Trăm năm treo tranh quý, bán đi giá... vài xu

(Dân trí) - Một gia đình quý tộc đã treo một bức tranh quý trong khu vực dành cho người giúp việc suốt hàng chục năm. Khi đem bán tranh, họ bán với giá như cho, còn giờ, thì không thể nào mua lại...

Trăm năm treo tranh quý, bán đi giá... vài xu - 1

Bức tranh chân dung "Young Man Holding a Roundel" (Người thanh niên cầm chiếc đĩa tròn) vừa thu hút sự chú ý lớn tại một phiên đấu giá nghệ thuật tổ chức ở New York, Mỹ. Bức tranh đạt mức giá 92 triệu USD (tương đương hơn 2.116 tỷ đồng), người mua là một nhà sưu tầm đến từ nước Nga.

Ngay lập tức, bức tranh được xếp vào hàng những bức tranh chân dung đắt giá nhất thế giới, thu hút sự quan tâm lớn của giới nghệ thuật cũng như các trang tin quốc tế.

Câu chuyện đằng sau bức tranh này cũng khá thú vị, trước đây, tranh từng được treo hàng thập kỷ tại biệt thự Plas Glynllifon, nơi ở của một gia đình quý tộc lâu đời - nam tước xứ Newborough, tại xứ Wales, vương quốc Anh.

Bức tranh vốn đã được treo trong biệt thự này từ khoảng thế kỷ 18 nên lâu dần, người ta không còn nhớ về xuất xứ của nó nữa. Bức tranh cũng dần bị "thất sủng" và treo trong khu vực chuyên dành cho những người giúp việc.

Đến hồi thập niên 1940, khi tòa biệt thự bị đem bán, người ta liền thanh lý hàng loạt món đồ, trong đó có cả bức tranh này, bức tranh bị đem "bán tống, bán tháo" với giá rất "tượng trưng", gần như cho không.

Trăm năm treo tranh quý, bán đi giá... vài xu - 2

Nam tước xứ Newborough đời thứ 8 - ông Robert Vaughan Wynn

Giờ đây, khi thông tin về bức tranh xuất hiện trên khắp các trang tin, nam tước xứ Newborough đời thứ 8 - ông Robert Vaughan Wynn đã chia sẻ với báo giới Anh về câu chuyện thú vị đằng sau tác phẩm này, về mối quan hệ từng có một thời giữa gia đình ông và bức tranh quý bị bán đi với giá như cho không.

Theo đó, khoảng thập niên 1940, khi gia đình quyết định chuyển ra khỏi tòa biệt thự cổ kính, họ cũng bán đi nhiều đồ đạc: "Khi ấy, không ai biết giá trị của bức tranh này và nó nằm trong số đồ đạc được bán đi với giá rất rẻ, chẳng đáng bao nhiêu", ông Robert Vaughan Wynn cho hay.

Giờ đây, với mức giá 92 triệu USD, tác phẩm "Young Man Holding a Roundel" là bức tranh đắt giá nhất trong số các tác phẩm do danh họa người Ý Botticelli thực hiện, và là tác phẩm tranh chân dung đắt giá thứ hai được thực hiện bởi một bậc thầy hội họa thời Phục hưng (tác phẩm đắt giá nhất là bức "Salvator Mundi" do danh họa Leonardo da Vinci thực hiện).

Bức tranh "Young Man Holding a Roundel" được tin là khắc họa một thành viên trong gia đình quý tộc Medici tại Ý, bức vẽ này được thực hiện vào khoảng năm 1480 và là một trong khoảng 50 bức tranh của danh họa Botticelli còn tồn tại cho tới hôm nay.

Việc làm thế nào bức tranh chân dung lưu lạc được tới biệt thự Plas Glynllifon của nam tước xứ Newborough, ở Wales, là điều không được biết tới một cách rõ ràng.

Nhưng nhiều khả năng bức tranh đã được nam tước xứ Newborough đời thứ nhất - ông Thomas Winn mua về, bởi ông từng có thời sống ở Tuscany, Ý, hồi thế kỷ 18 và kết hôn với một người phụ nữ Ý.

Trăm năm treo tranh quý, bán đi giá... vài xu - 3

Biệt thự Plas Glynllifon

Theo thông tin mà phía nhà đấu giá đưa ra, bức tranh này đã được một nhà sưu tầm nghệ thuật tinh tường - ông Frank Sabin mua lại vào khoảng năm 1935 từ nam tước xứ Newborough đời thứ 6, khi ấy, bức tranh được chủ nhân bán đi với giá rất rẻ.

Về sau, ông Frank Sabin bán lại cho nhà sưu tầm Thomas Merton hồi năm 1941 với mức giá lúc này đã lên tới vài chục ngàn bảng, kể từ đây, tác phẩm bắt đầu được lấy lại vị thế, được biết tới là một tác phẩm của danh họa Botticelli.

Năm 1982, tác phẩm được bán tại một cuộc đấu giá cho tỷ phú người Mỹ trong lĩnh vực bất động sản - ông Sheldon Solow với giá 810.000 bảng. Ông Solow vừa qua đời hồi tháng 11 năm ngoái. Tác phẩm đã được ông cho một số bảo tàng lớn trên thế giới mượn trưng bày trong nhiều năm tháng.

Trải qua thời gian, các học giả trong lĩnh vực mỹ thuật đã có cái nhìn khá thống nhất về việc tác phẩm này thực sự mang phong cách của Botticelli.

Trăm năm treo tranh quý, bán đi giá... vài xu - 4

Hậu duệ của gia đình quý tộc - nam tước xứ Newborough đời thứ 8 - ông Robert Vaughan Wynn đã từng có lần được mời tới nhìn ngắm lại bức tranh khi tác phẩm được trưng bày tại London (Anh), bản thân ông không tiếc nuối gì nhiều, ông chỉ cảm thấy thú vị về câu chuyện chìm nổi và những giá trị đổi thay chóng mặt xung quanh một tác phẩm nghệ thuật.  

Biệt thự Plas Glynllifon giờ đây cũng không còn là nơi ở của một gia đình quý tộc nào nữa mà đã qua tay nhiều nhà đầu tư bất động sản, với những kế hoạch về việc biến nơi đây trở thành một khách sạn hay một trung tâm tổ chức sự kiện.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm