Tranh cãi chuyện xóa cảnh phim kỳ thị người gốc Á trong phim kinh điển

Bích Ngọc

(Dân trí) - Mới đây, đài truyền hình Channel 5 (Anh) đã có một động thái gây tranh luận, đó là xóa bỏ tất cả những cảnh phim có nhân vật Yunioshi trong bộ phim kinh điển "Breakfast At Tiffany's" (1961).

Tranh cãi chuyện xóa cảnh phim kỳ thị người gốc Á trong phim kinh điển - 1

Từ lâu, giới phê bình điện ảnh và công chúng thế giới đã nhìn nhận những cảnh phim khắc họa nhân vật Yunioshi do nam diễn viên Mickey Rooney đảm nhận trong "Breakfast At Tiffany's" (Bữa sáng ở Tiffany - 1961) là những cảnh phim tiêu cực (Ảnh: Daily Mail).

Từ lâu, giới phê bình điện ảnh và công chúng thế giới đã nhìn nhận những cảnh phim khắc họa nhân vật Yunioshi do nam diễn viên Mickey Rooney đảm nhận trong "Breakfast At Tiffany's" (Bữa sáng ở Tiffany - 1961) là những cảnh phim tiêu cực, thể hiện thái độ phân biệt chủng tộc, thái độ bài xích người gốc Á.

Dù vậy, việc đài Channel 5 mới đây quyết định xóa bỏ những cảnh phim gây tranh cãi khi chiếu lại bộ phim kinh điển này đã tạo thành một cuộc tranh luận mới trên truyền thông và trong công chúng Anh.

Liệu chúng ta có nên kiểm duyệt nội dung theo cách như vậy không? Đó có phải là một động thái viết lại lịch sử điện ảnh không? Với những lối tư duy sai lầm đã từng vấp phải trong lịch sử điện ảnh, những thế hệ sau này có quyền "tẩy trắng" những sai lầm đã từng tồn tại không?

Trong phim "Breakfast At Tiffany's", nam diễn viên người Mỹ Mickey Rooney (1920 - 2014) đã được hóa trang để trở thành một nhân vật gốc Á có diện mạo và tính cách rất phản cảm, tạo nên ấn tượng rất tiêu cực về nhân vật Yunioshi - ông chủ nhà cho nhân vật nữ chính Holly Golightly (Audrey Hepburn) thuê nhà.

Việc đài Channel 5 quyết định cắt bỏ các cảnh phim có nhân vật Yunioshi khiến giới phê bình phim tại Anh nhìn nhận đây là một hành động có thể tiềm ẩn những yếu tố nguy hại.

Audrey Hepburn trong trailer phim "Breakfast At Tiffany's" (Video: Movieclips Classic Trailers/YouTube).

Về phía đài Channel 5, hiện tại, họ thừa nhận đã cắt bỏ các cảnh phim có nhân vật Yunioshi, nhưng không đưa ra thêm bình luận nào xung quanh động thái đang thu hút sự quan tâm chú ý này.

"Breakfast At Tiffany's" là một bộ phim thuộc vào hàng kinh điển trong lịch sử điện ảnh. Phim đã giúp nữ diễn viên Audrey Hepburn trở thành một minh tinh nổi tiếng thế giới. Tại giải Oscar, phim từng nhận được 5 đề cử và giành về hai giải.

Chuyên gia và giới làm phim nói gì?

Trong vài năm trở lại đây, khi thái độ phân biệt chủng tộc bị lên án mạnh mẽ trong giới làm phim, những cảnh phim xung quanh nhân vật Yunioshi đã được các nhà đài lưu ý xử lý một cách cẩn thận hơn, để thể hiện rằng họ ý thức rõ ràng về lối tư duy sai lầm trong cách xây dựng nhân vật Yunioshi.

Chẳng hạn một số nhà đài lựa chọn đề một dòng cảnh báo về việc trong bộ phim có chứa nội dung phản cảm, thể hiện thái độ phân biệt chủng tộc. Nhưng việc đài Channel 5 quyết định cắt bỏ hoàn toàn những cảnh phim gây tranh cãi lại gây nên một cuộc tranh luận mới ở thời điểm hiện tại.

Tranh cãi chuyện xóa cảnh phim kỳ thị người gốc Á trong phim kinh điển - 2

Những cảnh phim xoay quanh nhân vật Yunioshi thật tệ hại, dù diễn xuất của Audrey Hepburn rất ấn tượng (Ảnh: Daily Mail).

Đạo diễn người Anh Terry Gilliam thể hiện quan điểm không đồng tình với việc xóa bỏ cảnh phim: "Việc xóa bỏ những hình ảnh trong một bộ phim nổi tiếng vốn đã tồn tại từ rất lâu là một động thái tiềm ẩn sự nguy hại. Trước đây, những cảnh phim như thế đã được phép lưu hành, sự việc ấy nói lên nhiều điều. Thế hệ sau này có quyền cắt bỏ những cảnh phim gây tranh cãi ấy không?".

Con trai của minh tinh quá cố Audrey Hepburn - nhà làm phim Sean Hepburn Ferrer bày tỏ quan điểm xung quanh sự việc: "Chúng ta phải nhìn nhận câu chuyện này từ góc nhìn của từng thế hệ. Ngày nay, thái độ phân biệt chủng tộc là một vấn đề lớn. Nhưng mọi việc phải được nhìn nhận từ lăng kính của từng thế hệ.

Bộ phim này phản ánh những tư duy tiêu cực tồn tại trong một thế hệ những nhà làm phim, nó có những vấn đề tồn tại về nhận thức, ngày nay, chúng ta có thể đề một dòng cảnh báo trước khi phim bắt đầu, nói rằng phim được làm hồi năm 1961 và có chứa một số cách tư duy tiêu cực của một số nhà làm phim ở thời điểm đó".

Ông Richard Eyre, nguyên giám đốc Nhà hát Quốc gia Anh, có một nhận xét thể hiện quan điểm quyết liệt xung quanh bộ phim: "Những cảnh phim xoay quanh nhân vật Yunioshi thật tệ hại, dù diễn xuất của Audrey Hepburn rất ấn tượng. Thực lòng tôi nghĩ rằng điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là hãy... quên bộ phim đó đi, đừng chiếu lại".

Việc xóa bỏ đi những cảnh phim có chứa nhân vật Yunioshi khiến nhân vật nữ chính Golightly cũng bị mất đi một số cảnh phim và lời thoại đắt giá.

Sự hối tiếc không nguôi của đạo diễn và diễn viên

Thực tế, ngay ở thời điểm năm 1961, khi bộ phim ra mắt, nhân vật Yunioshi đã vấp phải chỉ trích, giới phê bình phim đã luôn nhìn nhận nhân vật này như một trong những nhân vật thể hiện rõ nhất thái độ phân biệt chủng tộc, thái độ "bài Á" trong một số nhà làm phim ở Hollywood.

Trước khi qua đời hồi năm 2014, nam diễn viên Rooney - người vào vai Yunioshi - đã từng chia sẻ rằng nếu được làm lại, ông sẽ thể hiện nhân vật khác đi, để không làm dấy lên những tranh cãi và nỗi tức giận trong công chúng.

Đạo diễn của phim "Breakfast at Tiffany's" - Blake Edwards (1922 - 2010) cũng từng chia sẻ rằng: "Nhìn lại, tôi ước gì mình đã không thực hiện những cảnh phim đó. Tôi sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì để được làm lại những cảnh phim gây tranh cãi ấy theo một cách khác, nhưng mọi việc đã xảy ra rồi".

"Breakfast at Tiffany's" đã được Viện Lưu trữ Phim Quốc gia Mỹ lưu giữ vì có những giá trị điện ảnh đặc biệt, nhưng điều đó không có nghĩa là bộ phim hoàn hảo và không có vấn đề nào tồn tại trong bộ phim.

Theo Daily Mail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm