Trác Thúy Miêu: “Nghề làm báo, để giữ liêm sỉ, có dễ như chơi?”

(Dân trí) - Nhà báo Trác Thúy Miêu chia sẻ về những kỷ niệm xương máu của nghề làm báo, về những lần bị dư luận chỉ trích dữ dội, và cả lý do vì sao- cá nhân chị lại rất khâm phục bản lĩnh của ca sĩ Hồ Ngọc Hà...

“Chê bai không thương tiếc thì đâu có đi ngược lại đám đông?”

Có ý kiến cho rằng từng là vận động viên, vừa là nhà báo vừa là giám khảo, tuy nhiên Trác Thúy Miêu lại được biết đến nhiều hơn cả sau những lần “cầm cân nảy mực” ít ỏi trên truyền hình. Chị nghĩ sao?

Vì khi là một vận động viên hay vì những bài báo tôi viết có quá nhiều chữ và vào những lĩnh vực không phải ai cũng quan tâm. Còn ở một cuộc thi, một trò chơi truyền hình chắc chắn được biết đến nhiều hơn rất nhiều dù chúng chỉ chiếm cùng lắm 1/10 thời gian hay tâm sức của tôi.

Trác Thúy Miêu: “Những “tấn công” trên bàn phím khiến tôi suy sụp”

Trác Thúy Miêu được biết đến như một nữ nhà báo đa tài, cá tính lạ và sắc sảo. Chị cộng tác với nhiều tạp chí nổi tiếng, vừa viết báo chị vừa tham gia thiết kế thời trang, làm MC và được mời làm giám khảo chương trình truyền hình thực tế...

Chị từng nói mình là phiên bản hạn chế của tạo hóa, nhưng để trở thành cái phiên bản hạn chế ấy, chị đã không ít lần đi ngược số đông (về cách biểu đạt, nhìn nhận, nhận xét quá trực diện, thậm chí chê bai không thương tiếc…) để rồi bị dư luận "ném đá" không thương tiếc?

Đó là điều khó hiểu ngay cả với tôi. Tỉ dụ nhé: chê bai không thương tiếc thì đâu có đi ngược lại đám đông?

Nói vui vậy thôi, những việc này vừa là hậu quả, vừa là phần thưởng cho những ai chọn hét tướng lên với đám đông rằng “tôi nghĩ quý vị sai hết, nhầm lẫn hết, tôi đi đường khác đây!”Quả thật đó là một sự thô thiển, khiếm nhã trong hành xử. Đám đông, hay đám đông của chúng ta là những người nhạy cảm, thế giới quan của họ vận hành chung quanh một đức tin cốt lõi - họ tin vào cái đúng của Cái Mạnh, họ tin quyền lực của Cái Mạnh là Số Nhiều, và họ sẽ không ngần ngại sử dụng quyền lực đó, thậm chí lạm dụng quyền lực đó. Nếu một cá thể tấn công vào niềm tin mong manh nhưng quyền lực hiển nhiên đó, thì phản ứng dữ dội, thậm chí cực dữ dội, là điều đương nhiên.

Nếu bạn không gục ngã sau 1 lần, 2 lần, bạn sẽ có quyền chọn coi đó là hệ quả, hậu quả, hay thậm chí sự tưởng thưởng. Cá thể đó và đám đông đó cuối cùng sẽ vẫn đi ngược nhau, không ai ngáng chân hoặc chắn đường ai. Để nói điều tôi muốn nói, sống cuộc đời mình muốn sống, tôi tình cờ tấn công đám đông vào đúng yếu huyệt mong manh nhất của họ bằng một giả định: họ rất có thể đang sai. Điều tệ hơn hết là tôi không cho họ giải pháp đúng, và họ cũng không thể quay đầu lại, vứt bỏ tất cả để thử một lối sống, một tư duy khác đi. Va chạm này khá phi lý, nhưng nó vẫn diễn ra, đám đông hài lòng vì trừng phạt được cá thể ngược chiều vận động kia, còn tôi hài lòng vì tôi không là một trong số họ. Một ít đất đá cho trường hợp win-win này cũng đâu có sao.

Chính vì thế mà chị hoàn toàn tự tin…đội mũ bảo hiểm ngồi ghế khách mời bình luận trong chương trình âm nhạc lên sóng truyền hình? Chị cảm thấy thế nào khi mong nhận được ý kiến phản biện cuối cùng lại bị “soi mói” vào chiếc mũ và suy diễn về vấn đề đạo đức?

Bạn nghĩ sao về một người cầm mảnh vải đỏ bước vào đấu trường Tây Ban Nha và trách sao bị bò tót đâm? Bạn nghĩ sao về một người cầm một món vật sặc sỡ chìa ra cho một đứa trẻ mà không hề cho rằng nó sẽ háo hức với món đồ chơi nhựa lạ mắt đó? Tôi mang đến buổi quay một phát ngôn và một đồ vật, người ta chọn phản ứng với thứ gì gần với hệ giá trị của họ nhất.

Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng vẫn có những nhận xét về tôi đại loại là một nhân vật đáng ghét, nghĩ sao mà đội nón bảo hiểm lên truyền hình. Đáng tiếc, tất cả đều được kích hoạt bởi cái nón màu đỏ, nhưng tất cả đều dừng lại trước khi có thể đặt ra câu hỏi: Tại sao cô ta làm vậy? Câu chuyện bắt đầu từ đâu?

Trác Thúy Miêu: “Những “tấn công” trên bàn phím khiến tôi suy sụp”

Trác Thúy Miêu (giữa)với hình ảnh đội mũ bảo hiểm đỏ khi ngồi ghế khách mời bình luận chương trình Bài hát yêu thích gây tranh cãi

Mỗi lần đối diện với sóng gió dư luận, chị đã vượt qua như thế nào?Những “tấn công” trên bàn phím có ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của chị?

Tôi sợ hãi, thất vọng, trách cứ, run rẩy, suy sụp, và kiệt quệ năng lượng. Đó là sự thật. Nhưng không kéo dài.

Còn gia đình, đó là những người hiểu rõ về tôi hơn bất kì đám đông nào, thậm chí điều tôi e ngại nhất là bố mẹ chồng, những người thân chưa “quen” tôi lâu đủ để hiểu, thông cảm và chấp nhận, thì bố chồng tôi gọi điện và nói: “Con đừng lo cho bố mẹ, tính cô bố lạ gì!”

“Tôi thán phục thần sắc bản lĩnh của Hồ Ngọc Hà”

Từ chính bản thân chị, giữa làn sóng chỉ trích vì màn “đấu khẩu” với đạo diễn Lê Hoàng, đội mũ bảo hiểm lên sóng truyền hình, hay chê thẳng cánh phần thể hiện của ca sĩ Đan Trường đã bị “soi” rằng “Trác Thúy Miêu là ai? Trác Thúy Miêu chưa tốt nghiệp PTTH”… đến việc không ít nữ nghệ sĩ như Hồ Ngọc Hà, Linh Nga đang bị dư luận “ném đá” và xâm phạm nghiêm trọng những thông tin về đời tư, chị có thể chia sẻ điều gì?

“Trác Thúy Miêu là ai?” đâu phải là một cục đá. Đó là một câu hỏi, và tôi vẫn đang trả lời hàng ngày đó thôi.

Còn với Linh Nga và Hồ Ngọc Hà, đặc biệt là Hồ Ngọc Hà, điều duy nhất tôi chọn để đánh giá cô đó là sức lao động cật lực mà tôi tin không có bất kì ai ngoài kia, đằng sau những trận mưa đá, có sức lao động tương tự như vậy. Mà với tôi, cứ lao động cật lực đã là lương thiện, tôi nhìn nhận Hà như vậy, và không quên cám ơn ngôi sao giải trí đó đã cho tôi không ít lần nghiêng mình thán phục thần sắc bản lĩnh của cô trên sân khấu, và tôi sẽ nghĩ mình nên lịch sự dừng lại trước khi xâm phạm tới cuộc sống của cô ấy bên ngoài sân khấu. Cô ấy không định cống hiến nó cho tôi, và tôi bị tước quyền khen chê.

Với bản thân hai nữ nghệ sĩ, vốn là hai người thành đạt hơn cả tôi rất nhiều thì tôi tin hai nhân vật này sẽ hoàn toàn biết họ phải làm gì.

Còn ở tư cách nhà báo, tôi chỉ quan tâm tới nhân vật người đàn ông được cho là giàu nhờ buôn kim cương và tê giác kia. Tôi tự hỏi: một việc hẳn nhiên là phạm pháp như vậy mà hàng ngàn hàng vạn người ngoài kia nhắc đến thản nhiên như thể anh ta là một thương nhân lương thiện không bằng. Chúng ta cứ reo hò chạy theo tình tiết yêu đương, như từng chạy theo cái nón nhựa màu đỏ, mà thản nhiên thừa nhận một kẻ bất lương làm điều phi pháp hiển nhiên như vậy. Như thể reo hò chạy theo bôi vôi lên đầu người đàn bà chửa hoang mà dung túng cho thằng ăn cắp, tên giết người vậy.

Nếu một người nhìn vào hiện tượng xã hội này để đúc kết xã hội chúng ta dung túng thản nhiên trước tội ác, thì có ai phản ứng và ném đá tiếp không?

Chị gây chú ý với phục trang cá tính khi làm MC cho Giải âm nhạc cống hiến 2014

Chị gây chú ý với phục trang cá tính khi làm MC cho Giải âm nhạc cống hiến 2014

“Báo chí là một cái nghề kiêu kỳ”

Không chỉ riêng bản thân chị, không ít nhà báo đang trở thành đối tượng bị “tấn công” bởi các cư dân mạng, các fan quá khích chỉ vì những bài báo, những quan điểm thẳng thắn động chạm tới “thần tượng” của họ. Theo chị, biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

Dễ lắm, các nhà báo đừng viết những bài báo thẳng thắn nữa.

Bạn làm được không, bạn phóng viên? Bạn có biết bị tấn công là thế nào không?  Bạn sẽ chọn làm công việc hay sứ mệnh này khác đi, theo lối đám đông ngoài kia định đoạt? Hay bạn sẽ định đoạt tư cách nghiệp vụ và sứ mệnh của mình?

Nghề cầm viết, hay báo chí, từ trong cốt lõi chính là giáo dục.

Mà nghề nào cũng vậy. Người bán tô mì, làm thật tốt việc mình làm, cũng là giáo dục, giáo dục vị giác người ta quen với thức ăn ngon. Nghệ sĩ làm tốt công việc của mình cũng là giáo dục, giáo dục người ta một sự so sánh dễ dàng giữa thăng hoa thuần khiết và thú vui ô tạp.

Nhưng với nghề báo, có ai hứa hẹn với bạn rằng giữ liêm sỉ, tư cách công chính của người cầm bút là chuyện dễ như chơi, chỉ cần hô khẩu hiệu, nam mặc sơ-mi nữ mặc áo dài và ngày 21/6 nhận hoa là được không? Tôi thì tôi hứa với bạn rằng lòng tự trọng đó không hề dễ dàng có được, dù rất rẻ, có thể bán tống bán tháo chỉ bởi một mối quan hệ, hay một suất nhuận bút còi cọc mà thôi. Để đổi lại thứ tưởng như rẻ rề đó, bạn có thể bị đe dọa, thóa mạ, tấn công, và không hề được bảo vệ.

Nếu không biết trước điều này, đừng cầm viết.  Đó là một cái nghề kiêu kỳ và thậm chí tôn nghiêm.

Sẽ chẳng có biện pháp nào ngăn chặn quyền hằn học của các độc giả, khán giả trẻ trung bồng bột đó cả. Chính lúc người ta nghĩ tới biện pháp ngăn chặn, mượn một giải pháp hay quyền lực bao trùm hơn để tiêu trừ những đòn tấn công vặt đó, đó chính là khi người ta sợ.

Không chỉ bị dân cư mạng “ném đá”, ngày càng nhiều những thông tin nhà báo bị đe dọa, thậm chí hành hung, bôi nhọ vì bài viết chống tiêu cực…được đăng tải?

Chúng ta hành xử cứ như một đám đông chỉ biết một phương thức kiểm soát duy nhất: nỗi sợ. Đám đông có thể làm vậy được, vì đó chính là thực tế.

Tôi gọi những phóng viên đó, những anh chị, dù có người còn trẻ hơn tôi đó, là những cá thể tiến hóa bước ra từ đám đông. Chính các anh chị góp phần giữ cho nghề cầm bút nguyên vẹn tư thế tượng đài mà tôi từng ngưỡng mộ và khiến tôi chọn bẻ ngoặt cuộc đời mình để trở thành một nhà báo. Đó là điều tôi sẽ nói với họ nếu gặp mặt, và nhờ bạn chuyển lời.

 “Tôi đều say sưa sống”

Trong những năm gắn bó với nghề báo, chị đã trải qua những trải nghiệm đáng nhớ hay những kỷ niệm “sốc” khi thu thập tư liệu cho bài báo - những câu chuyện chị chưa từng viết lên báo?

Nếu đó là câu chuyện, những góc độ về một nhân vật đình đám hay bình dân mà tôi chưa từng viết lên báo thì ắt hẳn bởi tôi đã có lí do, và lí do đó cho đến tận ngày nay vẫn vẹn nguyên giá trị.

Họ có thể là những nhân vật nổi tiếng, có người đã ra người thiên cổ, có người vẫn vẹn nguyên uy tín vĩ nhân trong lĩnh vực của họ. Vì chính bởi những gì họ đã cống hiến và tạo dựng, vì đức tin mẫn cảm của đám đông ngoài kia, sẽ có những câu chuyện, những “phanh phui” không cần thiết tôi sẽ chọn giữ lại cho mình.

“Sốc” nhất có lẽ những lần gọi điện báo với tòa soạn là tôi sẵn sàng hi sinh cả nhuận bút lẫn tiền túi để lấy vé máy bay chuyến gần nhất theo đuổi một nhân vật đã viện cớ “đi công tác” để thoái thác cuộc phỏng vấn. Sáng sớm hôm sau, nhân vật của tôi bước xuống sảnh khách sạn thấy tôi đã ngồi sẵn ở đó.

Hoặc một lần được một nghệ sĩ hạng A+ buông cho một câu trả lời như thể tôi là một phóng viên tập sự ở một tờ báo giải trí hạng bét vậy: “Em gửi câu hỏi qua email đi, nếu hay anh sẽ cho quản lý trả lời”. Tôi buộc phải nói với anh: “Anh ạ, trong suốt sự nghiệp thật sự đáng nể của anh, đáng tiếc anh chưa hề có một bài phỏng vấn nào đáng mặt, hoặc ít ra nghe có vẻ thông minh. Em nghĩ anh rất nên gặp em”. Ngay cả đến khi gặp mặt, tôi được cho biết là mình có 15 phút để khai thác nếu nói chuyện dở và vô tận nếu nói hay. Cuối cùng, cuộc trò chuyện đã kéo dài từ 3 giờ chiều đến tận quá nửa đêm.

Nhưng kỷ niệm gần đây nhất chính là cuộc phỏng vấn với đại sứ tổ chức bảo vệ động vật châu Á, minh tinh điện ảnh gốc Việt Maggie Q. Sau hai năm không còn thực hiện những bài phỏng vấn, tôi đã nhận lời săn đuổi cho bằng được quyền phỏng vấn trực tiếp này dù một tạp chí lớn đã giành độc quyền khai thác. Tôi đã phải…lừa Maggie Q, khi khiến cô nhầm lẫn tôi là một nghệ sĩ người bản xứ, và thú thật: “Tôi không phải nghệ sĩ, tôi chỉ là một phóng viên và cũng là một nhà hoạt động vì phúc lợi động vật, tôi cần của cô 30 phút”. Một cuộc ngã giá diễn ra, Maggie đã khá mệt và 30 phút theo cô là quá nhiều. Nhưng cuộc nói chuyện đã kéo dài hơn chúng tôi tưởng, đủ lượng thông tin để chia đều cho 3 đồng nghiệp khác, trong đó có con trai tôi đang thực tập ngành báo chí. Thông điệp tuyệt vời của Maggie Q được khai thác, trực diện, bạo liệt và đầy nhân văn.

Đặc quyền tôi đã tự tạo ra cho mình đó là kiểu điên khùng lãng mạn, lý tưởng hóa nghề nghiệp của mình và coi nó là sứ mệnh. Bằng cách đó, ở bất kì góc độ nào khác của cuộc đời, tôi đều say sưa sống, ngay cả dưới một “cơn mưa gạch đá” lớn hơn nữa.

Ngoài công việc, chị là người phụ nữ của gia đình, thích nấu ăn và yêu động vật

Ngoài công việc, chị là người phụ nữ của gia đình, thích nấu ăn và yêu động vật

Có khi nào chị cảm thấy bị áp lực, sa sút tinh thần trước những thị phi mình gặp phải? Chị có cách gì để cân bằng giữa công việc nhiều bận rộn với cuộc sống đời thường của người phụ nữ trong gia đình?

Tôi nấu ăn, tôi rất thích nấu ăn và tôi nấu món chay rất giỏi. Ngoài ra, tôi còn tham gia hoạt động cứu hộ và cưu mang động vật, thú nuôi và tìm cho chúng những chủ nuôi tốt bụng. Chơi đùa với chúng, xem chúng lành lặn và an toàn, từ những sinh vật rụt rè hoảng loạn, chúng lại tập chơi với tôi, lấy lại sự hồn nhiên của loài vật, tôi học ở chúng cách tha thứ cho loài người. Hóa ra tôi cứu hộ chúng, nhưng chính chúng cứu rỗi cho tôi.

Xin cảm ơn chị!

Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm