Trở về ngàn xưa trong Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam 2018

(Dân trí) - Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 2018, Liên Hiệp UNESCO Việt Nam – Trung tâm UNESCO Phát triển văn hoá và thể thao phối hợp cùng đơn vị liên quan tổ chức chương trình Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ nhất tại Hoàng thành Thăng Long trong 2 ngày 23 - 24/11/2018.

Ngày hội là sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt Di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận.

Đây cũng là hoạt động xã hội sâu rộng nhằm tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, quảng bá tiềm năng văn hóa, thương mại và du lịch, liên kết phát triển du lịch di sản bền vững giữa các vùng miền... Tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Nhiều loại hình văn hóa sẽ được diễn xướng trong Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ nhất 2018.
Nhiều loại hình văn hóa sẽ được diễn xướng trong Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ nhất 2018.

Đêna với sự kiện này, du khách sẽ được thưởng lãm và trải nghiệm những loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo của Việt Nam như: Hát Then, Hát Văn, Bài Chòi, Quan họ Bắc Ninh, Chèo, Ví Dặm, Ca Trù, Hát Xẩm, Trống Hội… Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc như: kéo co, đẩy gậy, vượt cầu khỉ, nặn tò he, triển lãm thư pháp…

Để mang đến cho công chúng những trải nghiệm đặc biệt nhất, các tiết mục biểu diễn được dàn dựng công phu, mang âm hưởng “ngàn xưa vọng lại” cùng với sự xuất hiện của các nghệ nhân nổi tiếng trong các lĩnh vực nghệ thuật dân gian.

Trong cùng diễn biến, tại Hoàng thành Thăng Long cũng sẽ diễn ra khai mạc triển lãm “Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới”.

Đây là một hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác phối hợp nghiên cứu, tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, qua đó tôn vinh các giá trị của di sản tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn cũng như phát huy giá trị văn hóa lịch sử của di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Triển lãm chọn lựa và giới thiệu bộ sưu tập mộc bản triều Nguyễn bao gồm các phiên bản mộc bản chứa đựng những tư liệu giá trị về kinh thành Thăng Long qua các thời kỳ.

Mộc bản ghi chép về sự kiện Vua Trần Thái Tông cho xây Long Phượng thành, năm Quý Mão (1243) cũng sẽ được giới thiệu trong triển lãm lần này.
Mộc bản ghi chép về sự kiện Vua Trần Thái Tông cho xây Long Phượng thành, năm Quý Mão (1243) cũng sẽ được giới thiệu trong triển lãm lần này.

Đây là triển lãm đầu tiên khai thác đa dạng, phong phú nguồn tư liệu Mộc bản triều Nguyễn kết hợp với tư liệu hình ảnh di tích, khảo cổ học khu di sản Hoàng thành Thăng Long nhằm phản ánh khái quát, sinh động, chân thực về quá trình xây dựng và thay đổi cấu trúc không gian của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ thế kỷ thứ VII - XIX, trải dài qua các thời kỳ từ Tiền Thăng Long, đến Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và Nguyễn...

Nhằm một lần nữa khẳng định giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long trên các khía cạnh về nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và là trung tâm quyền lực kế tiếp nhau của Việt Nam trong hơn 1000 năm lịch sử.

Thông qua triển lãm, người xem cũng có thêm những thông tin bổ ích, lý thú đồng thời hiểu và trân trọng loại hình di sản tư liệu Mộc bản - một loại hình di sản đặc biệt và vô cùng độc đáo của dân tộc. Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 23/11/2018.

Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định lấy ngày 23 tháng 11 hàng năm là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Quyết định của Thủ tuớng Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

Động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành văn hóa nói chung và trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng; Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo pháp luật về thi đua khen thưởng.

Hà Tùng Long