NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam:

“Tôi luôn đưa thông điệp văn hoá vào từng mẫu thiết kế”

(Dân trí) - NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho rằng, anh luôn chú trọng đưa những thông điệp về văn hoá trong từng mẫu thiết kế. Vì lẽ đó khách hàng đến với anh thường là những người yêu văn hoá và tinh tế trong gout thẩm mỹ.

Là một trong những nhà thiết kế tham dự Tuần lễ thời trang Xuân – Hè 2017 năm nay, anh đã mang những gì độc đáo của thương hiệu mình đến với sự kiện này?

Năm nay tôi mang đến Tuần lễ thời trang Xuân – Hè 2017 2 bộ sưu tập. Bộ sưu tập thứ nhất hướng đến các đối tượng công sở, may sẵn và sản xuất với số lượng nhiều. Toàn bộ hoạ tiết – hoa văn của bộ sưu tập này này tôi lấy ý tưởng từ gốm Bát Tràng, sau đó sử dụng công nghệ in 3D và kết hợp với thêu đính để tạo nên những bộ trang phục kết hợp. Ví như áo sơ mi với chân váy, đồ vest - quần âu, áo vest đi với đầm liền… Với xu hướng của Xuân – Hè 2017 nên tôi dùng những gam màu tươi trẻ như: vàng thư, xanh lam và vàng cam để những bộ trang phục này có thể sử dụng trong các tiệc hè trên biển hoặc trong các sự kiện trang trọng. Còn chất liệu của bộ sưu tập này là lụa và đều do tôi tự sản xuất.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam giới thiệu các mẫu thiết kế trong hai bộ sưu tập của mình tại buổi họp báo Tuần lễ thời trang Xuân - Hè 2017. Ảnh: NVCC.
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam giới thiệu các mẫu thiết kế trong hai bộ sưu tập của mình tại buổi họp báo Tuần lễ thời trang Xuân - Hè 2017. Ảnh: NVCC.

Với bộ sưu tập thứ hai tôi có đưa công nghệ mới vào đó là hoạ tiết nhung với những chấm tròn để tạo hiệu ứng 3D. Bình thường, công nghệ in chỉ tạo nên một hình ảnh thôi thì với công nghệ mới này sẽ tạo nên hiệu ứng mạnh hơn. Ngoài ra, toàn bộ hoạ tiết – hoa văn đều được chủ yếu làm bằng tay vì đây là những mẫu đầm xuyên thấu, dành cho giới trẻ mặc trong những sự kiện đặc biệt. Và thế mạnh của tôi là những bộ áo dài nhung đính hoa văn nên khi trông xa thì những chiếc đầm xuyên thấu này trông như những tà áo dài nhưng khi đến gần thì nó hoàn toàn là những chiếc váy. Đó cũng là điểm đặc biệt của những chiếc váy trong bộ sưu tập này.

Việc sử dụng hình ảnh của gốm để đưa vào bộ sưu tập mang hơi hướng hiện đại và đính kết hoạ tiết nhung trên những chiếc đầm xuyên thấu có khiến anh gặp nhiều khó khăn không?

Cả 2 bộ sưu tập này đều chung một ý tưởng là xuất phát từ những hoạ tiết gốm của Bát Tràng do chính tay tôi vẽ lại, cách điệu đi một chút. Tuy nhiên, xử lý chất liệu thì khác đi. Nếu bộ sưu tập thứ nhất sử dụng chủ yếu là lụa bóng thì tôi in và thêu 3D, còn bộ cô-tuya thì hàng lụa chiffon mỏng.

Cái khó khăn lớn nhất chính là áp lực về thời gian. Để cả 2 bộ sưu tập kịp hoàn thành đúng tiến độ chúng tôi phải huy động toàn bộ nhân lực để làm. Vì những hoạt tiết nhung đính trên đầm xuyên thấu đều phải sắp bằng tay, giống như tranh đá quý. Nói thật là nếu không đam mê thời trang thì khó ai đủ kiên nhẫn để ngồi làm những thứ tỉ mẩn như thế được. Vì thế, trong quá trình làm bộ sưu tập tôi phải truyền cảm hứng cho các bạn nhân viên rất nhiều.

Vậy trong 2 bộ sưu tập lần này, anh đã phải huy động bao nhiêu người, làm trong bao nhiêu lâu và ra được bao nhiêu sản phẩm?

Bộ sưu tập thứ nhất là 25 bộ trang phục và bộ thứ hai là 10 bộ, tổng cộng là 35 bộ. Công nghệ sử dụng trong 2 bộ sưu tập lần này là đã phát triển cách đây một năm rồi. Và khi bắt tay thực hiện thì nguyên liệu cũng đã có sẵn rồi, chỉ bắt tay thực hiện các khâu đính kết mà thôi nên thời gian thực hiện cũng xấp xỉ 2 tháng. Toàn bộ nhân lực sử dụng để trực tiếp làm hai bộ sưu tập này là khoảng 30 người.

Một mẫu đầm do Hoa hậu Ngọc Hân làm người mẫu của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam. Ảnh: NVCC.
Một mẫu đầm do Hoa hậu Ngọc Hân làm người mẫu của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam. Ảnh: NVCC.

Nhiều người cho rằng, thời trang Việt nhiều năm nay vẫn còn nặng tính trình diễn, chưa mang tính ứng dụng cao. Anh có sợ việc tạo nên những mẫu thiết kế có phần cầu kỳ như vậy sẽ khiến “định kiến” trên có phần tăng thêm?

Tôi cho rằng, nói thời trang Việt nhiều năm nay vẫn còn nặng tính trình diễn, chưa mang tính ứng dụng cao là góc nhìn hơi hẹp. Có những nhà thiết kế, thiết kế những bộ trang phục cho đối tượng là người mẫu, Hoa hậu, nghệ sĩ… nên buộc phải mang tính biểu diễn nhiều hơn. Còn đối tượng là những người bình thường thì những bộ trang phục phải luôn được chú trọng đến tính ứng dụng. Có thể, những bộ trang phục đó khi lên sân khấu phải mix với các đồ phụ kiện nữa để phù hợp với bối cảnh sân khấu nhưng khi mặc ở ngoài không nhất thiết phải cầu kỳ đến thế.

Tất nhiên, tôi cũng không phủ nhận ở đâu đó, có những nhà thiết kế trẻ, họ say mê tạo nên những bộ trang phục hơi khác thường để tạo dấu ấn. Nhưng sau nhiều năm làm nghề, khi tiếp xúc với khách hàng và hiểu hơn về thị hiếu thời trang thì họ sẽ có sự điều chỉnh để nâng cao tính ứng dụng.

Đỗ Trịnh Hoài Nam và vợ đang cố gắng đưa thương hiệu của mình vượt xa khỏi không gian Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Đỗ Trịnh Hoài Nam và vợ đang cố gắng đưa thương hiệu của mình vượt xa khỏi không gian Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Trong số những khách hàng thân thiết của anh, có khách hàng nào đặc biệt và luôn dành cho những mẫu thiết kế của anh một tình yêu đặc biệt?

Khách hàng đến với những thiết kế của tôi khá đa dạng. Có cả doanh nhân, chính khách, nghệ sĩ và cả những người bình thường. Tuy nhiên, có những người đặc biệt hơn một chút khi vừa là chính khách, vừa là nghệ sĩ như Đại sứ Hy Lạp. Ông ấy rất yêu những thiết kế của tôi bởi ông ấy cảm nhận được tầng sâu văn hoá ẩn chưa trong từng loại chất liệu, trong các hoạ tiết, hoa văn… ở từng bộ trang phục. Đó cũng là phong cách của tôi.

Thực sự là khi tạo ra bất kỳ một mẫu thiết kế nào tôi cũng chú trọng đến việc đưa một thông điệp về văn hoá. Tôi nói ví dụ, áo dài bình thường vốn đã mang đậm dấu ấn Việt Nam nhưng khi mang qua trình diễn ở Hy Lạp thì mình phải biết tạo nên sự giao thoa văn hoá để những người dân ở đó họ cảm nhận được sự gần gũi qua từng chiếc áo dài. Tôi đã cảm nhận được niềm hạnh phúc của họ khi nhìn thấy chiếc áo dài có hình ảnh của đất nước họ. Đó là lí do vì sao khách hàng của tôi rất nhiều là các Đại sứ quán, tham tán Đại sứ quán hoặc chính khách nước ngoài.

Cám ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long