Tọa đàm khoa học "Hoàng hậu Bạch Ngọc và khởi nghĩa Lam Sơn"

(Dân trí)-Nhân ngày giỗ Hoàng hậu Bạch Ngọc (22/6 âm lịch), ngày 9/8/2012 (tức 22/6/2012) Sở VHTT&DL Hà Tĩnh phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và UBND huyện Đức Thọ tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Hoàng hậu Bạch Ngọc và Khởi nghĩa Lam Sơn"

Về dự buổi tọa đàm có các vị khách quý từ Trung ương: GS-Viện sỹ-Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam; Giáo sư Sử học Lê Văn Lan; Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khảo cổ Việt Nam; Giáo sư-Viện sỹ Đào Vọng Đức; Nhà văn Đoàn Tử Huyến, Giám đốc Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây; các Giáo sư, Phó Giáo sư Tiến sỹ, các nhà nghiên cứu lịch sử thuộc Hội KHLS Việt Nam và Viện sử học; đại diện Hội đồng gia tộc họ Lê Việt Nam.

Về phía lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh có các ông Thiều Đình Duy, UVBTV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Văn Thạch, UVBTV Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; Nguyễn Cảnh Thụy, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Tĩnh; đại diện các sở, ban ngành cấp tỉnh; các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa địa phương cùng lãnh đạo huyện Đức Thọ và các xã có di tích liên quan.

GS Phan Huy Lê khẳng định:
 

GS Phan Huy Lê khẳng định: Những công trình nghiên cứu dày công của các Nhà sử học, học giả công bố tại buổi tọa đàm này đã góp phần quan trọng cho những cứ liệu lịch sử tin cậy để chúng ta tiếp tục nghiên cứu về Hoàng hậu Bạch Ngọc

Trong công cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược nước ta vào những năm đầu thế kỷ XV, người dân Hà Tĩnh đã có những đóng góp hết sức to lớn , góp phần vào thắng lợi giành độc lập Đất nước. Mở đầu cuộc  kháng chiến có các danh thần võ tướng như Quốc công Đặng Tất, Bình Chương Đặng Dung, Ngự sử Nguyễn Biểu là những thủ lĩnh chủ chốt giúp nhà hậu Trần lập nên các chiến công vang dội Bô Cô, Thái Già... Tiếp sau là cuộc kháng chiến do Thượng tướng Nguyễn Biên lãnh đạo ở phía Nam tỉnh Hà Tĩnh.

Khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lan rộng ra cả nước, nhân dân các địa phương đã nô nức tham gia, đóng góp sức người sức của vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Như trăm sông đổ về biển cả , các lực lượng kháng chiến ở Hà Tĩnh đã tự nguyện gia nhập nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Nhiều vị tướng tài ba đã đứng dưới cờ Lam Sơn, cắt máu ăn thề, kết nghĩa anh em cùng diệt giặc cứu nước như Khai quốc công thần Nguyễn Tuấn Thiện, Nguyễn Lỗi, chấp lệnh công Lê Bôi...

Trong số các danh nhân đó phải kể đến sự tham gia đóng góp hết sức to lớn của Hoàng hậu Bạch Ngọc-Trần Thị Ngọc Hào. Bà đã cung cấp quân lương , hậu cần cho nghĩa quân . Nhiều bề tôi thân tín của bà như Trần Quốc Trung, Ngô Thời Kính cùng các trai tráng trong trang trại đã hăng hái gia nhập nghĩa quân,  lập được nhiều chiến công.

Hoàng hậu Bạch Ngọc vinh dự được tiếp kiến Bình Định vương Lê Lợi. Con gái duy nhất của bà là công chúa Huy Chân-Trần Thị Ngọc Hiền được tuyển làm cung phi, sinh được một công chúa Trang Từ-Lê Thị Ngọc Châu. Sau này toàn thắng  Lê Lợi đã nhận xét như một bản tổng kết chiến cuộc "Đất xứ Nghệ thắng địa , lính xứ Nghệ thắng binh".

Nhà sử học Dương Trung Quốc báo cáo đề dẫn Tọa đàm
 

Nhà sử học Dương Trung Quốc báo cáo đề dẫn Tọa đàm

Tham luận của các Giáo sư Tiến sỹ và các Nhà sử học đã làm sáng tỏ hơn những công lao to lớn của nhân dân địa phương Hà Tĩnh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vào đầu thế kỷ XV, đặc biệt là những cống hiến của Hoàng hậu Bạch Ngọc cho quê hương Đất nước.

Giáo sư học Lê Văn Lan đóng góp nhiều ý kiến quan trong trong buổi Tọa đạm 
Giáo sư học Lê Văn Lan đóng góp nhiều ý kiến quan trong trong buổi Tọa đạm 

Kết luận buổi tọa đàm, GS Phan Huy Lê khẳng định: Những cứ liệu lịch sử về nhân vật Hoàng hậu Bạch Ngọc từ trước đến nay tuy chủ yếu là truyền miệng trong dân gian nhưng nhân vật này là hoàn toàn có thật. Những công trình nghiên cứu dày công của các Nhà sử học, học giả công bố tại buổi tọa đàm này đã góp phần quan trọng cho những cứ liệu lịch sử tin cậy để chúng ta tiếp tục nghiên cứu về Hoàng hậu Bạch Ngọc, nhằm tôn vinh công lao của bà đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 
Cao Cường