Trải nghiệm lịch sử Thủ đô qua ảnh

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 9/10, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề “Kinh đô mãi muôn đời” tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Theo đó, ngày 9/10 tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, triển lãm trưng bày hơn 100 tài liệu, hình ảnh nhằm làm nổi bật vai trò của vua Lý Công Uẩn trong quyết định dời đô tái hiện một bức tranh khái quát về kinh đô Thăng Long thời Lý, cũng như dòng chảy lịch sử của Thăng Long - Hà Nội trong 1010 năm.

Ở chủ đề thứ nhất, giới thiệu nét khái quát về đức vua Lý Công Uẩn (974-1028) - vị vua kiệt xuất trong lịch sử dân tộc, có vai trò quan trọng với quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Thăng Long). Ông sinh vào những năm cuối của nhà Đinh, khi trưởng thành giữ nhiều vị trí quan trọng trong triều đình nhà Tiền Lê. Khi vua Lê Long Đĩnh băng hà, Lý Công Uẩn được triều thần tôn lên ngô, lập nên Vương triều Lý. Sau khi lên ngôi tại Hoa Lư, Lý Thái Tổ đã có một quyết định mang tính thời đại, thể hiện nhận thức và tầm nhìn “Thiên niên kỷ” về tiền đồ phát triển của đất n­ước: Dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La.

Trải nghiệm lịch sử Thủ đô qua ảnh - 1

Hình ảnh tại triển lãm "Kinh đô mãi muôn đời".

Trong nội dung chủ đề thứ hai, triển lãm giới thiệu những nét nổi bật của “Kinh đô Thăng Long”. Điểm nhấn của chủ đề này là nội dung tái hiện lại hành trình dời đô qua các dòng sông từ Hoa Lư về Thăng Long của vua Lý Công Uẩn và triều đình nhà Lý vào năm 1010. Thủy trình được bắt đầu: từ tòa thành Nội tại Hoa Lư theo sông Sào Khê, ra sông Hoàng Long, rồi tiếp theo sông Hoàng Long ngược lên phía Bắc tiến vào sông Đáy tại ngã ba Gián Khẩu (Hà Nam), từ sông Đáy đoàn thuyền vua Lý Thái Tổ đi vào sông Châu (Hà Nam), rồi từ sông Châu ngược ra sông Hồng, theo sông Hồng về thành Đại La.

Cuối cùng ở chủ đề thứ 3 “Thủ đô Hà Nội” giới thiệu tới du khách dấu mốc quan trọng khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hà Nội được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chọn là Thủ đô nước Việt Nam độc lập. Giữ vững tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên, Hà Nội tiên phong, cùng đất nước vượt qua những năm tháng gian khó của chiến tranh, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc…

Điểm nhấn thu hút sự quan tâm của công chúng trong phần Thủ đô Hà Nội còn là những thành tựu của Hà Nội trong thời kỳ đổi mới; quá trình hội nhập ngày càng sâu hơn vào dòng chảy thế giới. Cùng với việc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. Hà Nội cũng được biết đến là điểm đến an toàn, thân thiện, nơi tổ chức thành công nhiều sự kiện tầm cỡ quốc tế.

Xuyên suốt hơn một thiên niên kỷ và còn tiếp nối đến mai sau, Thăng Long - Hà Nội vẫn đang khẳng định vị thế Kinh đô - Thủ đô của đất nước; khẳng định tầm nhìn vượt thời đại của Đức vua Lý Thái Tổ về mảnh đất đế đô muôn đời.

Trải nghiệm lịch sử Thủ đô qua ảnh - 2
Trải nghiệm lịch sử Thủ đô qua ảnh - 3

Triển lãm “Làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội”.

Cùng ngày, Trung tâm Lưu chữ quốc gia I cũng đã tổ chức khai mạc Triển lãm “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội”.

Triển lãm được chia thành 2 chủ đề chính gồm Từ làng nghề ra phố nghề và Đấu xảo - Tinh hoa làng nghề. Những mảnh ghép trong tài liệu, tư liệu trưng bày tại Triển lãm này và qua lời kể của những thợ nghề về những câu chuyện làng nghề lên phố bán hàng, lập đình, lập nghiệp sẽ cho chúng ta thấy một bức tranh về làng nghề - phố nghề giai đoạn thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.

Trước đó, triển lãm “Hà Nội trong tôi” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng giới thiệu tới công chúng 70 bức ảnh sinh động, ghi lại góc nhìn chân thực của các nhiếp ảnh gia, nhà báo về những sự kiện, khoảnh khắc, khung cảnh đẹp của Hà Nội.

Trải nghiệm lịch sử Thủ đô qua ảnh - 4

Trước đó, triển lãm “Hà Nội trong tôi” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng giới thiệu tới công chúng 70 bức ảnh sinh động...

“Hà Nội trong tôi” lần thứ 15 gồm 3 phần. Trong đó, phần 1 “Hà Nội năng động, sáng tạo, giàu bản sắc truyền thống, thân thiện, hội nhập” là những hình ảnh về Hà Nội giàu truyền thống nhưng cũng mang tinh thần hội nhập sâu rộng. Tiêu biểu như “Vẻ đẹp chùa Trấn Quốc” (Hoàng Như Thính), “Ngày lễ tại hồ Văn” (Lê Huy Cường), “Lễ hội trên phố cổ” (Lưu Phương Bình), “Một nét lễ hội bơi Đăm” (Nghiêm Đức)...

Phần 2 “Hà Nội - Thành phố xanh, văn minh và hiện đại” thể hiện Thủ đô với những công trình mới, mang dấu ấn riêng của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Trong đó có những bức ảnh ấn tượng như “Nhịp cầu ký ức” (Ngọc Tú), “Cầu Đông Trù” (Công Tiến Thịnh), “Hoàng hôn cầu Nhật Tân” (Nguyễn Văn Hải)...

Phần 3 “Những nỗ lực của chính quyền và nhân dân Hà Nội trong phòng, chống dịch Covid-19” là nét đặc biệt của triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” lần này. Tiêu biểu có các tác phẩm: “ATM gạo miễn phí - Ấm lòng mùa dịch” (Tuyến Híp), “Cô trò ngày khai trường” (Khánh Huy), “Niềm vui ngày dỡ bỏ cách ly” (Duy Linh)...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm