Tôn Nữ Thị Ninh - “người đàn bà thép” quyến rũ

(Dân trí) - Gốc gác cung đình Huế, người phụ nữ có vẻ đẹp bề ngoài cổ điển Tôn Nữ Thị Ninh lại là điển hình vượt qua mọi định kiến.

Mỗi khi xuất hiện, cho dù là ở hoạt động ngoại giao, giáo dục hay văn hóa, trong những cuộc nói chuyện với sinh viên hay hoạt động từ thiện, xã hội, bà lúc nào cũng gây ấn tượng về sự lịch thiệp, duyên dáng, và đặc biệt là tầm vóc trí tuệ.

Chọn thách thức, không chọn bình an

Tôn Nữ Thị Ninh - “người đàn bà thép” quyến rũ


Tôn Nữ Thị Ninh cùng gia đình sang Pháp từ khi mới 3 tuổi và tốt nghiệp Đại học Sorbon (Pháp), đại học Cambridge (Anh). Sự lựa chọn đầu tiên là thời điểm năm 1972, khi quyết định rời Pháp về nước theo tiếng gọi của Mặt trận giải phóng dân tộc. Bà cho biết: “Việc đó được quyết định vô cùng tự nhiên, không có bất cứ dằn vặt, toan tính nào”.

Tôn Nữ Thị Ninh sớm trở thành một nhà giáo dục tầm cỡ, tuy nhiên, cái duyên đến với ngành ngoại giao lại đưa cuộc đời bà đi theo những hướng mới đầy thách thức. “Thời điểm năm 1979, tôi phải lựa chọn giữa việc ở lại Sài Gòn hay ra Hà Nội sống, có hai luồng ý kiến đối lập dữ dội, nhiều người khuyên tôi đừng ra vì cuộc sống lúc đó đang khó khăn nhiều quá. Thế nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn sự khó khăn. Tôi thích những thách thức mới, tôi chưa bao giờ được đào tạo để làm ngoại giao nên lời mời ra làm công tác ngoại giao đối với tôi là một thử thách rất mới”.

Phong cách “ngọn lửa trên cao”

Tôn Nữ Thị Ninh - “người đàn bà thép” quyến rũ


Trí tuệ mẫn tiệp, sắc sảo và tính cách sắt đá, cương quyết, bà đã công tác trong ngành ngoại giao hơn 20 năm, trở thành chiếc cầu nối thế giới và VN, đảm nhiệm rất nhiều vị trí quan trọng, hỗ trợ cho phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại các vòng đàm phán Hiệp định Paris, đại sứ ở Bỉ, Luxembourg, kiêm trưởng phái đoàn đại diện VN với Liên minh Châu Âu tại Brussels (Bỉ), đại sứ đặc mệnh toàn quyền của VN tại Liên minh Châu Âu, Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại quốc hội, Đồng chủ tịch nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin; Phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình VN, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Đại học Trí Việt…

Trong suốt quãng đời hoạt động ngoại giao, nhiều lần bà khiến mọi người bất ngờ vì cách tranh luận thẳng thừng, khí khái, truyền thống được thừa hưởng từ gia đình gốc Huế, khác hẳn với vẻ bề ngoài dịu dàng, kín đáo mà vẫn quyến rũ. Là phụ nữ, để có thể hoạt động được trong ngành ngoại giao đã khó, kết hợp được cương - nhu càng khó hơn, và quan trọng nhất, theo bà, là phải không được khóc…

Điều này đúng cả trong những chuyện lớn lao như khi phải đấu tranh cam go với các bên quanh bàn đàm phán để có thể giành được chiến thắng, tôn vinh dân tộc; mà cũng đúng ngay cả trong những chuyện đời thường như vượt qua định kiến về “phái yếu” vốn bị “đóng đinh” là nhỏ nhen, không có chiến lược, thiếu tầm nhìn… trong con mắt một nửa còn lại của thế giới.

Vượt qua định kiến, lao vào gian khó và tỏa sáng với thành công rực rỡ, Tôn Nữ Thị Ninh tự chọn cho mình hình ảnh “ngọn lửa trên cao” để thể hiện một cuộc đời luôn rực cháy, thôi thúc bởi hoài bão và mong muốn truyền lửa tri thức và văn hóa đến giới trẻ.


Tôn Nữ Thị Ninh - “người đàn bà thép” quyến rũ

“Tư duy và chia sẻ” là cuốn sách đầu tiên của nhà hoạt động ngoại giao, giáo dục và văn hóa Tôn Nữ Thị Ninh

Đổi mới và xây dựng thương hiệu quốc gia

Hoạt động ngoại giao trong quan niệm của Tôn Nữ Thị Ninh chính là “tiếp thị hình ảnh” cho đất nước. Bà là một trong số những người Việt đầu tiên thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng thương hiệu quốc gia, cho dù gặp muôn vàn khó khăn bởi người nhận thức được vấn đề đã ít, người hành động còn ít hơn.

Bốn mươi năm sau hòa bình, chúng ta đã phát triển nhưng với tốc độ chậm hơn rất nhiều nước xung quanh, đây chính là nỗi trăn trở thôi thúc rất nhiều trí thức và lớp trẻ ngày nay xông vào tìm cách đưa ra lời giải. “May cho đất nước là những câu hỏi như thế đã luôn xuất hiện. Và tôi luôn gặp được những lớp người trẻ yêu thích thách thức và đi tìm cơ hội – Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói – Tôi không phủ nhận thành tựu của đổi mới nhưng hãy cứ thử nhìn ra các nước xung quanh xem họ đã vượt lên như thế nào. Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan thành công hơn VN nhiều. Tôi rất sợ nguy cơ bình bình cứ thế mà làm, chúng ta sẽ tụt hậu”.

Bà phân tích thêm: “Chúng ta đang đứng trước thách thức và cơ hội đổi mới 2, đòi hỏi tầm vóc vươn lên, dám nghĩ, dám làm. Phải có một lực lượng trí thức và chuyên gia mới làm được cuộc đổi mới 2 này. Chúng ta đang cần một hơi thở mới. Kêu gọi thanh niên vươn lên bằng trí tuệ và sức lực của mình nhưng nhà nước có trách nhiệm phải rước thanh niên lên”.

Tin tưởng vào người Việt, bà chia sẻ và nhấn mạnh: “Hãy sống trung thực, tự trọng, dấn thân với xã hội và đất nước. Tuy nhiên, vì cuộc đời là một chuỗi những thoả hiệp nên hãy cố gắng lựa chọn trả giá thấp nhất. Ngay từ tuổi trẻ, thanh niên đã luôn phải cân nhắc xem xét những thoả hiệp của mình, đặt vấn đề làm chủ cuộc đời ra thật sớm và phải đồng hành với yêu cầu đó suốt đời. Bởi vì thách thức, nguy cơ và cơ hội luôn đến trên suốt dọc đường. Tôi rất vui vì thường gặp và được làm việc với những thanh niên có nhiều trăn trở, làm sao để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.

Cuốn sách đầu tiên của bà đại sứ ngoại giao

Hình ảnh trích trong cuốn sách

Hình ảnh trích trong cuốn sách

“Tư duy và chia sẻ” chứa đựng những câu chuyện về tấm gương sáng ngời của người phụ nữ đặc biệt có tên trong bảo tàng phụ nữ Việt, niềm tự hào và là tài sản quý báu của quốc gia. Bà từng nhận được Huân chương lao động hạng nhất, Huân chương Bắc đẩu Bội tinh (Pháp trao tặng) và Huân chương Leooild II (Bỉ trao tặng). Cuốn sách còn là trí tuệ, tầm nhìn đối với xã hội Việt Nam và thế giới, và đúc kết những bài học quý báu sau suốt quãng đời hoạt động mạnh mẽ của bà đại sứ ngoại giao, nay đã 68 tuổi. Sách  415 trang, NXB Trẻ ấn hành, nhiều bài viết đã dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp, được chia thành 4 phần và được phát hành đúng vào ngày hôm nay 8/3.

Hòa Bình