Tranh luận quanh phim truyền hình Việt gây sốt!

Nhiều tranh luận trái chiều quanh hai bộ phim truyền hình Việt gây sốt thời gian qua là "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng". Cả hai phim đều do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất.

Phim "Người phán xử" được chuyển thể kịch bản của Israel, mô tả về thế giới xã hội đen ở Việt Nam. Nhân vật Phan Quân là ông trùm giang hồ vùng biên, được mệnh danh "người phán xử", chuyên xét xử, dàn xếp những vụ mâu thuẫn tiền bạc, tình ái, ân oán của thế giới ngầm. Xung quanh Phan Quân ngoài công việc làm ăn, những quyết định "máu lạnh", là mối quan hệ gia đình, các con. "Người phán xử" quy tụ dàn diễn viên gạo cội, nhiều tình tiết cài cắm câu chuyện về đại án Năm Cam trước đây.

Phim tạo được sự chú ý ngay từ khi lên sóng và vẫn tiếp tục sức nóng của mình xuyên suốt các tập sau. Đây là điều không dễ trong tình trạng phim truyền hình thiếu vắng các tác phẩm ấn tượng, khán giả không thích xem. "Người phán xử" tạo dư luận hai chiều, một bên khen ngợi câu chuyện tốt, diễn xuất hay của những diễn viên gạo cội còn một bên vẫn đưa ra những lời nhận xét tiêu cực. Họ chỉ trích các cảnh được cho bạo lực của phim như chặt ngón tay hoặc đánh đấm mạnh bạo khác.


Phim Người phán xử tạo chú ý về đề tài hấp dẫn

Phim "Người phán xử" tạo chú ý về đề tài hấp dẫn

Một số bình luận viết: "Phim Việt bây giờ đang thu hút khán giả bằng cách bắt chước phim hành động Mỹ trong các cảnh bạo lực, đầy máu me. Có thể khán giả sẽ xem nhiều hơn, nhưng đổi lại sẽ khiến một bộ phận khán giả bị kích động và làm theo những gì trên phim. Nên chăng, chúng ta nên có cảnh báo khán giả cân nhắc trước khi xem ở đầu phim"; "Những cảnh bạo lực như vậy tại sao lại đuợc chiếu trên phim truyền hình làm ảnh huởng đến thế hệ con trẻ, theo tôi thì bộ văn hoá phải có ý kiến chỉ đạo để lần sau không có những phim kiểu xã hội đen như này trên truyền hình"; "Phim phản ánh chân thực nhất của thế giới ngầm xã hội đen tại sao các bạn lại bảo là bắt chước phim Mỹ trong khi đó ngày nào thời sự và báo đài cũng đưa tin giết người đánh nhau ầm ầm"; "Cái này xã hội bên ngoài là thực tế chứ chẳng phải phim nó làm quá đâu. Ngoài đời nó còn quá phim cơ ạ. Phim còn chưa có câu chửi thề nào đấy!"...

Tranh luận quanh phim truyền hình Việt gây sốt! - 2

Một phim truyền hình khác được chú ý nhiều là "Sống chung với mẹ chồng". Đề tài này không mới nhưng hấp dẫn nhờ khai thác mạnh những mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu dưới cùng mái nhà. Nó đánh trúng tâm lý số đông gồm cả những phụ nữ có chồng và chưa chồng. Phim có tập 1 đạt hơn 4 triệu lượt xem trên YouTube kèm hơn 2.000 bình luận dù chỉ mới đưa lên cách đây 5 ngày, con số lớn so với phim truyền hình Việt lâu nay. Những tập sau này cũng hơn 3 triệu lượt xem và không ngừng tăng lên.

"Sống chung với mẹ chồng" tạo tranh luận trái chiều hơn hẳn "Người phán xử". Một số chỉ trích phim làm quá mâu thuẫn mẹ chồng và nàng dâu đến mức thiếu thực tế, cường điệu như vậy sẽ tác động xấu đến xã hội. Một số cho rằng đây là phim và khán giả hiện nay cũng không "ngây thơ" đến mức xem phim là đời thật hoàn toàn.


Còn Sống chung với mẹ chồng gây sốt vì chủ đề thiết thực

Còn "Sống chung với mẹ chồng" gây sốt vì chủ đề thiết thực

Tranh luận quanh phim truyền hình Việt gây sốt! - 4

Các bình luận viết: "Trước khi cưới mẹ chồng mình cũng nói những câu y vậy. Sau khi cưới, bà còn nói nhiều câu "ác liệt" hơn. Phim này gây sốt phải rồi, đúng như ngoài đời. Mong là các bà mẹ chồng coi xong thì suy nghĩ lại cách cư xử của mình với con dâu, đừng coi xong cười người ta đó mà không biết mình cũng y như vậy"; "Có trên thực tế nhưng không đại diện cho số đông, câu thoại hơi cũ!"; "Xem xong phim này mấy cô gái hết dám lấy chồng luôn!"; "Bộ phim này thật sự quá nguy hiểm vô hình chung tạo những ấn tượng không tốt về mẹ chồng nàng dâu, và tạo những rào cản vô hình giữa mẹ chồng nàng dâu mà những định kiến những ác cảm của nàng dâu với mẹ chồng!"...

Dù có tranh luận trái chiều nhưng rõ ràng hai phim trên đã tạo được sức hút riêng và cũng làm nóng lên thị trường phim truyền hình vốn yên ắng lâu nay. VFC thời gian qua có rất nhiều phim tạo được sự chú ý này như "Zippo, mù tạt và em", "Tuổi thanh xuân"... nó đánh trúng thị hiếu khán giả bằng những chủ đề hợp thời, dàn diễn viên có nghề, lột tả được tính cách nhân vật. Dù kịch bản đôi lúc vẫn còn kiểu "đầu voi, đuôi chuột" nhưng tạo được dư luận ban đầu đã là điểm sáng đáng khen ngợi cho các tác phẩm phim truyền hình này.

Theo Minh Khuê
Người Lao Động