Trai làng Triều Khúc lả lơi trong điệu "con đĩ đánh bồng"
(Dân trí) - Những tràng trai giả gái đầu chít khăn mỏ quạ, môi son má hồng, múa "con đĩ đánh bồng" trong lễ hội truyền thống nổi tiếng của đất Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) nhằm ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm.
Hội làng Triều Khúc bắt nguồn từ tích kể lại khi Bố Cái đại vương Phùng Hưng khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đường, mỗi khi thắng trận để tổ chức ăn mừng chiến thắng và khích lệ tinh thần của nghĩa quân, ông cho trai tráng là binh sĩ đóng giả gái đeo trống nhỏ để múa hát và điệu múa trống bồng bắt nguồn từ đó.
Đi đầu là những điệu múa lân, múa rồng của các trai thanh trong làng Triều Khúc. Tiếp theo là phần rước long bào - triều phục của Hoàng đế Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Lớn để bắt đầu cuộc tế lễ.
Các chàng trai sẽ được trang điểm sao cho giống con gái...
... và mặc quần áo mớ ba mớ bảy với má phấn, môi son, khăn đỏ mỏ quạ.
Trai làng biểu diễn tiết mục “con đĩ đánh bồng”. Đây là một trong 10 điệu múa dân gian độc đáo của đất Thăng Long.
Với những động tác mô phỏng đời sống nông nghiệp của cư dân xưa, đây là điệu múa cổ có đời sống thực sự trong dân gian, vừa có chức năng nghi lễ, vừa là thú vui giải trí.
Những chàng trai giả gái vừa nhún nhảy vừa vỗ trống Bồng đeo trước bụng, miệng cười tươi, mắt lúng liếng.
Điểm độc đáo của điệu múa "con đĩ đánh bồng" này là trai giả gái với khuôn mặt được trang điểm đậm, động tác uyển chuyển, mỗi người đeo một cái trống nhỏ sơn màu đỏ trước bụng.
Toàn bộ đội múa được tập luyện cùng ban nhạc tại câu lạc bộ múa bồng vào những ngày trước hội.
Những động tác múa uyển chuyển, ánh mắt đong đưa theo nhịp trống của các “con đĩ đánh bồng”.
Những chàng trai được phép nhập vai để múa điệu múa "con đĩ đánh bồng" phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, là con trai gốc của làng Triều Khúc, mặt mũi khôi ngô tuấn tú.
Điệu múa "con đĩ đánh Bồng" thu hút nhiều dân làng Triều Khúc và du khách thập phương tới tham gia lễ hội.
Toàn cảnh lễ hội nhìn từ trên cao.
Toàn Vũ