Triển lãm "New Days" trưng bày hơn 30 tác phẩm hội họa, điêu khắc

Phương Nhung

(Dân trí) - Hôm nay (ngày 2/4), triển lãm mỹ thuật "New Days" đã chính thức được khai mạc tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).

Triển lãm trưng bày trên 30 tác phẩm hội họa và điêu khắc chọn lọc của 8 trong số hơn 1.000 nghệ sĩ Việt Nam. Triển lãm là sự kiện kỷ niệm 5 năm thành lập sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến Indochine Art (4/2018 - 4/2022). 

Triển lãm New Days trưng bày hơn 30 tác phẩm hội họa, điêu khắc - 1

Triển lãm mỹ thuật "New Days" thu hút sự chú ý của công chúng (Ảnh: Ban Tổ chức).

Các họa sĩ tham dự triển lãm bao gồm Lý Trực Sơn (1949), Trịnh Tuân (1961), Trần Lê Nam (1962), Đặng Tiến (1963), Trịnh Quốc Chiến (1966). Các nhà điêu khắc Đào Châu Hải (1955), Bùi Hải Sơn (1957) và Khổng Đỗ Tuyền (1974). Triển lãm sẽ diễn ra từ 2/4 đến 8/4.

8 nghệ sĩ nêu trên là những người có quá trình sáng tạo nghệ thuật lâu dài, được ghi nhận qua nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế, tác phẩm được sưu tập rộng rãi bởi các bảo tàng và sưu tập tư nhân.

Triển lãm phong phú trong chất liệu nghệ thuật, từ sơn mài, sơn dầu, tổng hợp, tới đá, sắt, inox, đồng, mica. Trên 30 tác phẩm là những lựa chọn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật mà 8 nghệ sĩ đã theo đuổi và tạo dựng tên tuổi trong vài thập kỷ.

Triển lãm New Days trưng bày hơn 30 tác phẩm hội họa, điêu khắc - 2

Không gian trưng bày tại triển lãm (Ảnh: Ban Tổ chức).

Đối với công chúng yêu nghệ thuật, sự đa dạng của triển lãm là điều có thể khẳng định trước và tên tuổi của 8 nghệ sĩ như một sự đảm bảo cho cơ hội thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chất lượng.

Sức hấp dẫn, đa dạng có thể là ấn tượng đến từ tranh phong cảnh sơn dầu trữ tình của Đặng Tiến, chủ đề Hà Nội biến ảo trong sơn mài của Trịnh Tuân, hoặc có thể tới từ các thử nghiệm mới nhất về chất màu trong tranh trừu tượng siêu hình của Lý Trực Sơn.

Cảm thức phương Đông đến từ tranh sơn mài phá cách của Trịnh Quốc Chiến, hội họa trừu tượng biểu hiện ào ạt của Trần Lê Nam đối thoại với các khối điêu khắc kim loại "dồn nén không lời" của Khổng Đỗ Tuyền.

Các sáng tác mới nhất về điêu khắc nghiên cứu biến tấu hình thể, trọng lực và ánh sáng trên chất liệu đá sa thạch, đá granite của Đào Châu Hải sẽ tương tác với các tác phẩm điêu khắc kim loại đồng, inox, kính hiện đại, tối giản của Bùi Hải Sơn.

Triển lãm "New Days" ngoài thời gian trưng bày trực tiếp sẽ tiếp tục trưng bày kéo dài 3 tháng dưới hình thức triển lãm online.

Tác phẩm "Vũ trụ" của họa sĩ Lý Trực Sơn (Ảnh: Ban Tổ chức).

Họa sĩ sơn mài Lý Trực Sơn từng giảng dạy nghệ thuật sơn mài tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từng có nhiều năm sáng tác nghệ thuật tại châu Âu.

Ông sáng tác trên nhiều chất liệu và đều ghi được dấu ấn riêng biệt. Tranh sơn mài của ông lấy đề tài và phong cách tạo hình mang đậm âm hưởng của nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Tác phẩm 022022 - điêu khắc gia Đào Châu Hải (Ảnh: Ban Tổ chức).

Đào Châu Hải là một trong những điêu khắc gia hàng đầu của Việt Nam. Ông từng trải qua các vị trí giảng dạy, quản lý mỹ thuật, hoạt động điêu khắc.

Ông là người tiên phong và có nhiều cách tân trong điêu khắc kim loại, truyền nhiều cảm hứng cho cả một thế hệ nghệ sĩ trẻ.

Tác phẩm "Phôi" - điêu khắc gia Bùi Hải Sơn (Ảnh: Ban Tổ chức).

Bùi Hải Sơn thuộc thế hệ nhà điêu khắc nổi bật của TPHCM. Ông từng giảng dạy nhiều năm tại Đại học Kiến trúc TPHCM, từng tham gia với tư cách nghệ sĩ, nhà tổ chức và giám khảo nhiều triển lãm mỹ thuật, workshop điêu khắc trong nước và quốc tế.

Nghệ thuật điêu khắc của Bùi Hải Sơn mang tính biểu tượng về sự sống, triết lý sáng thế, ngôn ngữ điêu khắc cô đọng, hiện đại. Tác phẩm của Bùi Hải Sơn được sưu tập tại một số bảo tàng mỹ thuật danh tiếng tại Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tác phẩm "Một chiều mây" - họa sĩ Trịnh Tuân (Ảnh: Ban Tổ chức).

Trịnh Tuân là nghệ sĩ được biết đến với nhiều vai trò nổi bật trong hoạt động nghệ thuật, ông giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp, là nhà tổ chức, giám tuyển một số triển lãm mỹ thuật quốc tế tên tuổi, người đồng sáng lập Asia Art Link (AAL - một tổ chức nghề nghiệp liên kết các nghệ sĩ quốc tế và khu vực).

Trên hết, Trịnh Tuân là một họa sĩ sơn mài được biết đến rộng rãi trong nước và khu vực.

Tác phẩm "Thân phận" - họa sĩ Trần Lê Nam (Ảnh: Ban Tổ chức).

Trần Lê Nam theo đuổi sáng tạo hội họa trừu tượng. Các tìm tòi sáng tạo của ông đều hướng đến mục đích tạo hình thể tinh giản độc đáo và biểu cảm trực tiếp.

Nghệ sĩ quan niệm sáng tạo là xóa bỏ hình thể bên ngoài, tìm hiểu và sắp xếp cấu trúc bên trong sự vật theo cảm nhận chủ quan.

Đặng Tiến hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng. Ngoài hoạt động sáng tác chuyên nghiệp, Đặng Tiến từng có nhiều năm làm việc với vai trò họa sĩ minh họa, thư ký tòa soạn báo Hải Phòng.

Nghệ thuật hội họa của Đặng Tiến nổi bật với thể loại tranh phong cảnh chất liệu sơn dầu. Ông từng nhận nhiều giải thưởng mỹ thuật trong nước.

Tác phẩm "Tiếng vọng" - họa sĩ Trịnh Quốc Chiến (Ảnh: Ban Tổ chức).

Trịnh Quốc Chiến là họa sĩ sơn mài từng tham dự nhiều triển lãm quan trọng trong nước và tại Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan. Ông được trao giải thưởng nghệ thuật Asian năm 1996, giải thưởng Freeman dành cho nghệ sĩ châu Á xuất sắc 1998-1999 tại Mỹ.

Tác phẩm của ông được lưu giữ trong nhiều bảo tàng, bộ sưu tập tại Nhật Bản, Canada, Australia và Mỹ. 

Tác phẩm "Sóng 221" - điêu khắc gia Khổng Đỗ Tuyền (Ảnh: Ban Tổ chức).

Khổng Đỗ Tuyền là điêu khắc gia nổi bật hiện nay. Ông giảng dạy điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tham gia liên tục các triển lãm chuyên đề điêu khắc, đồng tổ chức và giám tuyển một số triển lãm mỹ thuật trẻ.

Thành tựu nghệ thuật của Khổng Đỗ Tuyền được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam.