Họa sỹ N.R.Deniale- Phu nhân ngài đại sứ Vương quốc Maroc tại Việt Nam:

“Tôi thích nhất Tết Việt Nam, có đào và quất”

(Dân trí) - 10 năm sống tại Việt Nam, 5 năm theo học vẽ tranh sơn mài, đối với họa sỹ N.R. Deniale văn hóa và cuộc sống thường nhật của con người Việt Nam nhân ái chính là “chất liệu” tuyệt vời để thể hiện các ý tưởng vào tranh vẽ.

PV Dân Trí đã có cuộc trò chuyện với họa sỹ người Ma-rốc này:

Xin chào bà! Bà có thể chia sẻ đôi điều về triển lãm tranh vừa mới ra mắt của mình ?

Đây là triển lãm đầu tiên của tôi tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, có tên “Từ trái tim đến tâm hồn”. Triển lãm này là cảm nhận về sự giao thoa văn hóa giữa hai đất nước Ma-rốc và Việt Nam được thể hiện thông qua nghệ thuật sơn mài, sơn dầu.

Vì sao là “Từ trái tim đến tâm hồn”,thưa Bà ?

Trái tim ở đây là chính trái tim của tôi và tâm hồn là khi tôi đến được Việt Nam. Tôi cảm nhận được tâm hồn Việt Nam qua truyền thống, phong tục, cảnh đẹp và con người nơi đây. Đó là những điều đã khắc sâu trong tâm khảm tôi, là điều tôi ấn tượng. Và triển lãm này là từ tận trái tim tôi.

“Tôi thích nhất Tết Việt Nam, có đào và quất” - 1
Họa sỹ N.R.Deniale- Phu nhân ngài đại sứ Vương quốc Maroc đón khách và giới thiệu về các tác phẩm của mình (Ảnh: Q.Nguyên)
Họa sỹ N.R.Deniale- Phu nhân ngài đại sứ Vương quốc Maroc đón khách và giới thiệu về các tác phẩm của mình (Ảnh: Q.Nguyên)

Bà đã sáng tạo các tác phẩm đó như thế nào?

Đi dạo trên những con phố cổ Hà Nội tấp nập, hối hả luôn làm tôi nhớ tới những thành cổ tráng lệ ở Ma-rốc như Fes, Rabat, Marrakech…từ đó khơi gợi biết bao cảm hứng sáng tạo.

Đôi khi đó là những khoảnh khắc tôi tưởng tượng, hay những điều tôi cảm nhận được và nâng niu. Cũng có khi là những gì tôi trau dồi được trong suốt quãng thời gian ở Việt Nam.

Đất nước của chúng tôi là nguồn cảm hứng cho bà ?

Đúng vậy! Đối với tôi, quãng thời gian sống tại đất nước tuyệt vời của các bạn là thời kì sáng tác nghệ thuật rực rỡ với những trải nghiệm đầy cảm xúc. Cảm hứng sáng tạo ấy đã được truyền tải qua các tác phẩm của tôi.

Mỗi tác phẩn đều khơi nguồn từ cảm nhận của một nghệ sĩ Ma-rốc và thể hiện qua những chất liệu rất Việt Nam. Một nền văn hóa đa dạng, với phong cảnh hữu tình và con người nhân ái.

Tôi đã đi du lịch nhiều nơi như Tây Ban Nha, Nam Phi, Canada, Anh… nhưng Việt Nam là đất nước tuyệt vời nhất. Tôi luôn cảm thấy biết ơn những khoảnh khắc kỳ diệu mình đã trải qua trên đất nước Việt Nam.

Tôi rất yêu đất nước của các bạn!

Bà hài lòng nhất với tác phẩm nào của mình ?

Tôi hài lòng nhất với hai tác phẩm về hoa đào và cây quất. Đây là hai loại cây rất được ưa chuộng vào dịp Tết tại Việt Nam. Tôi rất thích Tết, thích đào và quất- nét đặc trưng văn hóa của đất nước Việt Nam.

Một trong những bức vẽ tâm đắc của bà Deniale, mang tên “Ngày Tết” (Ảnh: Q.Nguyên)
Một trong những bức vẽ tâm đắc của bà Deniale, mang tên “Ngày Tết” (Ảnh: Q.Nguyên)

Bà thấy sự hấp dẫn của tranh sơn mài như thế nào và tại sao kì công theo đuổi ?

Tôi đã học tranh sơn mài của Việt Nam cách đây 5 năm, tôi rất thích vì đây là một chất liệu đặc biệt. Tôi từng học vẽ ở các nước khác nhau nhưng hầu hết chỉ là vẽ tranh sơn dầu.

Lần đầu tiên vẽ sơn mài có gặp khó khăn nhưng nhờ người thầy của tôi nên bây giờ mọi thứ đã bình thường. Tôi đã quen với nó rồi.

Đối với tôi, hội họa vừa là sự nghiền ngẫm, vừa là một cách để thư giãn.

Nếu chỉ dùng một từ để nói về cảm nhận của bà khi sống tại Việt Nam, đó là gì ?

“Hạnh phúc- Tôi cảm thấy rất hạnh phúc . Kể từ khi tới Hà Nội, tôi luôn cảm thấy thật may mắn vì đã được làm bạn với rất nhiều người bạn Việt Nam, những người đã chia sẻ với tôi biết bao kinh nghiệm quý giá.

Nhân dịp này, tôi mong muốn bày tỏ sự biết ơn chân thành nhất tới người thầy của tôi tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội- bà Lê Kim Mỹ và bà Nguyễn Thị Lan Hương, những người luôn dành cho tôi sự ủng hộ và khuyến khích lớn lao.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà và chúc bà thật nhiều sức khỏe!

Nói về người học trò của mình, Bà Lê Kim Mỹ (Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ:

“Chất liệu sơn mài là một chất liệu khó khăn đối với người nước ngoài vì khi vẽ có thể bị lở sơn. Sơn mài vẽ khó hơn các chất liệu khác. Khi biết được chị Deniale muốn học, tôi đã giải thích rất nhiều lần là không nên nhưng chị rất quyết tâm. Những bức vẽ từ nhỏ cho tới lớn, dần dần tiến bộ từng bước. Sau 5 năm học chị đã có tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc. Triển lãm hôm nay tôi hơi ngạc nhiên, là sung mãn vô cùng”.

Quỳnh Nguyên