Trẻ em ngày càng chìm đắm vào mạng ảo
(Dân trí) - “Các em nhỏ bây giờ sống rất lạnh lùng. Nhiều em chìm đắm quá sâu vào mạng ảo, đưa tất cả tâm trí và tình cảm vào mạng ảo. Thậm chí, nhớ ngày sinh nhật của bạn trên mạng nhưng quên ngày sinh nhật của mẹ”, nhà văn Phương Liên thể hiện sự lo ngại.
“Máy móc không thể thay thế được tâm hồn con người”
Tại buổi “Tọa đàm trao đổi Kinh nghiệm sáng tác cho thiếu nhi với các nhà văn và cuộc vận động sáng tác năm 2013-2015” mới đây tại Hà Nội, rất nhiều nhà thơ, nhà văn thể hiện sự quan tâm, lo lắng trước lối sống ảo, ngày càng vô cảm trong giới trẻ.
Nhà văn Phương Liên, nguyên Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi Việt Nam cho rằng các em nhỏ bây giờ sống rất lạnh lùng, ngay cả với bố mẹ, anh em, bạn bè. Các em chìm đắm quá sâu vào mạng ảo và đưa tất cả tâm trí, tình cảm vào mạng ảo nên sống rất khép mình trong cuộc sống thực.
Giới trẻ ngày càng chìm đắm vào thế giới ảo (Ảnh minh họa)
“Có em nhỏ rất nhớ ngày sinh nhật của bạn trên mạng xã hội, gửi lời chúc mừng sinh nhật trong khi quên ngày sinh nhật của mẹ”, nhà văn Phương Liên cho biết.
Ông Nguyễn Huy Thắng - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ, có lần ông đến thăm nhà người bạn. Cô con gái học trường Quốc tế ăn cơm không mời ai, ăn xong thì “tót” lên gác, không dọn dẹp bát đũa. Lúc đi qua phòng của cô con gái anh bạn thấy dòng chữ tiếng Anh, dịch ra là: “Không làm phiền, không được vào khi không được phép”.
“Trẻ em bây giờ đi học về là vào phòng riêng, không giao tiếp với ai, bố mẹ cũng không biết con đang làm gì. Hay, tôi ra quán cà phê thấy một nhóm bạn trẻ nhìn tưởng gắn bó thân thiết nhưng kỳ thực, ai cũng chăm chăm nhìn và sử dụng điện thoại của người đó. Không chỉ riêng ở Việt Nam đâu, tình trạng phụ thuộc máy móc này trên thế giới cũng nhiều”, ông Thắng nói.
Bà Lê Thị Dắt - Giám đốc Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch cũng khẳng định rằng: Trong cuộc sống ngày nay có nhiều điều tốt đẹp nhưng bên cạnh đó cũng có những điều mà xã hội đang còn nặng lòng với những người sống bàng quan với xã hội, vô trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, đó là một lối sống ích kỉ…
Vận động “Gõ cửa trái tim”
Lo ngại trước tình trạng ngày càng sống vô cảm của trong giới trẻ nhưng ông Nguyễn Huy Thắng cũng khẳng định:“Máy móc không thể thay thế được thế giới tâm hồn con người.” Ông cho rằng muốn giải quyết vấn đề vô cảm đang tồn tại trong xã hội thì chúng ta phải quan tâm đến các em nhiều hơn, bồi dưỡng các em bằng những giá trị tình cảm, tinh thần quý giá.
“Chúng ta cần quan tâm vun xới cái tốt cái đẹp trong tâm hồn các bé nhiều hơn để sau này lớn lên trái tim các em rộng mở, bao dung”, nhà thơ Hường Lý bày tỏ quan điểm đồng tình.
Bà Lê Thị Dắt - Giám đốc Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch thể hiện sự lo ngại trước lối sống ngày càng ích kỷ, vô cảm trong giới trẻ tại nhiều buổi tọa đàm văn học trong tháng 5/2014 tại Hà Nội và TPHCM
Với mong muốn có nhiều sách hay, sách tốt cho trẻ em, bà Lê Thị Dắt cho biết Hội Nhà văn Đan Mạch và Nhà xuất bản Kim Đồng đã phối hợp tổ chức Cuộc vận động sáng tác năm 2013-2015. Hai chủ đề của cuộc vận động sáng tác là Gõ cửa trái tim ở thể loại văn xuôi dành cho lứa tuổi 10-14 và Ngày tôi gặp… ở thể loại tranh truyện dành cho lứa tuổi 3-6.
“Năm nay, với đề tài Gõ cửa trái tim, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp: hãy mở rộng trái tim và sống nhân ái, tình nghĩa hơn, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, nuôi dưỡng các em thành những công dân tốt, có tâm hồn trong sáng, lành mạnh, gắn bó với xã hội. Đằng sau tình yêu thương ông bà, cha mẹ, gia đình chính là tình yêu tổ quốc. Tình yêu đất nước bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Chúng tôi xin trân trọng mời gọi các anh chị hãy viết cho Dự án để chúng ta có thật nhiều sách hay cho các em”, bài Lê Thị Dắt chia sẻ.
Bà Lê Thị Dắt cũng thừa nhận, văn học thiếu nhi hiện nay khó khăn hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước bởi vì ngay bản thân tác giả có nhiều việc để làm và bản thân các tác giả cũng không sống bằng nghề văn, nghề viết cho nên số lượng tác phẩm chưa nhiều. Ngoài ra, sự cạnh tranh của thế giới ảo, mạng xã hội… khiến văn hóa đọc ngày càng bị thu hẹp.
Nguyễn Hằng