện tôi vẫn đến thăm hỏi.

Đến khi ra Hà Nội học âm nhạc, thì cũng có những kỷ niệm với các thầy cô. Người thầy đầu tiên giúp đỡ, có ảnh hưởng nhiều đến con đường học âm nhạc chuyên nghiệp của tôi là cô Minh Huệ, vợ nhạc sĩ Trần Hiếu. Cô không phải là người dạy chính thức trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhưng là người tôi gặp gỡ, tiếp xúc những năm tháng đầu tiên.

Với sự khắt khe trong giảng dạy của cô, sau này trở thành người thầy tôi thấy rằng sự khắt khe là cần thiết. Người thầy như thầy thuốc mà mỗi học sinh có tật khác nhau, giống như chữa bệnh, mỗi một bệnh chữa khác nhau không thể áp dụng ai cũng như ai… Khi biết đường hướng muốn gắn bó với công việc giảng dạy của tôi cô đã chia sẻ từ đáy lòng như thế. Và khi tôi thi Liên hoan tiếng hát truyền hình năm 1999, người gợi ý cho tôi chọn thể hiện “Tiếng đàn bầu” và sau đó tôi đoạt giải nhất chính là cô Minh Huệ.

Rồi thầy Trần Hiếu, thầy Trung Kiên…. Tôi được thầy Hiếu giảng dạy, đến giờ tôi vẫn nhớ mãi những bài học cơ bản của thầy về âm thanh và hơi thở. Còn thầy Trung Kiên đã định hướng cho tôi trở thành một thầy giáo thanh nhạc như bây giờ. Dù chỉ dạy tôi 2 năm cuối cùng của khóa học nhưng thầy Kiên là người đã hoàn thiện cho tôi những kỹ thuật cao nhất của thanh nhạc.

Tôi cảm thấy mình may mắn được học các thầy giỏi, để đến hôm nay mình có vốn liếng thật sự cho cả công việc ca hát lẫn giảng dạy.

Trọng Tấn: Trong showbiz, chúng ta không nên ngộ nhận chuyện người thầy trong những chương trình truyền hình thực tế.
Trọng Tấn: "Trong showbiz, chúng ta không nên ngộ nhận chuyện người thầy trong những chương trình truyền hình thực tế."

Từng là một người thầy, anh có suy nghĩ gì khi đọc những thông tin tiêu cực, sứt mẻ tình cảm thầy trò trong ngành giáo dục? Ngay như trong các chương trình truyền hình thực tế hiện nay, không ít thông tin học trò “tố cáo”, sử dụng những lời lẽ không đẹp về người thầy của mình?

Vấn đề này khá rộng và tế nhị vì nó là cảm xúc, tình cảm và nhận thức của mỗi người. Tôi nghĩ những việc tiêu cực trong ngành giáo dục thực ra được bàn nhiều lắm, từ quốc hội, ngành giáo dục, xã hội, báo chí… Theo tôi, đó là biểu hiện sự xuống cấp của xã hội nói chung, trong đó có trách nhiệm của ngành giáo dục.

Mặt khác, sự phát triển quá nhanh của công nghệ thông tin, các trào lưu trên thế giới, tất cả những văn hóa ngoại lai… đến với những em trẻ quá dễ dàng. Thế cho nên, có chuyện này chuyện khác đâu đó là sự không tránh khỏi. Nhưng nó cũng không phải là biểu hiện, bộ mặt thực sự của ngành giáo dục. Tôi nghĩ phần trăm học sinh tôn trọng thầy cô giáo, biết định hướng, xác định sự quan trọng của việc học tập vẫn chiếm đa số.

Còn trong showbiz, chúng ta không nên ngộ nhận chuyện người thầy trong những chương trình truyền hình thực tế. Người hướng dẫn hay HLV thì nó chỉ trong khuôn khổ cuộc chơi game show chứ nó không mang nhiều ý nghĩa đào tạo, giáo dục gì cả. Ngay trong cuộc chơi, chỉ mang ý nghĩa người trước hướng dẫn người sau về dàn dựng bài hát còn giáo dục âm nhạc thì không phải. Chúng ta không nên lầm tưởng. Đôi khi trên báo chí cũng viết “học trò thế này”, “học trò thế khác”..., như thế dễ có sự ngộ nhận.

Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Lễ trao giải Nhân tài đất Việt 2016 sẽ diễn ra vào 20h ngày 19/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt xô, Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Nguyễn Hằng