(Dân trí) - Một nhóm các nhà sưu tập cổ vật tại TPHCM đã tìm thấy bức sắc phong của vua Duy Tân được viết vào năm 1910 ban cho đình Hòa Thuận ở Bình Thuận.
Trên hành trình sưu tập gốm cổ chuyên về dòng gốm mỹ thuật Biên Hòa, 10 thành viên trẻ tuổi của nhóm Tâm Phát đã tìm thấy các bản sắc phong bị thất lạc từ triều Lê đến triều Nguyễn và trả lại cho các đình miếu thờ các vị thần. 10 thành viên của nhóm có công việc khác nhau nhưng cùng đam mê và hoài bão. Đại diện nhóm, anh Trần Hiển Anh (27 tuổi) chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi chỉ có 3 người chơi cổ vật. Cơ duyên đưa đẩy nhóm đến với sắc phong khá tình cờ”.
Sắc phong đầu tiên nhóm trao trả là sắc phong cho Quan Thánh Đế Quân tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Lần đó, nhóm gặp không ít khó khăn để tìm kiếm và đưa về đúng miếu Quan Thánh. Đến nay, nhóm đã tìm được và trao trả hơn 30 sắc phong về các đình làng, miếu bị thất lạc sắc thần ở Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận.
Gần đây nhất, bức sắc phong của vua Duy Tân viết vào năm 1910 là sắc phong thứ 3 mà các anh tìm được và chuẩn bị trao trả đình làng Hòa Thuận ở thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận (nhóm đã trao trả 2 bức trước đó).
Anh Trần Hiển Anh và bức sắc phong sắp được trao trả về tỉnh Bình Thuận
Bức sắc phong này được viết vào năm 1910 (Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật - ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3)
Việc tìm thấy sắc phong vốn đã gian nan mà thuyết phục người đang cất giữ để “xin lại” cũng không dễ dàng. Các anh phải chứng tỏ mình rất trân trọng những bản sắc phong này, cam kết đem về sẽ thờ cúng đúng lễ và nhiều lý lẽ thuyết phục khác thì người giữ sắc mới đồng ý cho các anh “thỉnh” về sau khi chuộc bằng một món tiền hoặc trao đổi bằng cổ vật.
Để phân biệt sắc phong thật - giả, anh Võ Kim Long, thành viên của nhóm giải thích: “Chúng tôi có cách giám định riêng của mình để nhận biết sắc phong thật, giả, bản sao chép… Mặt khác, chính các vị quản lý đình miếu có thể cùng tham gia giám định. Một số nơi còn lưu giữ ảnh chụp bản sắc phong trước khi thất lạc giúp ích rất nhiều cho việc đối chiếu”.
Tìm đúng địa danh để trao trả sắc phong cũng là công việc gian nan, vất vả. Hầu như tất cả sắc phong đều được viết bằng chữ Hán Nôm. Để dịch sắc được chính xác, nhóm phải kết hợp nhiều phương thức từ tra cứu trên internet, tự điển Hán Nôm và tham khảo ý kiến các chuyên gia nghiên cứu Hán Nôm khác.
Trao trả sắc phong tại xã Nhuệ Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội (ảnh tư liệu)
Xã Hậu Lộc, huyện Thành Lộc tỉnh Thanh Hóa long trọng đón nhận sắc phong được nhóm Tâm Phát trao trả (ảnh tư liệu)
Những tên đất, tên làng có được sau khi đọc-dịch cũng là địa danh ngày xưa, qua nhiều biến cố lịch sử, các đình làng, miếu, các địa danh trong sắc cũng thay đổi. “Nhiều địa danh đổi tên do chế độ Pháp, chế độ cũ, tách và sáp nhập các địa phương nên việc truy tìm địa danh gốc gặp nhiều khó khăn. Nếu may mắn sẽ có được vài địa danh vẫn giữ nguyên không thay đổi” - anh Hiển Anh cho biết.
Ngoài ra, mỗi triều đại, mỗi đời vua cùng phong thần cho một vị nhưng tại nhiều địa phương khác nhau nên phải xác định thật kỹ đích danh địa phương đó. Vì vậy, nhóm phải tận dụng mối quan hệ với các bô lão tại địa phương và liên hệ chính quyền sở tại để tìm đúng nơi trao trả sắc.
Tiếp đến, công tác liên lạc với địa phương để trao trả cũng không đơn giản: “Mặc dù chúng tôi cam kết không nhận bất cứ tiền bạc, vật chất có giá trị của địa phương nhưng họ thường hỏi han rất kỹ mục đích công việc của chúng tôi rồi mới đồng ý để chúng tôi trao trả” - anh Hiển Anh bộc bạch.
Tuy vậy, các thành viên nhóm Tâm Phát vẫn không nản lòng. Nhóm vẫn an ủi nhau rằng, đã làm việc thiện, việc nghĩa thì không sợ gì cả. Anh Quang, một trong những thành viên lớn tuổi nhất của nhóm tin tưởng: “Rồi từ từ người ta cũng hiểu và ủng hộ mình thôi”. Vì vậy, dù biết công việc đang theo đuổi là mò kim đáy bể nhưng các nhà sưu tập trẻ vẫn lặng thầm tìm kiếm và trả lại những di vật quý giá vốn thuộc về các ngôi đình, ngôi miếu của Việt Nam.