Tranh khỏa thân khắc họa nam giới và nữ giới cần phải cân bằng số lượng?

(Dân trí) - Trong lịch sử hội họa, phụ nữ được khắc họa khỏa thân nhiều hơn nam giới, vì rất nhiều lý do, trong đó có một lý do thuộc về vẻ đẹp tạo hóa, bởi tạo hóa vốn trao cho người phụ nữ nhiều đường cong gợi cảm và nên thơ.

Viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh vừa kỷ niệm 250 năm thành lập và tuyên bố sẽ mở triển lãm tranh về đề tài khỏa thân thời kỳ hội họa Phục hưng trong năm 2019.

Thời kỳ Phục hưng có rất nhiều tác phẩm khắc họa vẻ đẹp cơ thể con người đã trở thành tuyệt phẩm trong lịch sử hội họa, các tác phẩm được thực hiện bởi những bậc thầy như Titian, Raphael, Michelangelo, Leonardo da Vinci, Dürer...

Các tác phẩm này sẽ được Viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh đem trưng bày trong thời gian tới nhưng với một định hướng khá đặc biệt, rằng số lượng tranh khỏa thân khắc họa nhân vật nữ sẽ phải cân bằng về số lượng so với tranh khắc họa nhân vật nam.

Bức “Thánh Sebastian” được vẽ bởi họa sĩ Ý Agnolo Bronzino vào năm 1533.
Bức “Thánh Sebastian” được vẽ bởi họa sĩ Ý Agnolo Bronzino vào năm 1533.

Điều này đã được chính Viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh tuyên bố với báo chí Anh, nguyên nhân là bởi họ muốn phản ánh đời sống nghệ thuật đương đại giữa bối cảnh bình quyền nam nữ đang trở thành đề tài được quan tâm trong đời sống nghệ thuật.

Giám đốc triển lãm Tim Marlow đã khẳng định về quyết định của Viện và cho hay rằng các chuyên gia đều hứng thú với việc tìm ra được sự cân bằng về mặt số lượng giữa tranh khắc họa nam và nữ khỏa thân.

Kể từ khi kế hoạch triển lãm này được lên ý tưởng từ gần 3 năm trước, đời sống văn hóa nghệ thuật quốc tế đã thay đổi rất nhiều, bao gồm các lĩnh vực như truyền hình, sân khấu, điện ảnh… đều phải có những biến đổi, điều chỉnh trong cách thức hoạt động để đảm bảo về sự bình đẳng nam nữ.

Bức “Adam và Eva” được vẽ bởi họa sĩ Đức Lucas Cranach vào năm 1528.
Bức “Adam và Eva” được vẽ bởi họa sĩ Đức Lucas Cranach vào năm 1528.

Ông Tim Marlow thừa nhận rằng trong lịch sử hội họa, phụ nữ được khắc họa khỏa thân nhiều hơn nam giới, vì rất nhiều lý do, trong đó có một lý do thuộc về vẻ đẹp tạo hóa, bởi tạo hóa vốn trao cho người phụ nữ nhiều đường cong gợi cảm và nên thơ.

Nhưng đồng thời, qua nhiều lần triển lãm tranh khỏa thân ở nhiều quốc gia trên thế giới, các tổ chức bênh vực cho quyền của phụ nữ cũng đã lên tiếng bày tỏ sự không đồng tình khi vẻ đẹp cơ thể của hai giới đều ấn tượng với những sắc thái đa dạng, nhưng dường như phụ nữ lại sở hữu số lượng tranh khỏa thân quá nhiều và cứ bước vào triển lãm tranh khỏa thân thì mặc định đa phần là tranh khắc họa nữ giới.

Điều này đặt trong bối cảnh hiện tại đã không khỏi khiến cho những nhà quản lý triển lãm - bảo tàng phải suy nghĩ. Động thái mà Viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh đưa ra được xem là thay đổi đầu tiên chính thức xuất hiện trong giới triển lãm - bảo tàng để hưởng ứng sự bình đẳng nam nữ trong nghệ thuật.

Bức “Venus” được thực hiện vào khoảng năm 1520 bởi danh họa Ý Titian.
Bức “Venus” được thực hiện vào khoảng năm 1520 bởi danh họa Ý Titian.

Viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh.
Viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh.

Triển lãm tranh khỏa thân thời kỳ Phục hưng do Viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh tiến hành dự kiến bắt đầu ra mắt công chúng từ tháng 3/2019 và sẽ bao gồm khoảng 85 tác phẩm được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1400 đến năm 1530, để nhìn lại sự phát triển của “ý tưởng và lý tưởng” xoay quanh vẻ đẹp khỏa thân tuyệt mỹ của con người trong tranh nghệ thuật do các họa sĩ Châu Âu thể hiện. Triển lãm sẽ kéo dài trong khoảng ba tháng.

Bích Ngọc
Theo Telegraph

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm