Trân trọng tinh thần Quốc tế hóa thi ca Việt Nam

(Dân trí) - Theo Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bằng nhiều hình thức, bằng nhiều cảm hứng và phong cách khác nhau nhưng các nhà thơ Việt Nam và quốc tế đã thể hiện tình yêu thơ ca qua giọng điệu, ngôn ngữ thể hiện của mình.

Nằm trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 được tổ chức từ ngày 2-6/3, một loạt hoạt động trước ngày khai mạc diễn ra sôi động như Liên hoan thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ 3, Hội nghị Ủy ban Thường trực Hội Nhà văn Á-Phi lần thứ 3 với sự tham gia của hơn 150 nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu đến từ hơn 40 nước.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị quảng bá diễn ra 2 hội thảo, bao gồm hội thảo Thơ ca – Nơi lưu giữ tâm hồn Việt Văn xuôi Việt Nam – Hội nhập và phát triển. Các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu của Việt Nam cùng ngồi lại để phác thảo nên những nét cơ bản nhất về chân dung của nền văn học Việt Nam thông qua 2 thể loại quan trọng nhất của mọi nền văn học là văn xuôi và thơ.

Trân trọng tinh thần Quốc tế hóa thi ca Việt Nam
Nhà văn Phiulavan Luongvanna (Lào, trái) và nhà văn Igor Britov (Nga) là hai trong số ít các đại biểu phát biểu trôi chảy bằng tiếng Việt tại hội nghị (Ảnh: Thể thao & Văn hóa)

Trong hội thảo này có rất nhiều nhà thơ nước ngoài tham dự, có những bài thơ viết về Việt Nam của các nhà thơ Mỹ, Nga, các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Colombia … Họ đã tiếp cận với thơ ca, văn học Việt Nam và có những nhận định, phát biểu về chân dung văn học Việt Nam, con người Việt Nam và khát vọng về một nền độc lập, hòa bình, hướng tới thế giới đại đồng thông qua những bài thơ Việt Nam mà họ đã đọc.

Hội nghị cung cấp một tầm nhìn tổng thể về thành tựu, giá trị, bản sắc độc đáo của văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế làm cơ sở cho việc lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu để tổ chức dịch thuật, xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, giúp nhân dân thế giới hiểu biết đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.

Hội Nhà văn Việt Nam đã lựa chọn 15 gương mặt nhà thơ tiêu biểu và giới thiệu bằng tiếng Pháp và do một họa sĩ người Pháp minh họa. Hội Nhà văn Việt Nam lựa chọn 100 nhà thơ  tiêu biểu để tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ quốc tế. 10 nhà xuất bản được mời để giới thiệu ra nước ngoài những tác phẩm viết về chiến tranh giành độc lập của đất nước Việt Nam chúng ta.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, qua những buổi hội thảo, liên hoan giao lưu giữa đại biểu các nước, mặc dù vẫn còn một khoảng cách khá lớn về ngôn ngữ nhưng tình yêu thi ca, khát vọng hòa bình vẫn là tinh thần chung.

 “Tinh thần thơ của năm nay, cả Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương chúng ta sẽ giới thiệu chủ đề hòa bình, về nền độc lập tự do của Tổ quốc. Thứ hai, các nhà thơ trong đêm nay sẽ trình bày nên những vẻ đẹp của đời sống thông qua vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca Việt. Và ở đó là lòng trắc ẩn, sự chia sẻ, lòng yêu thương, sự dâng hiến và những giấc mơ đẹp cho xứ sở của mình”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với báo chí tại buổi khai mạc Liên hoan thơ châu Á- Thái Bình Dương tại Hà Nội.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhìn về thực trạng nền văn học nước nhà, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng cho rằng tổ chức sự kiện Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam là sáng kiến rất cần được ghi nhận.

“Hiện nay ở Việt Nam, chúng ta là một đất nước mở cửa với truyền thông như bão lốc. Ngay cả một người không biết ngoại ngữ ở Việt Nam cũng không hề lạc hậu, chúng ta cứ ra các hiệu sách thì trên là trời dưới là sách, trong đó các tác phẩm của các nhà văn nhà thơ nước ngoài chiếm quá nửa, các tác phẩm tinh hoa của văn học thế giới. Các tác phẩm Việt Nam ra thế giới còn nhiều hạn chế, có lẽ vì tiếng Việt hẻo lánh quá. Dịch sách văn học của Việt Nam ra thế giới cũng rất khó. Có những tác phẩm dịch xong rồi, so với nguyên bản như là không có họ hàng gì với nhau thậm chí là kẻ thù không đội trời chung với nhau.

Tất nhiên đấy là những bản dịch tồi. Những bản dịch xuất sắc không phải thế, chúng ta đã từng có rất nhiều những bản dịch xuất sắc như các tác phẩm thơ cổ điển của các nhà thơ Trung Quốc như thơ Đường, hay Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và hòa bình… rất nhiều tác phẩm của nước ngoài dịch sang tiếng Việt rất xuất sắc. Nhiều tác phẩm khi dịch ra hay không kém gì so với nguyên tác cả, tôi cho đây chính là những bản dịch hay, và ở đó người dịch và tác giả giống như hai tấm gương cùng soi vào nhau và cả hai cùng sáng lấp lánh…”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, việc dịch sẽ là sự kết hợp giữa các nhà thơ của chúng ta với các nhà thơ thế giới để cùng hiểu nhau, chuyển từ ngôn ngữ này, văn hóa này sang ngôn ngữ khác, sao để khơi dòng như chính nguyên bản của nó.

Để phổ biến văn học Việt Nam ra thế giới, theo nhà thơ là công việc của Hội nhà văn: “Một trong những công việc quan trọng là việc xét giải thưởng, khi xét giải, chọn đúng tác phẩm thì qua đó nước ngoài sẽ nhìn vào và họ thấy đây là tinh hoa của văn học Việt Nam. Thứ hai là việc kết nạp hội viên. Thứ ba là việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Văn chương chúng ta không hề thua kém nhưng chúng ta làm chưa có kinh nghiệm, việc quảng bá văn chương chúng ta ra nước ngoài chưa được hiệu quả lắm!”

Kim Trần-Hà Thanh