Thừa Thiên Huế:
Trăn trở việc bảo tồn, phát huy di sản Ca Huế
(Dân trí) - “Ca Huế - Giá trị, định hướng bảo tồn và phát huy” – tên của Hội thảo khoa học có quy mô quốc gia đầu tiên về chủ đề Ca Huế vừa được tổ chức tại TP Huế ngày 22/9 đã ghi nhận nhiều ý kiến “sát sườn” về việc làm thế nào để bảo tồn và phát triển hướng đi của Ca Huế.
Một bộ phận đặc sắc trong nền âm nhạc cổ truyền dân tộc
Ca Huế vừa được Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 8/6/2015 vừa qua. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh, cho biết đây là hội thảo quy mô quốc gia đầu tiên về chủ đề này nhằm tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật ca Huế, đồng thời xây dựng luận cứ để lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ca Huế là Kiệt tác văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cố GS.TS. Trần Văn Khê từng bàn về thời điểm hình thành Ca Huế: “Không có sử liệu nào nói Ca Huế có từ bao giờ, chỉ biết rằng Ca Huế không phải là loại nhạc dân gian, vì nó chỉ được giới quyền quý hoặc trong cung đình sử dụng. Vậy có thể nói rằng đây là loại quan nhạc chứ không phải dân nhạc”.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, Ca Huế được phát sinh vào khoảng thế kỷ XVII, xuất phát từ cung đình rồi lan ra dân gian bên ngoài. “Trích dẫn tác phẩm của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961), nhà nghiên cứu cho biết ca Huế đã từng được ghi chép có từ thời Đức Hiếu Minh (tức chúa Nguyễn Phúc Chu - 1675-1725). Từ bước đầu hình thành và mối tương quan giữa âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian ấy, nền cổ nhạc ở đây phát triển dần, trong thời kỳ Huế trở thành kinh đô của cả nước, nó đã đạt đến đỉnh cao dưới vương triều Nguyễn, nhất là từ thời Minh Mạng (1820-1840) đến thời Tự Đức (1848-1883). Thời kỳ lịch sử ấy đã để lại cho Huế 2 giá trị văn hóa phi vật thể là Âm nhạc cung đình và Ca Huế” – nhà nghiên cứu Huế - Phan Thuận An cho biết.
Ca Huế từ thời đó đã trở thành thú chơi âm nhạc tao nhã của các hoàng thân quốc thích, gia đình danh gia vọng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế làm thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là Kinh đô của cả nước dưới thời triều Nguyễn. Nhà nghiên cứu Huế - Nguyễn Đắc Xuân cho biết thêm, “Ca Huế là một sản phẩm giải trí được giới quan lại, ông hoàng bà chúa ưa thích nhất. Hai môi trường đặc biệt không nơi nào có được để cho ca Huế trổ tài và vươn lên là sông Hương và các ngôi nhà vườn của các quan lại, các ông hoàng bà chúa.
Các ông hoàng bà chúa, quan lại không những đã nuôi dưỡng các ca nhi, nhạc công mà còn tham gia thiết kế đàn, soạn lời mới, đánh đàn, tạo thêm những luyến láy nhấn nhá làm cho đàn ca Huế bộc lộc những nét tài hoa khác thường. Ngày nay, ta còn nghe nói đến các ông Hoàng Nam Sách con vua Minh Mạng, ông Hầu Biều, ông Cả Soạn, ông Hoàng Yến (Phó bảng), bà chúa Nhất, ông Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ, ông Nguyễn Khoa Tân, ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị…”
“Dưới thời kỳ thịnh đạt nhất của Ca Huế vào khoảng thế kỷ XIX, nhiều phủ đệ ở Kinh đô Huế thường có một đội nhạc để phục vụ riêng cho tầng lớp hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc. Dần dần, nghệ thuật Ca Huế đã phát triển, lan tỏa ra ngoài dân gian, tiếp nhận thêm một số điệu hò, điệu lý để hình thành nên một loại âm nhạc độc đáo” – ý kiến của TS. Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế.
Th.s.Phan Thuận Thảo, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Dân tộc nhạc học (thuộc Học viện Âm nhạc Huế), “Nội dung những bài bản Ca Huế ngoài sự ngợi ca cảnh sắc thiên nhiên, phong cảnh hữu tình thì còn tự sự về nhân tình thế thái, buồn vui của kiếp người, tư tưởng lánh đời để tìm quên trong một xã hội rối ren khi đất nước chịu nạn ngoại xâm. Do đó, Ca Huế thể hiện chiều sâu cả ở phần âm nhạc lẫn nội dung lời ca. Xét về góc độ âm nhạc, Ca Huế có sự phát triển cao về khí nhạc, trong khi nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam thiên về ca hát hơn là chơi nhạc cụ. Một tài liệu năm 1863 ghi chép 25 bài bản Ca Huế, trong đó có 15 bài không kèm theo lời ca và 10 bài kèm theo lời ca”.
