Tranh cãi tình tiết đưa giấy khám giả, bắt cóc trẻ em lên phim trên VTV
(Dân trí) - Trong phim "Trạm cứu hộ trái tim", một số chi tiết như: Bắt cóc trẻ em, làm giả giấy khám thai... thể hiện sự tiêu cực và phi lý trong lĩnh vực y học khiến khán giả phản ứng.
Phim Trạm cứu hộ trái tim đang chiếu trên VTV3 gây chú ý với khán giả bởi những đoạn phim kịch tính, gay cấn. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của nữ chính Ngân Hà (Hồng Diễm) và Nghĩa (Quang Sự) với những ân oán tình thù do cha mẹ đem lại.
Tuy nhiên, một số tập gần đây, phim bị nhiều người phản ứng khi có những chi tiết liên quan tới pháp luật và ngành y được xây dựng dễ dãi, ngô nghê.
Trong tập 31, Mỹ Đình (do Thúy Diễm đóng), vì thương bạn nên đã bắt cóc bé Gôn, con trai của Nghĩa và An Nhiên, với mục đích gây áp lực cho họ trong phiên tòa khiến khán giả bức xúc.
Chi tiết này bị nhiều người cho rằng, một cô gái đã hơn 30 tuổi nhưng coi việc bắt cóc như trò chơi và coi thường pháp luật là khó hiểu. Thêm nữa, khi bị bạn trách móc, Mỹ Đình còn gào lên: "Tao thà ở tù còn hơn bị bạn tao hỏi: Làm như vậy để được cái gì?", thể hiện sự nông cạn, không hiểu pháp luật của nhân vật.
Tập 33 của Trạm cứu hộ trái tim cũng gây ý kiến trái chiều khi An Nhiên (Lương Thu Trang) nhờ bác sĩ làm giả thông tin đang mang thai chỉ với một cuộc điện thoại. Thậm chí, cô này còn yêu cầu bác sĩ giúp mình lừa chồng bằng cách nói rằng cô đang mang thai con gái được 12 tuần.
Hay như trước đó, trong quá trình làm IVF (phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm), chồng cũ của Ngân Hà cũng thao túng cả một ê-kíp bác sĩ, làm giả hồ sơ để biến cô từ một phụ nữ bình thường, trở thành một người khó có khả năng sinh con, thậm chí một vài lần làm thụ tinh nhân tạo cũng không đạt được.
Những đoạn phim này cũng được làm hời hợt, qua loa khiến cho khán giả thấy phim có những chi tiết vô lý, vi phạm pháp luật.
"Mọi người cứ bình tĩnh, chắc ê-kíp phim sẽ có những giải quyết hợp lý để nhân vật xấu thậm tệ rồi sẽ bị quả báo thôi", "Gần hết phim rồi mà nữ chính chưa làm được gì, chỉ thấy người khác giúp đỡ, nữ phụ thì ồn ào, đau đầu thật" hay: "Ôi, sao phim lại đưa nhiều chi tiết tiêu cực vào vậy? Có phải để cổ xúy việc làm sai không, vậy thì coi thường khán giả quá"... là những bình luận mà mọi người để lại sau khi xem phim.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, biên kịch Lê Huyền cho biết, mấy năm gần đây, phim truyền hình được nhiều người yêu mến vì sự hấp dẫn. Bên cạnh đó, phim có kịch bản, lời thoại gần gũi với đời sống nên nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Không riêng gì ở Việt Nam mà trên thế giới, việc đưa các tình tiết như đua xe, trả thù, làm giấy tờ bệnh viện, ngân hàng giả... là có. Những tình tiết này trong khuôn khổ một bộ phim được chấp nhận để khắc họa rõ nét hơn tính cách của các nhân vật trong phim.
"Quan trọng là phim có nút thắt, nút mở, từ những việc làm đó, nhân vật sẽ nhận ra cái sai của mình mà sửa đổi, sống tốt hơn. Đó là thông điệp mà bộ phim mang lại. Tôi nghĩ, khán giả nên kiên nhẫn để xem những người xấu sẽ phải trả giá như nào. Từ đó, mọi người sẽ biết ứng xử đâu là đúng, đâu là sai", Lê Huyền cho biết.
Đồng quan điểm với biên kịch Lê Huyền, đạo diễn Quang Minh cho hay, khán giả vì yêu mến mà theo dõi bộ phim. Việc người xem phản ứng với các chi tiết tiêu cực trong phim cũng dễ hiểu bởi họ cũng chính là những "quan tòa" công tâm nhất của phim.
"Việc An Nhiên làm giấy tờ mang thai giả, vờ sảy thai để khắc họa sự lươn lẹo, mưu mô, xảo quyệt của nhân vật hay việc Nghĩa có tác động với bác sĩ để vợ cũ không thể mang bầu... để đẩy phim lên kịch tính.
Sau này khi các tình huống được giải quyết thì những nhân vật này sẽ bị ăn những "trái đắng" từ những việc làm sai trái của mình. Tôi tin, tất cả những tình huống trong phim đều có sự hợp lý trong tổng thể câu chuyện phim", nam đạo diễn bày tỏ quan điểm.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long - người sáng lập Truyền thông Trăng Đen - cho hay, phim ảnh là sản phẩm văn hóa, anh tin rằng không ai làm một bộ phim để cổ xúy những hành động vi phạm pháp luật cả.
"Sự kiểm duyệt của nhà Đài rất khắt khe, nếu phim có những hình ảnh, câu từ bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục thì đã bị cắt đi rồi. Phim được chiếu là đã vượt qua được sự thẩm định của nhiều người. Các tình tiết trong bộ phim đó không thể gọi là vi phạm pháp luật được vì nó chỉ xảy ra trong khuôn khổ một tác phẩm sáng tạo. Có chăng, phim nên giới hạn độ tuổi người xem để định hướng suy nghĩ, hành động cho khán giả trẻ.
Tôi nhớ trước đây, Noo Phước Thịnh quay một số cảnh nhạy cảm trong MV nên sau đó, bài hát cũng bị ẩn khỏi top trending và tắt chức năng kiếm tiền. Gần đây, Ngọc Trinh cũng có clip thực hiện hành động nguy hiểm trên xe phân khối lớn, sau đó cô ấy bị phạt và bị khởi tố, giam giữ. Vì làm các clip, MV cá nhân không có các tầng kiểm duyệt, nhưng phim ảnh thì có nhiều "hàng rào" kiểm soát nên việc ồn ào ít hơn", anh Ngọc Long nói.
Khi được hỏi: "Theo anh, những tình huống như trên có làm khán giả quay lưng với bộ phim không?".
Anh Long nói: "Nếu khán giả thấy không hay thì sẽ quay lưng, nhưng cũng có những tình huống phim được làm hợp tình, hợp lý nhưng khán giả không thích nên họ vẫn không ủng hộ.
Việc này cần sự nhạy cảm của ê-kíp, của người làm truyền thông cho phim. Làm sao đó để khéo léo, cẩn trọng trong các phát ngôn về phim, nếu mình đúng phải lựa lời giải thích cho khán giả hiểu".