Tranh cãi về việc Lào cấm người chuyển giới tham dự các cuộc thi hoa hậu
(Dân trí) - Tờ The Star đưa tin, Lào đã ra lệnh cấm người chuyển giới tham gia các cuộc thi hoa hậu. Cá nhân nào tham gia đấu trường sắc đẹp chuyển giới ở nước ngoài cũng sẽ bị phạt.
Cuộc thi người đẹp Miss Fabulous Laos 2022 vừa ra thông báo hủy tổ chức vì cho phép người chuyển giới tham gia. Theo thông báo của Ban Tổ chức, mọi hoạt động trong khuôn khổ cuộc thi đã bị tạm dừng.
Trước đó, vào tháng 8 vừa rồi, Đoàn Thanh niên Cách mạng Nhân dân Lào đã đưa ra quy định, các cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia không được vi phạm những quy tắc do liên đoàn đặt ra. Trong đó, có điều lệnh cấm người chuyển giới tham gia các cuộc thi nhan sắc. Ngoài ra, các cá nhân đi nước ngoài tham dự các cuộc thi sắc đẹp dành cho người chuyển giới sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Quyết định của Đoàn Thanh niên Cách mạng Nhân dân Lào đã tạo nên một cuộc tranh cãi trên mạng xã hội và truyền thông. Tờ Laotian Times cho biết, hàng nghìn tài khoản Facebook đã bày tỏ sự không đồng tình với quyết định này và thể hiện sự ủng hộ với cộng đồng người chuyển giới.
Đại diện Ban Tổ chức cuộc thi sắc đẹp Miss Fabulous Laos 2022 cho biết, họ không ngăn cản phụ nữ chuyển giới nộp đơn tham dự cuộc thi nhưng công đoàn đã từ chối cấp phép và thông qua thủ tục.
Fanpage chính thức của cuộc thi Miss Fabulous Laos 2022 cũng bày tỏ mong muốn có một đạo luật đảm bảo quyền bình đẳng cho các thành viên của cộng đồng LGBTQ + (cộng đồng của những người có giới tính đặc biệt như đồng tính luyến ái nam, đồng tính luyến ái nữ, lưỡng tính, chuyển giới) trong xã hội.
Miss Fabulous Laos là cuộc thi sắc đẹp có quy mô nhỏ của Lào nhưng quyết định hủy cuộc thi vì không cho thí sinh chuyển giới tham dự đã khiến cuộc thi sắc đẹp này trở thành tâm điểm truyền thông Lào những ngày qua.
Trong những năm qua, các cuộc thi nhan sắc quốc tế đã có những thay đổi mang tính lịch sử nhằm tăng tính đa dạng của thí sinh tham dự cuộc thi và đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ.
Năm 2012, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ - một trong 4 cuộc thi nhan sắc uy tín và lâu đời trên thế giới đã cho phép người chuyển giới tham gia và cũng gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người e ngại chất lượng cuộc thi có thể đi xuống khi có quá nhiều phụ nữ chuyển giới tham gia. Trong khi đó, những người thuộc cộng đồng LGBTQ + lại ủng hộ sự thay đổi này của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ.
Năm 2018, thí sinh chuyển giới đầu tiên được sải bước trên sân khấu Hoa hậu Hoàn vũ. Đó là Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha - Angela Ponce. Cô trở thành người đẹp chuyển giới đầu tiên trong lịch sử cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Dù chỉ dừng chân ở top 20 chung cuộc nhưng Angela Ponce là một trong những thí sinh nổi bật nhất sân khấu Hoa hậu Hoàn vũ năm 2018.
Năm 2022, chuyên trang sắc đẹp nổi tiếng Missosology tiết lộ, trong email gửi các Giám đốc quốc gia vào tháng 8 vừa rồi, phía tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ thông báo tìm kiếm ứng viên cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 72. Điều đặc biệt là những phụ nữ đã kết hôn và đã sinh con đều có thể dự thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2023.
Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cho biết, họ muốn tạo nên những thay đổi để cuộc thi nhan sắc này trở thành nơi đại diện, hỗ trợ tốt nhất cho phụ nữ toàn cầu. Trong email, họ nhấn mạnh, phụ nữ cần có quyền tự định đoạt cuộc sống, các quyết định cá nhân của mỗi người, không nên là rào cản đối với sự thành công của họ. Dữ liệu gần đây cũng cho thấy trung bình tuổi kết hôn và mang thai lần đầu của phụ nữ trên toàn cầu là 21 tuổi.
Trước khi đưa ra thông báo về sự thay đổi, tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ đã tiến hành các cuộc khảo sát ý kiến đối với khán giả cùng các Giám đốc quốc gia của cuộc thi từ đầu năm 2022 và nhận được đa số sự ủng hộ.
Ngoài việc chấp nhận thí sinh chuyển giới, phụ nữ đã có gia đình và có con, tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ còn chào đón những thí sinh có vẻ đẹp khác biệt như sở hữu dáng vóc ngoại cỡ…