Ca Huế mang sắc thái địa phương rõ nét bởi nó gắn chặt với đặc điểm ngữ âm, ngữ điệu của giọng nói xứ Huế. Cùng với những sắc thái tinh tế, Ca Huế được hình thành trên 2 điệu thức chính là điệu Bắc (Khách) và điệu Nam, cùng một hệ thống “hơi” diễn tả từng sắc thái tình cảm như: hơi, dựng, đảo, thiền, nhạc, xuân, thương, ai, oán đã tạo nên phong cách đặc trưng của Ca Huế.
Đây cũng là bộ phận âm nhạc đặc sắc, không chỉ bởi sự in đậm bản sắc Huế mà còn mang dấu ấn hội tụ và lan tỏa trong lịch sử âm nhạc cổ truyền dân tộc. GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhận định: “Từ Nhã nhạc và cả Ca Huế nữa, theo chân các vị quan nhạc, vốn âm nhạc chuyên nghiệp Huế đã thâm nhập cộng đồng cư dân Việt ở Nam Bộ để tỏa sáng, để phát triển thành cả một dòng nhạc thính phòng mới, giàu có về bài bản, đa dạng về sắc thái, tươi tắn về cảm xúc là Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Theo tôi được biết, có thể nhạc thính phòng Huế còn là một trong những nguồn để hình thành nhạc Bát âm miền Bắc mà người đại diện cuối cùng là Nhạc sư Vũ Tuấn Đức. Như vậy, nếu không kể đến Ca Trù, một loại nhạc thính phòng miền Bắc thì âm nhạc cung đình nói chung và Ca Huế nói riêng đã là nguồn cội của âm nhạc thính phòng Nam Bộ - Đờn ca tài tử và cả miền Bắc – Dàn nhạc Bát âm.
Với vai trò như thế, Ca Huế có một vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của nền âm nhạc cổ truyền của người Việt. Việc đề nghị Bộ VH,TT&DL đưa Ca Huế vào danh mục các di sản đệ trình UNESCO là hoàn toàn xứng đáng với những gì nhân dân Huế và Ca Huế đã đóng góp cho sự phát triển của nền âm nhạc cổ truyền người Việt”.
Nên đưa Ca Huế vào giảng dạy trong trường học
NGƯT. Cao Chí Hải, PGĐ Sở VH,TT&DL nhận xét, hiện nay, nghệ thuật Ca Huế đang đứng trước sự cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật, âm nhạc hiện đại khác. Thị hiếu thưởng thức văn hóa, âm nhạc của một bộ phận người dân, đa phần là lớp trẻ đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Nguy cơ tiềm ẩn đối với di sản nghệ thuật Ca Huế rất cao nên cần thiết phải được khẩn trương đề ra các giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ca Huế. Theo ông Hải, nên đưa Ca Huế vào giảng dạy trong các trường học là một giải pháp hữu hiệu, có tính khả thi cao để bảo tồn và phát huy giá trị, tạo nên sức sống cho di sản Ca Huế.
Bên cạnh hoạt động đào tạo chính quy Ca Huế ở các trường Trung cấp, Học viện âm nhạc tại Huế lâu nay, thì đã và đang góp phần bảo tồn nghệ thuật Ca Huế có vai trò quan trọng của các bậc nghệ nhân lão thành tài hoa thông qua hoạt động truyền nghề, truyền ngón. Nổi bật là các bậc nghệ nhân như Minh Mẫn, Thanh Hương, Thanh Tâm, Châu Dinh… và các lớp nghệ nhân kế cận như Khánh Vân, Lan Phương, NSND.Ngọc Bình, NSƯT.Kiều Oanh, NSƯT.Thu Hằng, NSND.Bạch Hạc…
Th.s. Nguyễn Thị Tâm Hạnh cho ý kiến, cần chú trọng đến yếu tố gia truyền sẽ là một hướng đi lý tưởng cho công cuộc bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca nhạc truyền thống, trong đó có Ca Huế. Tuy nhiên “lối truyền nghề” từ các nghệ nhân lão thành không đơn thuần là “truyền khẩu” hay “bắt tay chỉ việc” mà đằng sau đó còn là một mối thâm giao giữa người dạy và người học – vốn không hề dễ xây đắp trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi mà giữa người nắm giữ di sản và người lĩnh hội nó dường như có một sự lệch pha nhất định về mục tiêu, ý hướng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có ý kiến với ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế, "đề nghị nên đưa chương trình dạy đàn ca Huế vào các trường Tiểu học, THCS. Nhạc viện Huế ngoài việc đào tạo ca sĩ, nhạc công còn có chương trình đào tạo thầy cô giáo dạy đàn ca Huế trong các trường Tiểu học, THCS. Phấn đấu một học sinh Huế ca được một bài ca Huế, một điệu hò, một điệu lý, hoặc một bài ru em. Ngoài ra, cần vận động tài trợ khuyến khích các nghiên cứu sinh làm luận văn tốt nghiệp Đại học, các luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ về lịch sử và nghệ thuật đàn ca Huế.
Ông Trần Văn Dũng, cán bộ Phòng Di sản văn hóa, Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế cho ý tưởng “có thể kết hợp trưng bày tại tiền đường nhà thờ Cổ Nhạc những tư liệu lịch sử liên quan đến di sản Ca Huế. Các câu lạc bộ Ca Huế nên tổ chức các đêm biểu diễn nghệ thuật Ca Huế thính phòng tại đây nhằm làm sống lại di tích nhà thờ Cổ Nhạc. Các nghệ nhân tâm huyết sẽ có thêm cơ hội thể hiện tài năng, trao truyền kỹ năng trình diễn nghệ thuật Ca Huế cho thế hệ trẻ”.
Quản lý chặt Ca Huế trên sông Hương - Phát triển Ca Huế thính phòng
Hiện tại nhắc tới Ca Huế, người ta hay nghĩ đến là nghe Ca Huế trên sông Hương, trên các thuyền rồng thả trên sông. Dù Ca Huế trên sông đang thu hút rất nhiều du khách đến nghe, thưởng thức, trở thành một ngành dịch vụ nhưng nếu không được quản lý chặt chẽ thì sẽ biến thành một loại sản phẩm thị trường, làm mai một và đánh mất tính chất đặc sắc của nó.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế nói về việc này: “Không gian biểu diễn Ca Huế hiện nay trên những chiếc thuyền “mạo danh thuyền rồng” có hiện tượng một số diễn viên, nhạc công Ca Huế muốn tạo tiết tấu réo rắt để gây hấp dẫn du khách, đã đẩy nhanh tốc độ nhiều làn điệu, bài bản, vô tình phá nát sự tinh tế, trang trọng của Ca Huế, có nguy cơ dẫn đến làm biến chất Ca Huế.
Các nhạc công thì học qua loa, đối phó, chưa thật sự khổ luyện, chỉ cần chơi nhuyễn một số bài để đến Sở VH,TT&DL thẩm định để được cấp giấy phép đi diễn. Đáng buồn nữa là gần đây, ca Huế bị lẫn bởi các điệu lý Huế, chầu văn, giã gạo, vè, ngâm thơ, thậm chí là… hát”.
Theo Nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế cho rằng hiện ca Huế có 3 hình thức bảo lưu, phát huy gồm: một là Bảo lưu hàn lâm, cổ điển qua hình thức tổ chức biểu diễn ca Huế thính phòng tại tư gia của các văn nghệ sĩ nổi tiếng, trí thức ở Huế như nhà của nhà văn, dịch giả Bửu Ý và Câu lạc bộ ca Huế Phú Xuân tại Bảo tàng Văn hóa Huế;
Thứ hai là Bảo lưu đại chúng phổ biến là hoạt động ca Huế trên sông Hương và thứ ba là Bảo lưu nhà nước và xã hội hóa qua việc đào tạo, giảng dạy của các trường văn hóa nghệ thuật và biểu diễn của Đoàn nghệ thuật cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Huế.
Trong đó, hình thức bảo lưu đại chúng đang phát triển mạnh nhưng do trình độ của khán giả không đồng đều, thời lượng biểu diễn hạn chế do diễn viên phải đi sô 2, sô 3… Hình thức thưởng thức chính của du khách là “nhìn” các ca sĩ, nhạc công trẻ tuổi đầy hấp dẫn, còn yếu tố “nghe” chỉ là phụ đã khiến ca Huế có nguy cơ phát triển méo mó, lệch lạc chất lượng, nên cần hết sức quan tâm quản lý.
Cũng theo ông Hoa, Ca Huế rất kén chọn không gian diễn xướng. Tiếng ca, điệu nhạc chỉ lột tả được thần thái của Ca Huế khi được cất lên trong những phòng khách trang trọng, những lòng thuyền tao nhã với số lượng người nghe vừa phải, có người tri âm, tri kỷ, có trình độ thưởng thức. Vì lúc xưa, Ca Huế đi từ những dinh phù ngào ngạt trầm hương ra đến những chiếc chiếu hoa ở các phủ đệ, nhà vườn, và dần dẫn bước xuống lòng thuyền, lênh đênh trên sông Hương. Chứ Ca Huế chưa từng được cất lên trên đồng ruộng khi người dân cấy lúa, giã gạo, xay lúa, đạp nước…
Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca Huế Phú Xuân có nhận định về tiềm năng và triển vọng của nghệ thuật Ca Huế thính phòng: “Thực tế trong Festival Huế 2014, Festival nghề truyền thống Huế 2015 vừa qua, khi Ca Huế thính phòng được biểu diễn tại Bảo tàng Văn hóa Huế bước đầu đã thu hút tương đối đông đảo người xem thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Từ thực tiễn đó cho thấy nếu Ca Huế có nhiều sự tiếp cận công chúng thì số lượng công chúng sẽ đến với Ca Huế ngày càng tăng. Ca Huế thính phòng ở cố đô Huế cần được bảo tồn và phát huy hơn nữa”.
Câu lạc bộ ca Huế Phú Xuân biểu diễn Ca Huế thính phòng tại Bảo tàng Văn hóa Huế
Riêng ông Nguyễn Hữu Thông, nguyên Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng không có một phương thức bảo tồn nào thiết thực hơn đối với loại hình nghệ thuật diễn xướng khi chính tác phẩm có sức sống bền vững trong lòng người. Nên chăng tái hiện phim trường một buổi Ca Huế thực sự trong những bối cảnh khác nhau: một buổi chúc thọ, tiệc mừng hay sự hội ngộ ngẫu hứng của một nhóm nghệ sĩ tâm giao… Những người tham gia diễn xuất phải nhất thiết tuân thủ những gì mà một buổi Ca Huế xưa đã từng tồn tại; một chút trang trọng và sang trọng vốn có: thể hiện trong y phục, trang sức, phong cách, ngôn ngữ giao tiếp; trả lại cho môi trường diễn xướng này chút gì đó của sự thượng lưu, thanh lịch.
Soạn giả Minh Khiêm cũng nêu lên kiến nghị, “cần khuyến khích các tác giả thơ tham gia viết lời mới cho Ca Huế. Có thể hai năm một lần, các cơ quan văn hóa, văn nghệ, báo chí… phối hợp tổ chức Thi sáng tác lời mới các làn điệu Ca Huế. Các bài dự thi được tuyển chọn in thành sách phục vụ cho việc học hát Ca Huế, dàn dựng các tiết mục”.
TS.Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh nhấn mạnh, Bảo tồn và phát huy Ca Huế không phải chỉ dựa vào trí tuệ của một cá nhân, một tập thể, cũng không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải có sự nỗ lực của các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà quản lý và của mọi người. Có như vậy thì Ca Huế mới được tỏa sáng.
Các bài bản Ca Huế có cấu trúc chặt chẽ, giai điệu phong phú với nhiều luyến láy tinh tế, lời ca giàu chất văn chương. Ca Huế được xây dựng trên 3 điệu chính gồm điệu Bắc (Khách) với chất nhạc tươi vui, trong sáng, sang trọng bao gồm 10 bản Ngự và 3 bản lẻ là Cổ bản, Hành vân và Lưu thủy, điệu Nam với tính chất buồn thương, bi ai, vương vấn, tiêu biểu là các bản Nam ai, Nam bình, Tứ đại, Phủ lục. Ngoài 3 điệu chính trên, Ca Huế còn có một cách hát làm thay đổi tính chất các bàn bản được gọi là hơi dựng.
Ca Huế là sự kết hợp giữa thanh nhạc và khí nhạc trong một hệ thống những bài bản có cấu trúc chặt chẽ, chuẩn mực. Người ta thường hay sử dụng các dàn nhạc tứ tuyệt, ngũ tuyệt hoặc lục tuyệt với 2 chức năng chính là hòa tấu và đệm. Tuy nhiên, nghệ thuật hòa âm đặc trưng của nhạc đệm trong Ca Huế là dàn ngũ tuyệt (tranh, nguyệt, bầu, tỳ, nhị) được coi là dàn nhạc đệm chỉnh chu nhất.
Đại Dương