Trẩy hội ở ngôi đền hợp lưu giữa hai con sông

(Dân trí) - Từ ngày 27, 28-29/2/2016 (20, 21-22 tháng Giêng năm Bính Thân 2016) đồng bào các dân tộc huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) đã nô nức cùng nhau khai hội Đền Vạn - Cửa Rào. Ngôi đền hợp lưu giữa hai con sông Nậm Mộ và Nậm Nơn.

Đánh trống khai hội.
Đánh trống khai hội.

Đây là một Lễ hội văn hóa truyền thống được tổ chức tại Di tích lịch sử văn hóa Đền Vạn - Cửa Rào thuộc xã Xá Lượng, huyện miền núi cao Tương Dương (Nghệ An). Nơi đây được thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài (SN 1280) và các tướng sỹ thời Trần đầu thế kỷ XIV phụng mệnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông dẹp giặc Ai Lao quấy nhiễu bờ cõi Tây Nam, đã tử trận tại đây.

Lễ hội diễn ra trong hai ngày từ 27, 28-29/2/2016 (20, 21 và 22 tháng Giêng Nhâm Thìn) với sự tham gia của đồng bào các dân tộc đến từ 18 đơn vị xã thị trấn trong huyện cùng với đông đảo du khách trong và ngoài huyện với những nghi lễ mang tính tâm linh và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao truyền thống sôi nổi nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử như: Lễ yết cáo, Lễ Đại tế tại đền, thi ẩm thực, giao lưu văn nghệ, thi bắn nỏ, đẩy gậy, ném còn, thi viết chữ Thái hệ Lai Pao, thi Người đẹp Đền Vạn - Cửa Rào.

Đặc biệt, nhằm từng bước nâng cao lễ hội thành điểm đến mang tầm vùng miền khu vực miền núi Tây nam xứ Nghệ, Ban tổ chức Lễ hội chính thức tổ chức Đêm hội hoa đăng ngay trên dòng Nậm Mộ dưới chân rú Đền - nơi có ngôi đền thiêng Đền Vạn - Cửa Rào - vào đêm kết thúc Lễ hội...

Các đại biểu tham dự lễ hội.
Các đại biểu tham dự lễ hội.

Đền Vạn là là một công trình kiến trúc được nhân dân xây dựng lên để thờ các vị thần có công với dân với nước. Bên cạnh đó, đền Vạn cũng là vùng đất ghi dấu chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với quá trình dựng nước và bảo vệ bờ cõi của dân tộc.

Trong các triều đại phong kiến, khu vực đền Vạn là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt, nơi đây được xem là địa bàn xung yếu với vị trí đắc địa là ngã ba sông. Nên ở đây giai đoạn nào cũng là địa điểm chiến lược và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong mọi giai đoạn lịch sử: Thời Lý với chiến công của Lý Nhật Quang mở ra con đường lên sát biên giới Việt Lào (tiền thân của con đường quốc lộ 7 ngày nay) để đánh tan quân Ai Lao giữ yên vùng biên giới.

Bước sang thời Trần, để bảo vệ bờ cõi nước Nam, Đoàn Nhữ Hài - một tướng giỏi của nhà Trần thân chinh đi đánh giặc Ai Lao (giặc Xá) đã hy sinh tại đây. Đến thời Lê, Tương Dương nói chung và Cửa Rào nói riêng là nơi giao chiến cũng như là nơi mà nghĩa quân Lam Sơn lập căn cứ vùng thượng đạo, trong giai đoạn kháng chiến chống quân Minh.

Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu vực Cửa Rào và Đền trở thành nơi trú ẩn của nhân dân và bộ đội địa phương, bên cạnh đó Đền cũng là nơi cất giấu vũ khí, lương thực góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc.

Qua các đợt khai quật tại di tích Cửa Rào năm 1985 và năm 1990. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều hiện vật như: Rìu đồng, dao găm, chuông đồng, vòng trang sức thủy tinh, chì lưới bằng đất nung… Điều đó đã chứng minh ở đây từng là nơi mà người xưa sinh sống, giúp cho các nhà khảo cổ học có điều kiện nghiên cứu về một giai đoạn phát triển của người Việt cổ. Bên cạnh đó qua các tầng văn hóa và hiện vật còn lại khẳng định thêm nguồn gốc cũng như tính chất văn hóa lâu đời của mảnh đất Tương Dương xưa, đồng thời tăng thêm niềm tự hào về quê hương đất nước.

Đền Vạn không chỉ là nơi gặp gỡ tăng thêm sự kết cộng đồng, cũng như để tỏ lòng biết ơn tới các vị thần có công với đất nước thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và cũng là nơi diễn ra các hoạt động nghi lễ thờ cúng, lễ hội…

Đền Vạn là một di tích đẹp lại tọa lạc trên một địa thế hùng vĩ. Đền nằm trên một ngọn đồi giữa hai dòng sông Nậm Nơn và Nậm Mộ, phía trước là dòng sông Lam như dải lụa đào, xung quanh bao phủ là núi non trùng điệp tạo cho nơi đây trở thành một danh thắng đẹp có sự hài hòa giữa thiên tạo và nhân tạo.

Với một bức tranh đầy sắc màu của núi rừng miền Tây xứ Nghệ với hình ảnh núi sông thơ mộng hòa quyện với tập quán mang tính bản địa của dân tộc anh em. Di tích lịch sử văn hóa - danh thắng Cửa Rào đã để lại biết bao ấn tượng cho từng du khách, mỗi khi đến đây vãn cảnh đền.

Dưới đây là những hình ảnh khai hội Đền Vạn - Cửa Rào năm 2016 do PV Dân trí ghi lại:

Đoàn rước vào đền chủ yếu là các em học sinh.
Đoàn rước vào đền chủ yếu là các em học sinh.

Trẩy hội ở ngôi đền hợp lưu giữa hai con sông - 4
Trẩy hội ở ngôi đền hợp lưu giữa hai con sông - 5
Kiệu được rước vào đền trong không khí trang nghiêm.
Kiệu được rước vào đền trong không khí trang nghiêm.

Trẩy hội ở ngôi đền hợp lưu giữa hai con sông - 7
Thầy chủ tế đọc những tâm tư nguyện vọng và khấn nguyện lên đấng linh thiêng cầu cho mọi người con của Tương Dương được bình an cho năm mới.
Thầy chủ tế đọc những tâm tư nguyện vọng và khấn nguyện lên đấng linh thiêng cầu cho mọi người con của Tương Dương được bình an cho năm mới.

Hàng ngàn người có mặt tại Đền Vạn - Cửa Rào để cầu bình an cho năm mới.
Hàng ngàn người có mặt tại Đền Vạn - Cửa Rào để cầu bình an cho năm mới.

Trẩy hội ở ngôi đền hợp lưu giữa hai con sông - 10

Trò chơi xít đu thu hút các cô gái Mông.
Trò chơi xít đu thu hút các cô gái Mông.

Những phụ nữ Thái trong bộ trang phục đẹp nhất cho Lễ hội.
Những phụ nữ Thái trong bộ trang phục đẹp nhất cho Lễ hội.

Phụ nữ Mông từ các bản làng xa xôi có mặt tại lễ hội trong bộ trang phục đẹp nhất.
Phụ nữ Mông từ các bản làng xa xôi có mặt tại lễ hội trong bộ trang phục đẹp nhất.

Dịp này phụ nữ các bản làng của Tương Dương sắm cho mình một bộ thổ cẩm đẹp.
Dịp này phụ nữ các bản làng của Tương Dương sắm cho mình một bộ thổ cẩm đẹp.

Các đồ truyền thống của bản làng được trưng bày giới thiệu tại lễ hội.
Các đồ truyền thống của bản làng được trưng bày giới thiệu tại lễ hội.

Đông đảo người dân, du khách về dự lễ đền Vạn - Cửa Rào 2016.
Đông đảo người dân, du khách về dự lễ đền Vạn - Cửa Rào 2016.

Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm