Diễn viên phim “Đội đặc nhiệm nhà C21":

“Tôi chưa bao giờ cho phép mình nghĩ đến cái chết”

Hà Tùng Long

(Dân trí) - "Nhiều khi tôi còn quên mất mình đang mắc bệnh hiểm nghèo và tuyệt nhiên chưa bao giờ cho phép mình nghĩ đến cái chết", diễn viên Đức Thịnh - Sơn "sọ" của phim "Đội đặc nhiệm nhà C21" chia sẻ.

Diễn viên Đức Thịnh gắn với vai diễn Sơn “sọ” trong bộ phim “Đội đặc nhiệm nhà C21”, phát sóng năm 1998. Cách đây hơn nửa năm, nam diễn viên phát hiện mình bị ung thư hạch nhưng vẫn giữ tinh thần lạc quan, chiến đấu hết mình để chống lại bệnh tật và làm nhiều việc có ích cho cuộc đời.

“Tôi chưa bao giờ cho phép mình nghĩ đến cái chết” - 1

Bộ phim "Đội đặc nhiệm nhà C21" do Đức Thịnh thủ vai Sơn "sọ" từng đi vào ký ức của nhiều thế hệ khán giả truyền hình.

Sức khoẻ của anh như thế nào sau một thời gian chữa trị bệnh ung thư?

Đến thời điểm hiện tại, tôi đã truyền được 9 đợt hoá chất. Sáng hôm qua đi khám, bác sĩ quyết định sẽ cho tôi truyền hoá đợt 10 vào hôm nay, ngày mai sẽ thực hiện thải độc.

Trong các đợt truyền hoá chất đã qua, chỉ duy nhất là đợt truyền thứ 7 là có một chút vấn đề về sức khoẻ, các đợt truyền còn lại vì đã chuẩn bị tinh thần nên mọi thứ vẫn ổn.

Tất nhiên, khi truyền hoá chất vào người thì sẽ rất mệt mỏi. Mỗi khi như thế tôi thường phải gác công việc lại để nghỉ ngơi. Có điều, tôi không thực hiện chế độ ăn uống kiêng khem nào cả. Cái gì tốt cho sức khoẻ, tôi đều chịu khó ăn uống. Thậm chí, tôi khi còn ăn nhiều hơn so với lúc bình thường.

Ở thời điểm hiện tại, tôi đang tăng 5kg so với thời kỳ chưa chữa trị bệnh. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp… cũng hay gửi đồ bổ cho tôi dùng nên khi dùng những thứ đó cũng làm tôi tăng cân khá nhanh.

Hàng ngày, thường thì tôi nghỉ ngơi rất ít rồi lại ngồi dậy để tiếp tục công việc. Nếu nằm một chỗ và chỉ nghĩ đến sự mệt mỏi đó sẽ rất khó để gượng dậy. Tôi làm nghệ thuật nên mỗi khi nghĩ đến niềm vui trong công việc, tôi quên đi bệnh tật, sức khoẻ nhờ thế mà tốt lên. Nhiều khi tôi còn quên mất mình đang mắc bệnh hiểm nghèo và tuyệt nhiên chưa bao giờ cho phép mình nghĩ đến cái chết.

Trong thời gian đó, giai đoạn nào khiến tinh thần của anh đi xuống nhất?

Thực ra chưa có khi nào tinh thần của tôi bị xuống cả. Chỉ có điều, khi công việc của tôi đang rất tốt, các dự án nghệ thuật vẫn đang hoạt động bình thường và tôi đang chuẩn bị để khởi quay một bộ phim chiếu rạp thì việc phát hiện mình bị bệnh làm tôi hụt hẫng một chút.

Lúc đó, tôi lo lắng nếu lỡ ngày mai mình có mệnh hệ gì thì các dự án đó sẽ như thế nào, anh em sẽ trông cậy vào ai khi tôi đang đóng vai trò “anh cả”. Ung thư mà, không ai nói trước được điều gì. May mắn, sự hụt hẫng đó thoáng qua nhanh và sau đó tôi lấy lại được cân bằng để tiếp tục công việc. Thời gian qua, dường như tôi không nghỉ ngơi nhiều mà vẫn hoạt động công việc đều đặn.

“Tôi chưa bao giờ cho phép mình nghĩ đến cái chết” - 2

Đức Thịnh trong lễ giỗ Tổ nghề sân khấu mới đây.

Thấy anh như thế, gia đình có lo lắng nhiều không?

Mọi người trong gia đình thấy tôi “hồn nhiên như cô tiên” thì cũng yên tâm hơn so với trước. Chắc cũng vì đã truyền hóa chất đến lần thứ 10 rồi nên mọi người cũng đã dần quen với cách sinh hoạt của tôi. Quen cái cách tôi đi lại bệnh viện chữa bệnh và uống thuốc mỗi ngày nên mọi người không còn sốt sắng như trước.

Các con còn bé nên không biết bố bị ung thư, thấy bố béo lên thì gọi “bố bụng bự”. Với vợ thì vì đã đồng hành với tôi quá nửa năm trời kể từ khi phát hiện bệnh nên đến giờ phút này cũng đã quen dần, tâm lý ổn hơn rất nhiều. Mọi thứ trong gia đình vẫn cố gắng giữ nhịp sinh hoạt như ngày xưa.

Anh có chia sẻ là bố anh từng tuyên bố nếu anh bị nặng quá sẽ bán hết tài sản để chữa chạy cho anh bằng mọi cách?

Cho đến giờ phút này thì tôi còn 3 đợt truyền hoá chất nữa nhưng kinh tế cũng chưa đến mức độ kiệt quệ. Bố tôi cũng đã bán ô tô và đưa tiền cho tôi để chạy chữa. Tôi nghĩ rằng, mặc dù bố sẵn sàng bán hết gia tài để chạy chữa cho tôi nhưng tôi sẽ không để ông phải làm chuyện ấy. Ông bán xe ô tô, với tôi thế là đã đủ lắm rồi.

Theo anh làm thế nào để giữ được tinh thần lạc quan?

May mắn cho tôi là hoạt động trong môi trường nghệ thuật nên toàn được tiếp xúc với những điều tươi vui. Tôi thường hướng suy nghĩ của mình đến những tác phẩm, dự án và kế hoạch của mình nên cũng không có nhiều thời gian để nghĩ nhiều về bệnh tật.

Những người mắc bệnh ung thư thường nhanh suy sụp bởi họ nghĩ mình không thể lao động nặng được nữa. Nhưng công việc của tôi không đòi hỏi phải lao động quá nặng nhọc. Công việc của tôi chỉ đơn giản là viết kịch bản, sáng tác ca khúc, ra hiện trường quay một bộ phim… Nếu không làm được mười phần thì anh em sẽ hỗ trợ tám phần, còn tôi chỉ làm khoảng hai phần thôi. Đó là lý do đầu tiên giúp tôi không bị suy sụp về tinh thần khi mắc bệnh.

Lý do thứ hai là bên cạnh tôi lúc nào cũng có gia đình và bạn bè động viên, quan tâm, chăm sóc. Nếu muốn gia đình, bạn bè không lo lắng thì bản thân tôi phải mạnh mẽ, lạc quan trước tiên. Tôi luôn làm được điều đó hơn cả khả năng của bản thân vì bình thường tôi cũng là người sống rất tích cực, lạc quan.

“Tôi chưa bao giờ cho phép mình nghĩ đến cái chết” - 3
“Tôi chưa bao giờ cho phép mình nghĩ đến cái chết” - 4

Đức Thịnh và vợ trong chương trình âm nhạc gây quỹ cho bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện K - Tân Triều.

Anh có chia sẻ là thời gian qua anh ngộ ra nhiều điều nhờ đọc sách. Anh thấy bản thân thay đổi như thế nào?

Tôi yêu gia đình hơn, chia sẻ nhiều hơn với xã hội. Tức là khi mình hiểu hơn về bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư thì tôi dễ dàng chia sẻ với mọi người hơn và kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn cũng được hưởng ứng mạnh mẽ hơn.

Tôi cũng ngộ ra rằng, khi công nghệ xâm lấn mọi khía cạnh của đời sống, con người ta dễ quên đi bên cạnh mình vẫn còn có gia đình và quên đi giá trị của việc đọc sách theo kiểu truyền thống. Vì thế, khi bị bệnh tôi tìm về với sách và nhận ra rất nhiều giá trị từ sách. Ngoài ra, tôi cũng ngộ ra mình cần phải sống gần hơn với thiên nhiên và vui hơn với những thứ xung quanh mình chứ không nên chỉ biết cắm cúi vào các phương tiện công nghệ.

Có thể hình dung, vì công việc mà trước đây anh không được gần gũi gia đình với gia đình?

Đúng thế, trước đây tôi làm việc với cường độ rất cao. Những lúc đi diễn xa, đặt chân về đến nhà là đã quá nửa đêm, vợ con đã ngủ say. Sáng dậy, tôi ngủ tới trưa mới dậy thì vợ đã đi làm, con đã đi học. Thành ra, dù ở cùng một nhà nhưng thời gian để trò chuyện, vui đùa với vợ con rất ít ỏi. Chu kỳ đó lặp lại cả chục năm trời như vậy. Rồi bố mẹ dù ở chung một nhà, cách nhau có 1 tầng thôi nhưng cũng rất ít khi gặp vì lịch làm việc trái múi giờ.

Bây giờ tôi không cho phép mình làm việc như thế nữa. Tôi kiên quyết không nhận đi diễn ở các tỉnh xa, chỉ loanh quanh ở Hà Nội thôi để đi sớm về sớm. Bây giờ, cùng lắm tôi chỉ đi làm đến 12h đêm và 7h sáng đã phải thức dậy rồi. Quãng thời gian sống kiểu nghệ sĩ như vậy đã quá đủ rồi.

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm