Triển lãm vật dụng đơn sơ của đời sống gia đình gây xúc động
(Dân trí)- Chỉ là những vật dụng đơn sơ, giản dị của đời sống gia đình như chiếc bát, lọ hoa tàn, bức tranh vẽ của trẻ thơ... bỗng gây xúc động không ngờ với những ai đã đến xem triển lãm "Tôi+: Ở đâu có yêu thương, ở đó có gia đình".
Triển lãm mang tên: "Tôi +: Ở đâu có yêu thương, ở đó có gia đình" được tổ chức bởi Trung tâm sáng Kiến sức khỏe và Dân số (CCIHP), Trung tâm Ánh sáng (LIGHT), Viện kinh tế xã hội và môi trường (ISEE), Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) và Rutger WPF thuộc Liên minh quyền tình dục tổ chức. Đồng thời triển lãm được sự cố vấn của nghệ sĩ Đỗ Tường Linh, Lê Hương Giang và Nguyễn Quang Vinh và nhiều tình nguyện viên là cộng đồng người khuyết tật, công nhân di cư, gia đình người sống chung với HIV, những người làm cha, mẹ đơn thân...
Triển lãm được mở cửa từ ngày 6/11 đến hết ngày 12/11 tại Bảo tàng Phụ Nữ.
Triển lãm mang tên: "Tôi +: Ở đâu có yêu thương, ở đó có gia đình" được mở cửa từ 6/11 đến hết ngày 12/11 tại Bảo tàng Phụ nữ, 36 Lý Thường Kiệt.
Với việc trưng bày những bức ảnh, kỉ vật một thời đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của các gia đình, triển lãm đã thu hút đông đảo người đến xem. Sự ấn tượng, thú vị của triển lãm không chỉ bởi đó là những mô hình gia đình "đặc biệt" mà nó còn mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Và thông điệp: "Ở đâu có yêu thương, ở đó có gia đình" không chỉ là tâm sự, mong muốn của những con người cả một đời "sống thầm lặng" mà còn là mong muốn của cả xã hội, cộng đồng về một cuộc sống tràn ngập tình yêu thương và sự cảm thông với nhau.
Hình ảnh một cái chậu cây đã bị bỏ không của một bà mẹ nuôi con đơn thân được trưng bày trong triển lãm.
Những bức vẽ nguệch ngoạc của đứa con thơ cũng là những kỉ niệm khó quên.
Một bức tranh vẽ chì mang nhiều tình cảm yêu thương, trân trọng.
Những con người kém may mắn, ít nhiều trong cuộc sống đã nhận được những ánh mắt không thiện cảm và những lời dị nghị của những người xunh quanh. Với việc kể lại câu chuyện của chính mình thông qua kỉ niệm, triển lãm như một lời "nhắc nhở" tất cả mọi người hãy mở rộng lòng mình hơn để nhìn nhận khái niệm "gia đình" ở nhiều khía cạnh khác nhau và gạt bỏ định kiến để những con người kém may mắn được "hòa nhập" một cách thực sự.
Câu chuyện về chiếc tất len vàng của con được đan từ chiếc dây thắt lưng rút ra từ áo mẹ vì nhà không còn tiền mua gì cả đã gây cảm động.
Chiếc cốc uống của cả gia đình cũng là kỉ niệm không bao giờ quên đối với mỗi thành viên.
Chiếc nồi gang nấu cơm cũng trở nên gắn bó.
Những viên thuốc chữa bệnh cũng được "trịnh trọng" đặt trong mâm cơm thể hiện sự gắn bó, thân thiết với gia đình.
Chiếc vòng 6 màu, biểu tượng của người đồng tính, song tính và chuyển giới mà em gái đã tặng tôi khi tôi công khai là người đồng tính (Câu chuyện của nhân vật).
Cuộc sống của những người khuyết tật được thể hiện qua chiếc xe lăn đặt cạnh chiếc giường.
Hình ảnh của một chiếc nôi cũ.
Đến bó hoa hồng đã mốc meo cũng có mặt thật thân thương tại triển lãm.
Phạm Oanh