Trong showbiz, diện mạo hay tài năng quan trọng hơn?
(Dân trí) - Một ca sĩ muốn nổi tiếng hiện nay không thể chỉ biết đứng trên sân khấu và trưng trổ tài năng, họ còn phải đưa tới những yếu tố giải trí, giúp khán giả thỏa mãn cả về nghe - nhìn, và trong lúc “trà dư tửu hậu”, lại có chút gì đó để bàn luận về đời tư của sao.
Lady Gaga có phải một nghệ sĩ đích thực? Chắc chắn là có! Cô ấy có thể chơi piano, có thể tự sáng tác, tự lên ý tưởng cho sản phẩm âm nhạc, và thực sự đã nổi tiếng thế giới. Nhưng khi nhắc tới Lady Gaga, âm nhạc không phải là điều xuất hiện đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ khán giả và thường người ta cũng không nói về khía cạnh tài năng của Lady Gaga.
Sẽ chẳng mấy ai trong giới showbiz quốc tế biết đến Stefani Germanotta (tên thật của Lady Gaga) nếu ngay từ đầu cô chỉ quyết tâm đi lên bằng thực tài mà không có chiêu trò. Và Lady Gaga cũng không làm vậy, cô đã thực hiện một chiến dịch bài bản để nhận được sự chú ý của truyền thông và công chúng trên khắp thế giới.
Đó là những MV gây tranh cãi, là những phần trình diễn nằm ngoài sức tưởng tượng, là chiếc váy làm từ những tảng thịt sống để cô mặc lên sân khấu. Đó là nghệ thuật, là âm nhạc, là chiêu trò, hay là sự quyết tâm đạt được danh tiếng bằng mọi giá?
Chuyên gia tư vấn phong cách đến từ New York - Rachel Weingarten nhận định: “Lady Gaga là nghệ sĩ của thế hệ chúng ta. Mỗi thế hệ sẽ có những nghệ sĩ đặc trưng đại diện cho thế hệ đó”.
Biên tập viên của trang “Yahoo! Music” - Lyndsey Parker cho rằng: “Nghệ sĩ bây giờ muốn nổi tiếng không thể chỉ biết làm nhạc. Âm nhạc chỉ là một khía cạnh của nghệ sĩ. Giờ đây, rất nhiều người trẻ hy vọng mình thành công chỉ sau một đêm, có thể bằng cách đăng tải video lên YouTube hoặc tham gia show truyền hình thực tế”.
Tất cả những điều đó cho thấy những bước chuyển của xã hội. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà chỉ cần bấm nút “upload” video, nội dung của nó có thể khiến bạn ngay lập tức được biết đến. Công sức bỏ ra để được nổi tiếng theo cách này chẳng là gì nếu đem so với việc khổ công luyện tập, nhẫn nại bước từng bước với giấc mơ “vươn tới một ngôi sao”.
Nhưng không vì thế mà hiệu ứng tạo ra từ chiêu trò không có sức mạnh riêng của nó. Những sự “màu mè” trong nền công nghiệp giải trí đôi khi khiến chúng ta nghi ngờ rằng sức mạnh đích thực của âm nhạc đã trở nên yếu thế trước sự tung hoành của chiêu trò bài bản.
Nghệ thuật và sự chân thực
“Showbiz” viết tắt cho cụm từ “show business”, nghĩa là “kinh doanh show diễn”. Đó là khái niệm đặc trưng của nền công nghiệp giải trí hiện nay. Nền công nghiệp âm nhạc ở những thập niên trước không tạo nên nhiều sự khác biệt giữa tính nghệ thuật và tính giải trí.
Giáo sư Philip Auslander - giảng dạy tại Học viện Công nghệ Georgia (Mỹ) - đã nghiên cứu nhiều năm về “showbiz”, nhận định rằng: “Một ca sĩ nổi tiếng hiện nay không thể chỉ biết đứng trên sân khấu và trưng trổ tài năng, họ còn phải đưa tới những yếu tố giải trí khác. Đó chính là điều cốt lõi làm nên nghệ thuật trình diễn ăn khách trong âm nhạc hiện nay”.
Những ca sĩ nổi tiếng và ăn khách từ lâu đã đẩy mạnh yếu tố giải trí ngang tầm nghệ thuật. Yếu tố giải trí ở một nghệ sĩ rất đa dạng, là tổng hợp của diện mạo, phong cách, đời tư, phát ngôn, chiêu trò… Hay nói ngắn gọn là những gì để báo chí và công chúng có thể nói về bên cạnh giọng hát.
Kể từ khi kênh MTV xuất hiện hồi thập niên 1980, yếu tố hình ảnh của nghệ sĩ, cụ thể là diện mạo ưa nhìn, đã dần trở nên quan trọng hơn âm nhạc. Hiện giờ, trong thời đại của YouTube, nhạc số, truyền hình thực tế, thợ săn ảnh và những chiêu trò gây sốc, khía cạnh giải trí ở một ngôi sao càng trở nên lấn át thực tài của họ.
Con đường tới danh tiếng
Đã từ lâu, nền công nghiệp âm nhạc xuất hiện những chuyên gia phong cách, tham gia “nhào nặn” nên hình ảnh, định hướng cá tính cho một nghệ sĩ trẻ, bởi giờ đây, không chỉ có tiếng hát mà chính yếu tố giải trí, diện mạo, cá tính, phát ngôn, thậm chí chiêu trò… mới giúp tạo nên danh tiếng.
Ca sĩ nhạc rock người Mỹ Wayne Coyne tâm sự: “Rất khó để có thể cưỡng lại sự thèm muốn danh tiếng. Mọi người đều thích có danh. Đó cũng là động lực khiến mọi người đều phải vật lộn. Nghệ thuật cho nghệ sĩ sự tự do. Không nên phán xét quá nặng nề người nghệ sĩ”.
Ở những thập niên trước, làm một ca sĩ đơn giản hơn nhiều, khi đó, con đường chỉ có một. Ca sĩ cần có hợp đồng thu âm với hãng băng đĩa. Sau khi có được hợp đồng, họ tích cực mài giũa tài năng để tạo nên những album “chất”. Họ năng xuất hiện trên sóng radio để khán giả biết tới giọng ca của mình. Và rồi họ tung đĩa hát ra các cửa hàng băng đĩa.
Nhưng kể từ khi xuất hiện mạng Internet, nhạc số, và YouTube, nền công nghiệp âm nhạc biến đổi hoàn toàn. Bạn tung ra sản phẩm âm nhạc, ngay lập tức nó xuất hiện trên mạng để khán giả thưởng thức ngay. Có những khán giả dù rất yêu thích giọng hát của bạn, nhưng họ chẳng bao giờ chi một đồng để mua đĩa xịn của bạn hay mua vé tới xem liveshow của bạn.
Kể từ đây, nghệ sĩ không còn dễ dàng kiếm sống bằng sản phẩm âm nhạc như trước. Số lượng đĩa hát bán ra sụt giảm chóng mặt, nghệ sĩ không thể “ngồi nhà” và yên tâm rằng đĩa hát của mình bày bán ngoài cửa hiệu vẫn đang ngày ngày thu về lợi nhuận, bởi đó đã là cách vận hành của âm nhạc “cổ xưa”.
Nghệ sĩ “đau đầu” kiếm sống
Vậy ca sĩ bây giờ sống bằng gì? Họ đi đóng quảng cáo, đại diện cho các nhãn hàng, hay tự lực kinh doanh, kỳ thực giờ đây, âm nhạc là bệ phóng để họ đạt được nhiều thứ khác trong sự nghiệp. Âm nhạc đơn thuần không còn là nguồn lợi chính giúp cho một nghệ sĩ kiếm sống.
Ca sĩ Paul Doucette - thành viên nhóm nhạc rock Matchbox Twenty (Mỹ) chia sẻ: “Một ban nhạc cũng là một thương hiệu. Ban nhạc bán sản phẩm âm nhạc, bán cả hình ảnh, bán rất nhiều thứ. Và vấn đề nảy sinh khi âm nhạc không còn là tiêu điểm chính.
“Nghệ sĩ nào cũng muốn nổi tiếng, rồi có một dòng nước hoa riêng tung ra thị trường, xác lập nên những kỷ lục, được mời xuất hiện trong các chương trình truyền hình thực tế… Đôi khi, người ta muốn nổi tiếng hơn là muốn làm nhạc, bởi nổi tiếng mới mở ra cho bạn nhiều cơ hội. Vậy cần trở lại câu hỏi: Mục đích của bạn khi đến với âm nhạc là gì?
“Nếu đã thực sự làm nhạc, bạn sẽ luôn đau đáu câu hỏi: Người nghe trải nghiệm âm nhạc của mình thế nào? Làm thế nào để âm nhạc của mình được đón nhận? Điều đó lại đòi hỏi bạn phải biết gây dựng tên tuổi, tạo lập hình ảnh, tiếp thị bản thân, giờ đây, tất cả những điều đó đều quan trọng.
“Nhưng cuối cùng, tất cả vẫn phải quay về âm nhạc, nếu âm nhạc sống được, đọng lại được với người nghe, thì nghệ sĩ mới tồn tại được trong guồng quay showbiz”.
Vậy là câu hỏi ở tiêu đề bài báo - “Trong showbiz, diện mạo hay tài năng quan trọng hơn?” - vẫn thật khó trả lời. Bởi bây giờ, phải có diện mạo, tài năng của bạn mới được đón nhận nồng nhiệt. Nhưng đẹp vẫn chưa phải là tất cả. Bởi chỉ khi có tài năng thực sự, diện mạo đẹp mới giúp sự nghiệp nghệ sĩ thăng hoa.
Bích Ngọc
Theo MTV/Billboard