Hà Tĩnh:

Trang trọng tổ chức lễ giỗ 196 năm Đại thi hào Nguyễn Du

(Dân trí) - Sáng nay (10/9), tại di tích đặc biệt quốc gia Khu lưu niệm Nguyễn Du (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh), Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức lễ giỗ lần thứ 196 năm để tưởng nhớ Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới

Tham dự có ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, con cháu dòng họ Nguyễn Tiền Điền cùng đông đảo người dân.

Trang trọng tổ chức lễ giỗ 196 năm Đại thi hào Nguyễn Du - 1
Lãnh đạo dâng hương, hoa tại khu mộ Đại thi Hào Nguyễn Du
Lãnh đạo dâng hương, hoa tại khu mộ Đại thi Hào Nguyễn Du

Trong 196 năm qua, mới duy nhất một lần giỗ cụ được tổ chức cấp quốc gia. Đó là cách đây 104 năm, do Ban Văn học Hội Khai trí Tiến Đức, tổ chức giỗ lần thứ 92 Đại thi hào Nguyễn Du vào ngày 8/9/1924 (10/8 năm Giáp Tý), với sự tham gia của nhiều học giả, nhân sĩ, trí thức nổi tiếng cả nước.

Giỗ Đại thi hào Nguyễn Du lần này là một sự kiện quan trọng chào mừng Đại hội Hội Kiều học Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2016-2020, đồng thời khởi động cho công tác chuẩn bị kỷ niệm 200 năm mất của cụ vào năm 2020.

Đoàn lãnh đạo dâng hương trong lễ giỗ tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du
Đoàn lãnh đạo dâng hương trong lễ giỗ tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: Lễ giỗ là sự khởi động rất đáng quý cho việc tiến tới Lễ giỗ 200 năm Đại thi Hào Nguyễn Du.

Đây là dịp để chúng ta thành kính bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc những đóng góp thiên tài của Đại thi hào Nguyễn Du đối với đất nước và nhân loại; nguyện mãi mãi gìn giữ, phát huy các di sản quý báu của Đại thi hào để lại, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp xứng đáng là quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, quê hương của Tổng bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập…

Ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: Lễ giỗ là sự khởi động rất đáng quý cho việc tiến tới Lễ giỗ 200 năm Đại thi Hào Nguyễn Du.
Ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: Lễ giỗ là sự khởi động rất đáng quý cho việc tiến tới Lễ giỗ 200 năm Đại thi Hào Nguyễn Du.

Đồng thời Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở VH-TT-DL, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, các ban ngành liên quan bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du để xứng đáng với công lao to lớn của Đại thi hào dân tộc.

Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam
Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam

Cũng tại buổi lễ, Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam cũng bày tỏ: Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam với tầm vóc và vị thế khó ai sánh nổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều - đỉnh cao của nền văn học cổ điển nước nhà đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại. Đây là dịp để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc những đóng góp thiên tài của Đại thi hào Nguyễn Du đối với đất nước và nhân loại.

Thay mặt con cháu, dòng họ Nguyễn Tiên Điền, ông Nguyễn Ban bày tỏ sự xúc động trước sự quan tâm của các cấp chính quyền.
Thay mặt con cháu, dòng họ Nguyễn Tiên Điền, ông Nguyễn Ban bày tỏ sự xúc động trước sự quan tâm của các cấp chính quyền.

Thay mặt con cháu, dòng họ Nguyễn Tiên Điền, ông Nguyễn Ban bày tỏ sự xúc động trước sự quan tâm của các cấp chính quyền.

“Đây là một sự kiện trọng đại, vinh dự của hội đồng gia tộc, con cháu dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Dòng họ gia tộc xin ghi nhận và tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm của lãnh đạo các cấp chính quyền”.

Nguyễn Du (SN 1765) tên chữ là Tố Như, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh)- một vùng đất địa linh nhân kiệt. Ông mất ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn,(1820) tại Huế.

Nguyễn Du là một nhà thơ nổi tiếng, nhà văn hóa lớn. Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương bất hủ, cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Trong đó, có tác phẩm “Truyện Kiều”. Di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.

Với những cống hiến to lớn của ông cho nền văn học Việt Nam cũng như sự phát triển văn hóa của nhân loại, ngày 25/10/2013, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn học của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15 vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới.

Xuân Sinh