Triển lãm về “Các thế hệ bị đánh cắp” ở Úc
(Dân trí) – Ngày 24/5, Tổng Lãnh sự quán Úc tại TPHCM đã tổ chức buổi triển lãm nghệ thuật mang chủ đề “Thẻ thông điệp: Bản sắc người bản địa ở đô thị Úc” về những người bản địa Úc, những con người mà người Úc gọi là “Các thế hệ bị đánh cắp”.
Triển lãm bao gồm một bộ sưu tập 21 tác phẩm của bộ sưu tập Artbank thuộc Chính phủ Úc. Bộ sưu tập này đã được trưng bày ở nhiều quốc gia và hiện đang thực hiện một chuyến hành trình qua các nước ở khu vực Châu Á.
Triển lãm nhấn mạnh sức sống, năng lượng và sự đổi mới của các cộng đồng và nghệ sĩ người bản địa. Triển lãm đưa người xem vượt ra ngoài phong trào nghệ thuật Bản Ðịa đương đại nổi tiếng của Sa mạc phía Tây đến với những trải nghiệm cá nhân về cuộc sống ở nước Úc đô thị hóa.
Châu Úc là châu lục được phát hiện muộn nhất thế giới. Khi người da trắng phát hiện ra châu Úc thì ở châu lục này và các đảo nhỏ xung quanh đã có nhiều sắc dân da màu nâu sẫm, tóc quăn định cư từ lâu đời, là cư dân bản địa của châu lục này. Sau đó là những cuộc di cư của người da trắng đến đây mở mang lãnh thổ và diện tích sinh sống của người bản địa bị thu hẹp dần.
Theo Lãnh sự quán Úc tại TPHCM, nước Úc hiện nay là một xã hội khoan dung và đa văn hóa, trân trọng các truyền thống, các nền văn hóa và đóng góp của người dân đến từ tất cả các nguồn gốc khác nhau, bao gồm cả người bản địa.
Vào năm 2008, Nghị viện Úc đã chính thức xin lỗi “Các thế hệ bị đánh cắp”, những người bản địa Úc và người bản địa tại các đảo thuộc eo biển Torres. Thông qua hành động của Chính phủ Úc trong quá khứ, họ đã bị buộc phải rời gia đình và cộng đồng của mình. “Các thế hệ bị đánh cắp” là một trong những chủ đề chính của các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm này.
Tham dự khai mạc triển lãm, bà Anna Burke, Chủ tịch Hạ viện Úc phát biểu: ‘Tôi hy vọng triển lãm này mang đến cho người Viêt Nam một cơ hội để biết thêm về bản địa Úc và ý nghĩa của việc là một người bản địa sống ở đô thị Úc ngày nay”.
Triển lãm này được mở cho người dân thành phố vào tham quan từ ngày 24/5 đến ngày 13/6 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.
Tùng Nguyên