TPHCM phát triển 170 CLB đờn ca tài tử
(Dân trí) - Ngày 5/12/2015, nhân kỷ niệm 2 năm ngày UNESCO ghi danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể, Trung tâm Văn hóa TPHCM đã tổ chức tổng kết 2 năm hoạt động quảng bá môn nghệ thuật này đến cộng đồng.
Theo Trung tâm Văn hóa TPHCM, ngày 6/12/2013, UNESCO (Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) đã chính thức ghi danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến đầu năm 2014, TPHCM là địa phương được Bộ VHTT&DL giao nhiệm vụ đại diện 21 tỉnh thành có nghệ thuật đờn ca tài tử tổ chức chương trình đón nhận bằng ghi danh này đã gây dấu ấn trong nước và quốc tế.
Sau khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hoạt động đờn ca tài tử Nam bộ ở thành phố ngày càng phát triển. Trung tâm Văn hóa thành phố phối hợp các ban ngành tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu về Nghệ thuật Đờn ca tài tử được tạo được phong trào sôi nổi.
Bà Trần Ngọc Lan, Trung tâm Văn hóa TPHCM, cho biết: “Hiện đờn ca tài tử đã được trung tâm đưa vào các chương trình biểu diễn giao lưu định kỳ, phục vụ trường học… Người dân thành phố ngày càng quan tâm đến loại hình nghệ thuật này hơn. Trong 2 năm qua, số lượng hội viên các câu lạc bộ đờn ca tài tử đã tăng gấp đôi, từ 1.000 hội viên lên thành 2.000 hội viên hoạt động trong 170 CLB trên khắp địa bàn thành phố”.
TS. Mai Mỹ Duyên, chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử thuộc Trung tâm Văn hóa TPHCM, cũng đánh giá hoạt động năm 2015 của CLB rất thành công. Ngoài hoạt động biểu diễn, các thành viên CLB đã tham gia giảng dạy trong chương trình “Đưa văn hóa - nghệ thuật dân tộc đến với phong trào xây dựng nông thôn mới” tại 5 huyện ngoại thành, đào tạo tài năng nghệ thuật, giảng dạy và nói chuyện chuyên đề về Nhạc Tài tử tại các trường đại học, thực hiện chương trình “Đưa nghệ thuật đờn ca tài tử và âm nhạc dân tộc và trường học”…
Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất cần quảng bá loại hình nghệ thuật này sâu rộng hơn nữa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của quần chúng. Để làm được điều đó, bà Trần Ngọc Lan đề nghị thời gian tới các CLB cần đẩy mạnh hoạt động truyền nghề, tổ chức biểu diễn, nghiên cứu sưu tầm… Đặc biệt, chế độ đãi ngộ nghệ nhân, nghệ sĩ cần được quan tâm xây dựng, thù lao phải xứng đáng, thăm hỏi khi đau ốm...
Minh Nhật