Triển lãm “khủng” của nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ

(Dân trí) - Ngày 10/5 vừa qua Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ Lê Đình Quỳ là “Nhà điêu khắc, thiết kế nhiều tượng đài về chủ đề chiến tranh cách mạng được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam nhất”.

Đồng thời với đó là “Triển lãm tranh - tượng chọn lọc của Lê Đình Quỳ” do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Nhà triển lãm 29 - Hàng Bài (từ 10/5 đến 17/5/2014).

Từ tác phẩm tượng đài đầu tiên được xây dựng từ kinh phí cá nhân (bức tượng đài Hoằng Phượng xây dựng ở Thanh Hóa, quê hương ông, ghi dấu ấn thảm họa lịch sử 162 người dân bị mãy bay B52 Mỹ dội bom), nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ đã xây dựng 17 tượng đài với chủ đề chiến tranh cách mạng từ Bắc chí Nam. Trong đó, nhiều tượng đài trở nên nổi tiếng như: Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), tượng đài Khát vọng Thống nhất (bên cầu Hiền Lương), cụm tượng Không quân Việt Nam (Sóc Sơn)…

Sau hơn nửa thập kỷ lao động và sáng tạo, Lê Đình Quỳ đạt được thành công trên nhiều lĩnh vực: Điêu khắc, hội họa, thiên văn học... Ông được đồng nghiệp trong giới nghệ thuật biết đến là người nghệ sĩ, nhà nghiên cứu giàu nhiệt huyết, trẻ trung, luôn tìm tòi sáng tạo bằng tất cả niềm đam mê. Hầu như ông không bó mình vào riêng một lĩnh vực nào. Gần đây, ông vừa xuất bản cuốn sách “Giả thuyết mới về hệ Mặt Trời” (Nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam- 2004) và cuốn “Mật mã vũ trụ” (Nhà xuất bản Công an Nhân dân) công bố những nghiên cứu kỳ công của ông trong lĩnh vực thiên văn học.

Triển lãm đang diễn ra trưng bày 70 tác phẩm hội họa trong số gần 500 tác phẩm hội họa của họa sĩ Lê Đình Quỳ cho thấy sự sáng tạo không ngừng của người nghệ sĩ đã ngoài tuổi thất tuần. Tại triển lãm, họa sĩ Lê Ngọc Hân, cựu giảng viên trường ĐH Mỹ Thuật Công nghiệp HN, bạn tâm giao từ thời còn là sinh viên của họa sĩ Lê Đình Quỳ nhận xét vui rằng ông là “Con người hiếm của sách Đỏ”.

Những tác phẩm hội họa trong triển lãm cho thấy sự đa dạng trong bút pháp và phong cách thể hiện của họa sĩ Lê Đình Quỳ. Ông không nghiêng về một một trường phái hội họa nào. Bên cạnh những tác phẩm với đường nét góc cạnh, dữ dội, màu sắc tương phản là những bức tranh mềm mại, tinh tế, nhẹ nhàng. Những họa tiết trong dòng tranh thiên về hình khối của ông khai thác từ sự phong phú của các yếu tố dân gian, lịch sử, thiên nhiên…

Theo họa sĩ Lê Đình Quỳ, triển lãm lần này của ông “mới là kết thúc một giai đoạn, đạt đến độ chín về nghệ thuật, về quan niệm”. Khi được phóng viên hỏi về những dự định trong tương lai sắp tới, họa sĩ đùa vui rằng, cái đó gọi là “âm mưu”, rằng “Năm năm nữa, lúc tôi 80 tuổi, tôi muốn có một cuộc triển lãm riêng gồm toàn bộ tác phẩm điêu khắc nghệ thuật. Lúc đó tranh là thứ yếu, điêu khắc là chủ yếu”. Và ông hi vọng “trong tương lai gần Việt Nam sẽ công bố với thế giới nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam, để nước ta có tiếng nói mới trong nghệ thuật tạo hình.”

Cùng nhìn lại một số tác phẩm trong triển lãm của nhà điêu khắc - họa sĩ Lê Đình Quỳ:

“Thời hồng hoang”

“Thời hồng hoang”

“Bí ẩn sự sống”

“Bí ẩn sự sống”

“Rừng kêu cứu”

“Rừng kêu cứu”

“Tuổi mộng mơ”

“Tuổi mộng mơ”

“Cá đại dương”

“Cá đại dương”

“Cá ngựa”

“Cá ngựa”

“Lão quân Hoằng Trường”

“Lão quân Hoằng Trường”

“Những cô gái Nam Ngạn Hàm Rồng”

“Những cô gái Nam Ngạn Hàm Rồng”

“Chim thiên đường”

“Chim thiên đường”

“Chân dung Likeness Simon – Bolivar (1783 – 1830)

“Chân dung Likeness Simon – Bolivar (1783 – 1830)

“Chân dung Likeness Steve Jobs (1955-2011)

“Chân dung Likeness Steve Jobs (1955-2011)

 
Hải Anh