Triển lãm "Chút tình gửi phố": Khi người Sài Gòn vẽ Hà Nội phố

Phúc Anh

(Dân trí) - Ngắm tranh của họa sỹ Hoàng Phong, người ta thấy một Thủ đô sống động, chạm được từng ánh nắng, hòa vào âm thanh, thưởng thức được hương vị của Hà Nội mùa Thu.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023), Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức triển lãm tranh "Chút tình gửi phố".

Triển lãm mang đến 54 bức tranh khắc họa cảnh quan đô thị Hà Nội của Hoàng Phong, kéo dài từ ngày 10 đến 29/10 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Triển lãm Chút tình gửi phố: Khi người Sài Gòn vẽ Hà Nội phố - 1

Họa sỹ Hoàng Long chụp ảnh cùng khách mời tại buổi khai mạc triển lãm tại Hà Nội (Ảnh: Ban tổ chức).

Khi người Sài Gòn vẽ Hà Nội phố

Họa sĩ Hoàng Phong sinh năm 1987, tại TPHCM. Anh là hội viên Hội mỹ thuật TPHCM, thành viên Hiệp hội màu nước quốc tế IWWS. Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã theo con đường mỹ thuật, hội họa được 13 năm.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố mang tên Bác, họa sĩ Hoàng Phong đem lòng yêu Hà Nội sau một chuyến đi công tác vào năm 2017. Dẫu đến với Hà Nội không phải để vẽ, nhưng Hoàng Phong lại rời Hà Nội với một tình yêu hết sức chân thành, để rồi gửi gắm tình cảm ấy lên toan, lên màu.

"Tôi yêu từng góc phố, con đường, lối sống, sinh hoạt gần gũi gắn liền với những hình ảnh xưa cũ vẫn còn được lưu giữ rõ rệt. Đặc biệt, tôi mê mẩn với kiến trúc Hà thành, các tòa nhà, căn biệt thự trên phố cổ…

Hay cái không khí sáng sớm tinh mơ, hoặc sau 22h, phố phường tĩnh lặng và thật thanh bình. Tình yêu lớn đến nỗi không thể diễn tả bằng lời nên tôi xin phép dùng cái nhìn của người miền Nam để vẽ lại, lưu giữ chút tình với phố", họa sĩ chia sẻ.

Với Hoàng Phong, chính tình yêu từ những thứ bình dị nhất đã tiếp thêm động lực để anh đều đặn bay ra Hà Nội hàng năm. Vì vậy, anh có cơ hội cảm nhận trọn vẹn không khí của Thủ đô thay đổi rõ rệt qua 4 mùa, cũng như chiêm ngưỡng 12 mùa đặc trưng.

"Chút tình gửi phố" qua từng nét vẽ đầy cảm xúc

Các tác phẩm họa sĩ Hoàng Phong sáng tác với chất liệu chủ đạo là màu nước. Anh cho biết, đặc trưng của chất liệu này là nhanh khô, giúp người họa sĩ bắt lấy cảm xúc của mình nhanh chóng mà không phải chờ đợi. Tuy vậy, đây cũng là chính là yếu tố gây trở ngại trong quá trình sáng tác bởi tính chất "bút sa gà chết". 

Triển lãm Chút tình gửi phố: Khi người Sài Gòn vẽ Hà Nội phố - 2
Triển lãm mang đến 54 bức tranh khắc họa cảnh quan đô thị Hà Nội của Hoàng Phong, kéo dài từ ngày 10 đến 29/10 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (Ảnh: Ban tổ chức).

Người họa sĩ cần tính toán trước khi vẽ nếu không sẽ tốn rất nhiều thời gian, có những bức tranh dự định gần nửa năm mới bắt tay vào chấp bút vẽ.

"Thay vì chỉ nhìn thấy Hà Nội qua sách, phim ảnh, tôi dùng trải nghiệm thực của bản thân để thổi hồn vào từng tác phẩm Hà Nội. Tôi say mê Hà Nội từ những điều bình dị hay cuộc sống thường nhật. Ngoài ra, Hà Nội còn mang đậm dấu ấn thời Pháp thuộc được thể hiện rõ nét qua đặc trưng kiến trúc trường học, biệt thự tư nhân cho đến bảo tàng, các cơ quan nhà nước…", nam họa sĩ cho biết.

Các bức tranh của họa sĩ người Sài Gòn có bố cục chặt chẽ, cách phối màu hay từng bối cảnh, chi tiết đều thể hiện tinh thần về Hà Nội mà anh muốn truyền tải.

Theo họa sĩ, để tạo ra cái thần trong tranh cần nhiều yếu tố, nhưng quan trọng hơn vẫn là rung động thật của người nghệ sĩ với thứ mình đang vẽ. Cứ trung thực với bản thân, sự độc đáo của tác phẩm sẽ tự khắc được diễn tả.

Ngắm tranh của anh, người ta thấy một Thủ đô sống động, chạm được từng ánh nắng, hòa vào âm thanh, thưởng thức được hương vị của Hà Nội mùa thu. Các bức tranh trong triển lãm đặc tả khung cảnh phố phường Hà Nội, từ những trải nghiệm, góc nhìn và cảm xúc của tác giả qua nhiều năm khác nhau. 

Triển lãm Chút tình gửi phố: Khi người Sài Gòn vẽ Hà Nội phố - 3
Đến với triển lãm, người yêu nghệ thuật sẽ nhận ra một điều khác biệt, đó là các bức tranh đều không tên, không mô tả (Ảnh: Ban tổ chức).

Sự hòa quyện giữa những đường nét kiến trúc Pháp cổ và nhịp sống hiện đại hàng ngày tạo nên những góc Hà Nội quyến rũ và đầy chất thơ, khiến bất cứ ai xem tranh của Phong đều sẽ nhận ra những góc rất quen của mình nơi "kinh thành Thăng Long". 

Đây ngã tư Hàng Đường, nhà cổ 90 Kim Mã, kia Nhà Thờ Lớn, Ô Quan Chưởng, Bảo tàng lịch sử… hay đơn giản là một quán ăn sáng, một gánh hàng rong trên phố vốn đã quá đỗi thân thương, vốn đã trở thành Hà Nội trong trái tim của nhiều người.

Chị Hoài An, một người Hà Nội đam mê nghệ thuật đến với triển lãm chia sẻ: "Hình ảnh Hà Nội từ góc phố nhỏ đến những công trình, kiến trúc đặc trưng của Hà Nội thể hiện thật sinh động qua những nét cọ của họa sĩ. Triển lãm như một tour du lịch nhỏ qua 36 phố phường Hà Nội vậy. Thật vui vì có một triển lãm ý nghĩa về Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô".